Trắng đêm cạo mủ cao su...

(Baohatinh.vn) - 2h sáng, chị Hoài ủ chiếc chăn mỏng cho đứa con mới 7 tháng tuổi rồi vội vã cầm dao lên rừng cao su cạo mủ. Đã hơn 11 năm nay, kể từ khi theo anh Đường về nông trường cao su làm dâu, gần như đêm nào chị cũng đi làm từ 1 - 2h sáng như vậy.

Video trắng đêm cạo mủ cao su.

Không chỉ nhà chị Hoài, khoảng thời gian này, gần như cả Nông trường Cao su Phan Đình Phùng (thôn 13, xã Hà Linh, Hương Khê - Hà Tĩnh) - thuộc Công ty TNMH MTV Cao su Hà Tĩnh - nhà ai nhà nấy đều tỏ đèn, tất tưởi chuẩn bị cho công việc của một ngày mới.

Mấy năm gần đây, mủ cao su "rớt" giá, công nhân lao đao vì thu nhập giảm. Nhiều người đã bỏ cao su tìm nghề mới, hiện tại, người làm nghề cạo mủ ở Hà Linh chủ yếu là phụ nữ.

Trắng đêm cạo mủ cao su...

Chị Hoài lấy mủ dây trước khi cạo mủ mới.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài và anh Nguyễn Doãn Đường (thôn 13, xã Hà Linh) đều làm nghề cạo mủ cao su. Được giao 15 ha, để đảm bảo năng suất, vợ chồng chị phải chia mỗi người đi cạo mỗi lô khác nhau. Là thân gái, một mình giữa rừng những lúc nửa đêm, chị thường xuyên phải đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Hỏi về nỗi sợ, chị Hoài cười xuề: “Lúc mới làm nghề thì con sên (vắt) cũng sợ, dần dần rồi kể cả rắn, rết cũng quen, biết cách đối phó thì nó phải sợ mình”. Gia đình anh chị có 3 con nhỏ, đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi. “Cả xóm này nhà nào cũng vậy, đẻ con ra đến cữ biết ngồi là cho đi nhà trẻ, thương con lắm nhưng cha mẹ phải làm thì mới có cái ăn. Nay là mùa hè, 2 đứa lớn được nghỉ học nên ở nhà chăm em, cũng yên tâm đi làm” - chị kể tiếp.

Trắng đêm cạo mủ cao su...

Chỉ trừ mùa cao su rụng lá, gần như đêm nào, chị Hoài cũng thức dậy từ 1-2h sáng để đi cạo mủ.

Hành trang của người thợ cạo chỉ đơn giản một chiếc đèn đội, dao cạo và giỏ đựng mủ dây. Để tránh vắt, rắn, rết và các loại côn trùng, công nhân thường đi tất cao, giày ủng, mặc kín.

Đi qua vài cây số, chị Hoài dựng vội chiếc xe máy rồi thoăn thoắt lấy dao lần theo từng gốc cao su để cạo mủ. Việc cạo mủ không khó, trước tiên, chị Hoài lấy mủ dây (mủ của lần cạo trước đọng lại) rồi lấy dao rạch một đường theo miệng đã được mở trước đó, vừa cạo xong thì nhanh tay đặt chén vào vị trí định sẵn để hứng mủ. Tuy vậy, người thợ cần nhanh tay, từng hành động phải dứt khoát, nhịp nhàng. Nếu đặt chén hứng mủ trước khi cạo thì bụi, rác trong quá trình lấy mủ dây và cạo sẽ rơi xuống, làm bẩn mủ mới; nếu đặt chén chậm thì mủ sẽ chảy ra ngoài.

Trắng đêm cạo mủ cao su...

Khi mủ chảy cạn, người thợ tiếp tục dùng xô đi gom từng chén

Dưới ánh đèn lập lòe, chị Hoài cứ lầm lũi đếm theo từng gốc cao su cho đến khi trời sáng. Tiếp đó, đến khoảng 6h, khi mủ chảy cạn, người thợ tiếp tục dùng xô đi gom từng chén, đưa về vị trí tập trung để bán cho công ty. Chừng 9 - 10h sáng thì buổi cạo kết thúc.

Trắng đêm cạo mủ cao su...

Một mình giữa rừng cao su những lúc nửa đêm, công nhân nữ thường xuyên phải đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Chị Hoài nhẩm tính, trung bình mỗi đêm, một công nhân cạo được khoảng 50 kg mủ, với giá bán hiện tại (3.000 đồng/kg), thu nhập khoảng 150 nghìn đồng/ngày. Với những lô cao su già, cây đều, người cạo nhanh có thể đạt 70 - 80 kg, nhưng hiếm người làm được. Giờ chúng tôi chỉ mong sao giá cao su khá hơn một chút để mức thu nhập của công nhân tương xứng với công sức bỏ ra”.

Hơn 11 năm làm công nhân cạo mủ cao su là khoảng thời gian đủ để chị Hoài nghiệm ra những khó khăn nhọc nhằn của công việc. Khó khăn ấy càng nhân lên gấp bội khi gia đình có thêm con nhỏ, trong khi giá mủ cao su xuống thấp, có khi ế ẩm. Cũng vì công việc nặng nhọc, nữ công nhân cạo mủ cao su chỉ làm việc đủ 15 năm là có thể nghỉ hưu.

Chị trải lòng: “Tôi đã làm được 11 năm, chỉ gắng thêm 4 năm nữa là được nghỉ rồi. Nhằm cải thiện kinh tế, hướng đến cuộc sống sung túc hơn, vợ chồng tôi còn thanh thủ còn trồng thêm cam, nuôi gà, bò...".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast