XKLĐ sang Angola: Đừng “cá cược” mạng sống!

(Baohatinh.vn) - Bắt đầu từ năm 1994, người Hà Tĩnh đã đặt chân lên đất nước Angola để tìm hiểu, làm ăn. Đến nay, cộng đồng người Hà Tĩnh ở nước bạn đã được hình thành với khoảng 6.000 người. Nguồn thu từ ngoại tệ đã đóng góp vào cuộc sống từng gia đình, từ đó, tác động nhất định tới xã hội.

Điều này đã “kích thích” quyết tâm làm giàu của người lao động và hình thành nên phong trào đi Angola mặc cho hầu hết trong số đó là bằng con đường không hợp pháp. Nhiều người “tiền mất, tật mang”, thậm chí phải đổi bằng mạng sống đã nói lên thực trạng nhói lòng, rất cần được cảnh tỉnh.

Vào khoảng cuối năm 2010, ông Ngô Xuân Lịch ở thôn Lâm Thịnh (Xuân Liên - Nghi Xuân) bắt đầu hỏi nợ gia đình ông Trần Văn L. (cùng thôn) khoản tiền 2.000 USD mà ông L. vay cho con trai là Trần Đức H. xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Angola. Hai bên lời qua tiếng lại nhiều lần, đến mức cạn tình, ông Lịch viết đơn gửi Tòa án nhân dân huyện Nghi Xuân vào đầu năm 2011. Tuy nhiên, đến nay, món nợ 2.000 USD vẫn chưa được giải quyết vì câu chuyện có một số tình tiết đang cần được một số ban, ngành làm rõ. “Làm phúc xúc tội”, ông Lịch nhắc đi nhắc lại nhiều lần về câu chuyện mà gần 5 năm qua mọi thành viên trong gia đình ông đều bị ảnh hưởng.

Gia đình anh P.N.Q ở xóm Song Hoành (Thạch Vĩnh) đau đớn vì mất người thân và đối mặt với gánh nặng nợ nần.

Gia đình anh P.N.Q ở xóm Song Hoành (Thạch Vĩnh) đau đớn vì mất người thân và đối mặt với gánh nặng nợ nần.

Tiếp xúc với một số nguồn tin, chúng tôi được biết, anh Trần Đức H. (con trai ông L.) xuất khẩu sang Angola nhưng công việc không thuận lợi. Anh bị cảnh sát bắt giam, sau đó trở về quê mà không có nổi một đồng thu nhập. Cùng với đó là người nhà bị bệnh, ông L. khó có khả năng trả món nợ khá lớn đã vay. Sau một thời gian khá dài chịu sức ép, ông L. viết đơn phản tố gửi tòa án, làm cho vụ việc cần có thêm thời gian để xử lý dứt điểm. Được biết, cũng tại thôn Lâm Thịnh, cuối năm 2014, Tòa án nhân dân huyện Nghi Xuân đã xử lí vụ ông Trần Văn Hồng đòi món nợ 5.000 USD cho một người vay sang Angola lao động phổ thông.

“Tiền mất, tật mang”, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm chưa phải là hệ lụy lớn nhất của việc XKLĐ không hợp pháp sang Angola. Bất hạnh hơn, một số trường hợp, người lao động còn phải đánh đổi bằng mạng sống. Câu chuyện anh P.N.Q.

(38 tuổi) ở thôn Song Hoành, xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà) vì nóng lòng trả nợ, có tiền nuôi con ăn học, đành đánh liều sang Angola làm thuê để rồi chỉ chưa đầy 6 tháng đã tử vong vì nhiều lý do ngoại cảnh. Bà Lê Thị Loan - mẹ vợ anh Q. nghẹn ngào: “Sang bên đó, lao động ở vùng hẻo lánh, khí hậu khắc nghiệt nên con tôi ốm đau thường xuyên, có lần bị nhóm cướp đánh, có lần bị chó dại cắn phải nhập viện. Lần ni thì bị sốt rét, chuyển viện đến 3 lần”. Trong đau đớn tột cùng, chị Nguyễn Thị Hà vợ anh Q. nấc nghẹn: “Trước khi đi, anh cứ thuyết phục tôi lo vay mượn 120 triệu đồng để tìm đường làm ăn mới, nuôi con ăn học. Anh nói, người bạn ở Cẩm Xuyên có người quen bên đó làm ăn khấm khá đưa đi, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Ai ngờ...”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoành Trương - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Vĩnh cho biết: “Chính quyền xã không hề biết việc anh Q. đi XKLĐ, vì đó là đi “chui”. Hiện tại, có hơn 10 người của xã Thạch Vĩnh ở bên Angola. Mới đây, có 2 người sang nhưng làm ăn không thuận lợi nên đã về”.

Những đứa con của anh P.N.Q chỉ cầu mong được nhìn thấy bố một lần cuối

Những đứa con của anh P.N.Q chỉ cầu mong được nhìn thấy bố một lần cuối

Kỳ Anh được xem “cái nôi” của phong trào XKLĐ sang Angola, từ cuối năm 2014 đến nay cũng đã có 4-5 trường hợp gặp rủi ro, thiệt mạng. Nhờ cộng đồng người Hà Tĩnh quyên góp tiền nên mới đưa được nạn nhân về quê hương chôn cất. Ngoài ra, do các nạn nhân đi bằng con đường tự do, không có hợp đồng lao động với đơn vị nào nên không được hưởng các chế độ bảo hiểm, bồi thường. Nhiều người chưa đủ thời gian để lấy lại tiền vốn bỏ ra, gia đình họ không những chẳng đổi đời như mong muốn mà còn mang nặng cả nỗi đau tinh thần và những khó khăn trong cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao chỉ đạo 5 doanh nghiệp XKLĐ được phép thử nghiệm đưa lao động sang Angola. Trước đó, hợp tác lao động phổ thông giữa hai bên chưa được ký kết. Trường hợp một số lao động có mặt ở Angola là thông qua con đường trung gian, chủ yếu sang Trung Quốc làm visa, đi theo hình thức du lịch. Số lao động XKLĐ sang Angola có hợp đồng lao động với những đơn vị hợp pháp rất ít”.

Ông Dũng cho biết thêm: “Khi người lao động sang Angola không được pháp luật bảo hộ, tức là lao động tự do, không có hợp đồng lao động sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro như: không được hưởng BHYT, BHXH, tai nạn lao động, kể cả tác động của các băng nhóm. Ngoài ra, vì không có hợp đồng lao động nên không xác định được việc làm, nhiều lao động phải tìm đến những nơi hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa vừa tìm việc, vừa lẩn trốn pháp luật, tránh cảnh sát. Lúc này, nguy cơ mất an toàn lao động là rất cao”. Sở đã có văn bản chỉ đạo các huyện, khuyến cáo người dân nên thận trọng khi XKLĐ sang Angola. Hiện tại, Chính phủ thí điểm 5 doanh nghiệp, vì thế, nếu XKLĐ sang Angola đúng luật phải qua 5 doanh nghiệp này”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast