Trăn trở chuyển nghề ở Cẩm Lĩnh

(Baohatinh.vn) - Đồng muối ngày càng bị thu hẹp do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nỗ lực tìm nghề mới từ việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản hay bươn chải xứ người tìm việc làm đều gặp không ít khó khăn... Quá trình chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập, người dân Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đang chứa đầy những băn khoăn, trăn trở...

Đồng muối Cẩm Lĩnh bị thu hẹp dần.
Đồng muối Cẩm Lĩnh bị thu hẹp dần.

Gần 60 tuổi, lẽ thường sẽ được thảnh thơi với gia đình thì ông Đặng Danh Tuân (thôn 10) lại vất vả với những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Đứa nhỏ ẵm bồng từ 10 tháng tuổi, 2 đứa lớn năm nay đang học lớp 5, tất cả đều lớn lên trong tiếng ầu ơ của bà, thiếu hẳn bàn tay nâng niu, chăm sóc của bố mẹ. Ba người con đều bươn chải xứ người, ông bà trở thành điểm tựa để động viên các con nuôi chí thoát nghèo.

Dường như, với người dân xã Cẩm Lĩnh, chuyện về những thanh niên bỏ xứ tìm việc làm, những người mẹ gạt nước mắt gửi con lại cho ông bà và chuyện những người già 2 lần làm mẹ đã không còn hiếm gặp... Bà Nguyễn Thị Bính - vợ ông Tuân tâm sự: Nghĩ thương cháu, nhưng cũng phải gắng thôi, nếu cứ giam nhau quẩn quanh ở nhà thì không thể mần ăn chi được...

Câu chuyện về làng vắng thanh niên, bắt đầu từ những gì còn lại của một làng muối Trúc Lĩnh ngày xưa. Dường như, trong ký ức của mình, người dân thôn 10 vẫn luôn hoài niệm về một thời huy hoàng của những năm 86 của thế kỷ trước. Cái thời mà làng muối này đã từng 3 lần nhận cờ luân lưu của Chính phủ vì luôn dẫn đầu về sản lượng và chất lượng... Vậy mà, giờ đây, tất cả chỉ còn trong dĩ vãng!

Làng muối hôm nay, hơn 200 con người chỉ còn vài tuyến muối nhỏ nhoi trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Từ 500 hộ làm muối của những năm 1974, nay chỉ còn hơn 30 hộ bám trụ với nghề. Nằm ngay cửa biển, hầu như năm nào, vào thời điểm này, làng muối cũng trở nên hoang tàn, trơ trọi sau mỗi trận lũ. Ruộng muối ngập nước, ô nại, bể chứa gần như bị san phẳng trong nước; loang lổ, bong tróc và đầy bùn đất là những hình ảnh còn lại của đồng muối vào mùa biển động. Mỗi năm, bà con ở đây phải mất ít nhất 3 tháng để tu sửa chuẩn bị cho mùa vụ mới. Thế nhưng, trước sóng to biển lớn, trước sự xâm thực mạnh mẽ của triều cường, sức vóc của con người bỗng trở nên vô cùng nhỏ bé...

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Quốc Mênh - Trưởng thôn 10, cho biết: Không thể rời bỏ quê hương khi tuổi đã cao, những ông già, bà lão như ông chỉ biết bám trụ và cố níu giữ lấy nghề truyền thống mà cha ông để lại. Ông tính, 34 hộ dân của thôn 10 hiện đang sống bằng nghề muối, trung bình mỗi hộ thu nhập gần 12 triệu đồng/năm. Chưa kể công, trừ chi phí tu sửa ô nại mất gần 2 triệu đồng, nhẩm ra, mọi khoản lớn bé đều trông cả vào những hạt muối mặn chát ấy.

Dù vất vả, cực nhọc thì chính nó cũng đã cho họ một cái nghề, biết bao thế hệ đã lớn lên từ đấy. Có lẽ cũng chính vì thế mà họ vẫn ao ước trong tương lai, khi cầu bắc qua Cẩm Nhượng hoàn thành, bên cạnh sự sầm uất của những dịch vụ giao thương thì vẫn tồn tại một đồng muối óng ánh ngọc trắng trong ráng chiều...

Không an phận với ruộng muối mấy chục mét vuông, với đồng đất nông nghiệp hiếm hoi của toàn xã, người dân Cẩm Lĩnh đã và đang nỗ lực chuyển đổi nghề, nâng cao nhu nhập. Cả xã hiện có 132 thuyền làm nghề đánh bắt thủy hải sản, trong đó, có 78 thuyền đánh bắt xa bờ, GQVL cho 5-600 lao động địa phương với thu nhập mỗi năm 40-70 triệu đồng/người. Đây chính là lực lượng kéo GDP của xã tăng cao, đưa thu nhập thành một trong 8 tiêu chí đã hoàn thành trong năm nay tại xã Cẩm Lĩnh.

Tuy nhiên, con số đó không nhiều và chỉ số đó cũng không hoàn toàn bền vững. Rất nhiều lao động mưu sinh bằng nghề đánh bắt với ngư trường nhỏ hẹp, ngư cụ giản đơn nên thu nhập chẳng đáng là bao. Bám biển, bám làng nhưng cuộc sống vẫn đầy gian khó.

Có mặt tại đồng tôm 22 ha của xã Cẩm Lĩnh sau trận bão vừa qua, hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy là một biển nước mênh mông. Cơ sở vật chất, con giống và 11 ha tôm công nghệ cao chuẩn bị cho đợt thu hoạch giáp tết đều mất trắng. Đồng nghĩa với việc những nỗ lực của 5 hộ dân với không ít lao động địa phương đều bị thiên nhiên phũ phàng xóa sạch. Với họ, chuyển đổi nghề luôn là bài toán nhiều thách đố, nghĩ suy. Ông Trần Đình Lam - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: Nhiều năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Cẩm Lĩnh đã có nhiều nỗ lực để quy hoạch, định hướng cho người dân dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có như đầu tư đánh bắt, nuôi trồng, đẩy mạnh việc khai thác các vùng bãi bồi ven sông... Tuy nhiên, nghề biển vốn bấp bênh lại cần nhiều vốn, nghề muối thì đang nỗ lực để tìm một dự án cho tuyến đê bao đồng muối... Câu chuyện này không thể tính gọn trong ngày một ngày hai...

Rời làng muối vào một chiều cuối đông. Thêm những con thuyền neo bến vì biển động. Thêm những ông già, bà lão lại bế bồng cháu ngóng trông con. Nhìn ra, cả làng vắng thanh niên... Dường như, khát vọng đổi nghề của họ đang cần lắm sự quan tâm của các cấp, ngành...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast