Tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi: Những vướng mắc cần tháo gỡ

(Baohatinh.vn) - Sau một thời gian triển khai, việc thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ (quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội) bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị định đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt trong việc tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Trắc trở “đường” vào Làng trẻ mồ côi

Ông Bùi Xuân Hương (SN 1968) và vợ là bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1970) ở xã Đức Đồng (Đức Thọ) sinh được 3 người con gái, 2 người con đầu đã trưởng thành, đi làm ăn xa và con gái út là Bùi Thị Hảo (SN 1996) bị tàn tật. Năm 2004, bà Tuyết mất, sau đó, ông Hương lấy vợ hai và sinh cháu Bùi Đình Chung (năm 2006). Cuộc sống gia đình ông Hương gặp nhiều khó khăn, năm 2010, vợ ông Hương để lại con thơ cho chồng và bỏ đi không tin tức. Năm 2014, ông Hương mất, không ai chăm sóc, em Bùi Thị Hảo được đưa vào nuôi dưỡng ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh. Cháu Bùi Đình Chung (em cùng cha khác mẹ của Hảo) được người chú đưa về nuôi dưỡng.

tiep nhan nuoi duong tre mo coi nhung vuong mac can thao go

Lãnh đạo Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh tiếp nhận cháu Phan Thị Hậu vào nuôi dưỡng.

Theo anh Trần Hải Nam - nhân viên xã hội Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, trường hợp của em Chung vì thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quá cứng nhắc nên em chưa được đưa vào làng trẻ để đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc theo nguyện vọng của gia đình. Theo quy định, trẻ em dưới 16 tuổi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội phải là trẻ mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu để xác định mẹ của Chung mất tích theo quy định của pháp luật thì cần phải có quyết định tuyên bố của tòa án nhân dân cấp huyện trở lên. Trong khi đó, gia đình không nắm được quy định này và cũng không biết cách thực hiện những thủ tục như thế nào để có được quyết định tuyên bố của tòa án.

May mắn hơn cháu Chung, cháu Phan Thị Hậu (SN 2008) ở xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) vừa có quyết định tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh. Cháu Hậu mồ côi cha, mẹ là chị Phan Thị Loan (SN 1970) bị bệnh tâm thần và được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng 657 nghìn đồng. Hai mẹ con ở với ông bà ngoại đã gần 70 tuổi, cháu Hậu thường xuyên phải chịu những trận đòn của người mẹ “điên”.

Gia đình mong muốn đưa cháu Hậu vào nuôi dưỡng ở Làng trẻ mồ côi nhưng mãi đến lúc chị Hồ Hoài, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân) phát hiện hoàn cảnh thương tâm của cháu Hậu thì nguyện vọng đó mới được thực hiện. Chị Hoài cho biết, để làm hồ sơ cho cháu Hậu được tiếp nhận vào Làng trẻ mồ côi theo quy định, chị đã phải đưa chị Loan đi điều trị tại Bệnh viện tâm thần Nghệ An để có hồ sơ bệnh án. Sau đó, chị cùng gia đình đưa chị Loan vào chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục, lao động xã hội Hà Tĩnh. Ngày 15/3/2017, cháu Hậu đã có quyết định được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tập trung tại Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh.

Cần một cơ chế linh hoạt

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh cho biết, theo số liệu khảo sát chưa đầy đủ, hiện Hà Tĩnh đã có hơn 600 trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn cần phải nuôi dưỡng tập trung. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Nghị định 136/NĐ-CP đang còn những bất cập. Ví dụ như đối với những trường hợp: trẻ em con ngoài giá thú hoặc mồ côi bố, mẹ bị bệnh tâm thần; Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị bệnh hiểm nghèo không có khả năng nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích thì thủ tục để được tiếp nhận rất rườm rà, chồng chéo. Những khó khăn này, cộng với việc một số chính quyền địa phương cơ sở thiếu năng lực hoặc chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội càng bó hẹp cơ hội được nuôi dưỡng tập trung ở các cơ sở bảo trợ xã hội của các em mồ côi.

Cũng theo ông Sơn, thực tiễn cho thấy, tại Nghị định 136, đối tượng được nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở bảo trợ xã hội cần bổ sung thêm trường hợp: Trẻ em có cha hoặc mẹ nhưng cha hoặc mẹ hiện đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, không có khả năng nuôi dưỡng trẻ. Đồng thời, cần phải “mềm dẻo” một số thủ tục hồ sơ. Như trường hợp cháu Bùi Đình Chung đã nêu ở trên thì chỉ cần chính quyền địa phương cấp xã xác nhận mẹ cháu bỏ nhà đi, không có tin tức (mất tích) là có thể đảm bảo hồ sơ để cháu được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tập trung tại Làng trẻ mồ côi.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast