Tuổi "xế chiều" vẫn nặng gánh mưu sinh

(Baohatinh.vn) - Thực trạng người già đối mặt với nhiều rủi ro khi mưu sinh vì cuộc sống vẫn đang là nỗi trăn trở lớn của xã hội...

Tuổi "xế chiều" vẫn nặng gánh mưu sinh ảnh 1

Cụ Nguyễn Thị Nhụ đào đất đổ lên xe cút kít chở về làm vồng cải, kiếm thêm thu nhập.

Cụ bà Nguyễn Thị Nhụ, 80 tuổi (thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ, Lộc Hà) lưng còng, đẩy chiếc xe cút kít nay đã ngang bằng vai, khấp khiểng qua cái cầu nhỏ trước cổng nhà sang bờ ruộng muối. Cụ cho hay: “Tôi đào đất để chở về nhà, làm vồng cải, kiếm thêm thu nhập”. Chuyện trò giờ lâu, tôi được biết, hai ông bà cùng tuổi, thường xuyên đau ốm nhưng phải vất vả kiếm sống do hoàn toàn tự túc. 5 người con đã thành gia thất nhưng cuộc sống còn bộn bề gian khó nên không đủ điều kiện chăm lo cho cha mẹ. Bỏ ruộng muối mới ít năm nay, việc hằng ngày của cụ Nhụ bây giờ là đẩy xe trên quãng đường khoảng 1 km lên chợ mua từng bó rau rồi bán lại. Mỗi bận, cụ kiếm được khoảng 20-30.000 đồng.

Còn cụ Trương Văn Cảnh, chồng cụ Nhụ, ở tuổi “gần đất, xa trời” nhưng vẫn cõng trên vai nỗi vất vả như những lực điền. Cụ Cảnh bảo: “Tôi mới nghỉ làm mấy tháng nay vì mắt tự dưng kém hẳn, không ghi được sổ sách, khó trông coi, sợ mất mát. Trước đây, tôi thường xuyên đi làm bảo vệ công trình, trông coi vật liệu. Hết làm cho người này đến người khác. Mỗi tháng được vài triệu”. Những khoản trợ cấp ít ỏi không đủ chi tiêu, việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày phụ thuộc hoàn toàn vào sức lao động, bởi thế, biết là cực nhọc và nhiều rủi ro, song, hai vợ chồng cụ Nhụ vẫn phải nặng nhọc kiếm sống.

Bà Trần Thị V. (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) năm nay gần 80 tuổi, trông khô gầy, ốm yếu. Cầm trên tay những bó rau muống, mệt mỏi chờ lời của khách, bà bảo, hai ông bà có 3 người con nhưng đã lấy vợ, lấy chồng. Ông đã gần 85 tuổi, ốm yếu thường xuyên, không làm được gì. Cuộc sống của ông bà rất thiếu thốn. Mỗi ngày, bà V. chỉ trông chờ vào mươi bó rau muống, có khi bán không hết phải mang về. Không có đất sản xuất nên đời sống khó khăn. Những mớ rau này cũng không phải trồng ở nhà mà ở phần đất của con gái bên phường Nam Hà. Vì đều vất vả nên hai mẹ con trồng chung.

Chợ TP Hà Tĩnh là nơi mua bán, gặp gỡ của nhiều người có điều kiện kinh tế nhưng cũng là nơi mưu sinh của không ít người già. Bà chắt Năm bán cà gần quầy thịt; bà Nam bán xôi lạc ngồi bệt trước cửa ra vào đình quần áo… tất cả chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập ít ỏi trong ngày. Sau bà Năm, bà Nam là căn nhà nhỏ, là bóng dáng cụ ông tuổi cao, sức yếu. Đó cũng là hình ảnh những người già tại chợ Cày (Thạch Hà), chợ thị trấn Can Lộc mà nhiều lần tôi bắt gặp.

Mỗi người mỗi cảnh, song, với những người già còn phải nặng gánh mưu sinh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năng suất, hiệu quả lao động thấp, các sản phẩm làm ra chỉ đơn giản, thuần túy và ít ỏi… vì thế, chất lượng cuộc sống sẽ thấp; rủi ro càng tăng, kể cả việc tham gia giao thông. Đây là một vấn đề lớn của xã hội, cần được san sẻ từ nhiều phía, trong đó, có nghĩa vụ của con cái, trách nhiệm của cộng đồng và sự thấu hiểu, thương yêu, ủng hộ của xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast