Vào đồi hoang, tay trắng vẫn làm nên

(Baohatinh.vn) - Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Trần Đình Quý xây dựng gia đình với chị Hà Thị Lý, sinh sống tại xóm 2, xã Sơn Thịnh (Hương Sơn). Thời điểm đó, hoàn cảnh gia đình hai bên nội ngoại hết sức khó khăn nên Quý bàn với vợ xin ra ở riêng. 2 bàn tay trắng, đôi vợ chồng trẻ đã đi vào vùng đồi núi hoang vu thuộc thôn Tân Thịnh, xã Sơn Thịnh để lập nghiệp.

vao doi hoang tay trang van lam nen

Vợ chồng anh Quý đã biến đồi núi hoang vu và khô cằn thành một vùng trù phú

Anh Quý nhớ lại: Khi mới vào đây (năm 2002), khu vực này rất hoang vu, không có người ở, không điện, không nước, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Bằng bản lĩnh và ý chí của người lính Cụ Hồ, vợ chồng anh đã khai hoang phục hóa, mở đất trồng rừng. Nhận thấy khu vực này có rất nhiều cây trện (cây chổi trện) mọc tự nhiên, vợ chồng anh xin chính quyền địa phương cho khoanh nuôi, bảo vệ 1,5 ha đồi núi trọc để chăm sóc.

Đất không phụ công người, cây trện phát triển rất tốt và cho thu hoạch sau 1 năm khoanh nuôi, chăm sóc. Có thu nhập từ cây trện, vợ chồng anh đã xây dựng được ngôi nhà ngói 3 gian kiên cố. Anh tiếp tục mở rộng và trồng thêm rừng nguyên liệu gồm keo, bạch đàn, chăn nuôi thêm bò, hươu nhằm tăng thêm thu nhập và đầu tư cho 2 con ăn học.

Anh Quý cho biết: Cây trện bán rất được giá, thương lái vào tận nơi thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Mỗi ngày, gia đình anh thu hoạch khoảng 200 kg, phơi qua 1 nắng cho héo và rụng hết hoa rồi nhập cho thương lái, thu về 1,5 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt và thu hoạch đúng quy trình, cây trện sẽ cho thu nhập gần như quanh năm.

Với 1,5 ha thu hoạch theo hình thức “cuốn chiếu” bắt đầu từ tháng giêng đến tháng 10 âm lịch và chỉ ngừng thu hoạch khi mùa mưa đến. Như vậy, mỗi năm, gia đình anh Quý thu hoạch khoảng 10 tấn trện, tương đương 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 170-180 triệu đồng. Ngoài việc khoanh nuôi và chăm sóc 1,5 ha trện, gia đình anh còn trồng thêm 1 ha rừng nguyên liệu, chăn nuôi 4 con hươu, 8 con bò và sản xuất 2 mẫu ruộng.

Từ một vùng đồi núi hoang vu và khô cằn, nhờ bàn tay chăm sóc của vợ chồng anh Quý qua đã biến thành một vùng đồi núi trù phú, tốt tươi và cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm.

Anh Quý tâm sự: “Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên bản thân bố mẹ đã không được ăn học đến nơi đến chốn (bản thân anh Quý không biết chữ) nên rất thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Vì thế, vợ chồng tôi tâm niệm dù có vất vả đến đâu cũng phải cố gắng đầu tư cho các con ăn học đến nơi đến chốn, sau này kiếm việc làm để thoát khỏi cảnh nghèo như bố mẹ đã từng trải qua”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast