Sinh viên tốt nghiệp khối ngành kinh tế khó tìm việc làm

(Baohatinh.vn) - Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 5.316 người đã qua đào tạo chưa có việc làm, trong đó số học sinh, sinh viên tốt nghiệp khối ngành kinh tế 1.262 người. Trong khi đó, nhu cầu của các doanh nghiệp, khu kinh tế (KKT) phần lớn chỉ tuyển dụng những lao động đã tốt nghiệp các chuyên ngành kỹ thuật. Chính vì thế, hiện nay, sinh viên tốt nghiệp khối ngành kinh tế rất khó có thể tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Theo số liệu khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu tuyển dụng lao động của các KKT Hà Tĩnh năm 2014 là 16.535 người, doanh nghiệp ngoài KKT 7.575 người. Còn theo kết quả điều tra của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Cung ứng nguồn nhân lực KKT Vũng Áng thì đến năm 2015, tại KKT Vũng Áng có khoảng 67.777 lao động làm việc (hiện tại đã có hơn 30.000 người). Cũng theo số liệu khảo sát thì chỉ tính riêng năm 2015, tại đây cần khoảng 27.720 lao động, trong đó trình độ đại học 11.500 người, dưới đại học 16.200 người. Năm 2014, các doanh nghiệp, nhà thầu trong KKT Vũng Áng có kế hoạch tuyển dụng 2.933 lao động, trong đó đại học 414 người, sơ cấp đến cao đẳng 2.033 người. Từ những số liệu khảo sát trên cho thấy, trong những năm tới, cơ hội việc làm cho người lao động nói chung trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Người lao động tìm việc làm tại Sàn GDVL. Ảnh: Quang Linh
Người lao động tìm việc làm tại Sàn GDVL. Ảnh: Quang Linh

Ông Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Bình quân tại các phiên giao dịch việc làm ở trung tâm, số sinh viên tốt nghiệp khối ngành kinh tế ở các trường đại học, cơ sở đào tạo trên toàn quốc đến đăng ký, tư vấn việc làm chiếm 70% so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, số này tìm được việc làm qua các phiên giao dịch chiếm tỷ lệ rất ít”.

Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh (KT-QTKD) Trường Đại học Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KT-QTKD bao gồm trình độ đại học, cao đẳng, TCCN và đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu của xã hội. Trung bình mỗi năm, Khoa KT-QTKD tiếp nhận khoảng 500 sinh viên. Trong các ngành đào tạo tại khoa thì có trên ¾ là chuyên ngành kế toán. Mỗi năm, trong số các học sinh, sinh viên ra trường thì có khoảng 60% tìm được việc làm, trong số đó khoảng 20% làm việc trái với ngành học. Riêng năm 2013, Khoa KT-QTKD có 210 học sinh, sinh viên ra trường thì có 151 sinh viên tìm được việc làm (71,9%), trong đó có 28 sinh viên làm trái ngành (18,5%), còn lại 59 học sinh, sinh viên chưa có việc làm (28,1%). Trong số sinh viên có việc làm thì khoảng 85% làm việc trong tỉnh, số còn lại ở các tỉnh, thành phố khác.

Tại hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2014 của Trường Đại học Hà Tĩnh, Thạc sỹ Nguyễn Kim Dung - Khoa KT-QTKD cho rằng: “Việc học sinh, sinh viên ra trường thất nghiệp và thiếu việc làm được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Một phần do xu thế khó khăn chung. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng công chức ở Hà Tĩnh đã bảo hòa, vì vậy, không có nhu cầu tuyển thêm công chức, viên chức. Mặt khác là do ý thức học tập của học sinh, sinh viên chưa tốt, chưa thật cố gắng dẫn đến kết quả học tập thấp và gặp khó khăn trong quá trình xin việc làm. Một bộ phận chưa đạt yêu cầu về chuẩn đầu ra, nhất là về ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó, khả năng tự tạo việc làm, sự năng động, thích ứng của sinh viên với yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng còn hạn chế”.

Cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh đang dần chuyển dịch tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Lực lượng lao động Hà Tĩnh cũng đang chuyển dần sang làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp lớn. Chính vì thế, cơ cấu sử dụng lao động theo ngành, lĩnh vực cũng có sự khác biệt lớn, các ngành khối kỹ thuật chiếm tỷ trọng cao hơn. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu cao trong môi trường làm việc công nghiệp, hiện đại, đòi hỏi sinh viên khối ngành kinh tế phải chuẩn bị kiến thức, tinh thần, thái độ phù hợp, hiện đại, khoa học, mang tính công nghiệp, kỷ luật. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh, học sinh hãy suy nghĩ thật kỹ khi lựa chọn hướng đi cho tương lai. Trong đó, chọn ngành, chọn nghề, ngoài yếu tố sở thích, đam mê, khả năng của bản thân, cần chú trọng đến nhu cầu nhân lực của địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast