XKLĐ sang Hàn Quốc: Cơ hội mới phải gắn với nhận thức mới!

Những năm gần đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một trong những con đường thoát nghèo chính đáng ngắn nhất đối với người lao động. Thế nhưng, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít lao động làm việc tại Hàn Quốc đang dần đánh mất đi hình ảnh của người lao động Việt Nam và niềm tin với đối tác. Đã đến lúc người lao động phải có ý thức trách nhiệm cao hơn đối với chính sách XKLĐ của Nhà nước.

Từ những con số

Theo thống kê của Phòng Lao động việc làm (Sở LĐTB&XH), Hà Tĩnh hiện có gần 6.500 lao động đang làm việc ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% lao động làm việc tại các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia và khu vực Bắc Phi. Có thể nói trong số các quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam thì Hàn Quốc được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất, vì ngoài thu nhập cao, các chế độ chính sách đối với người lao động tại quốc gia này cũng được đảm bảo.

Lao động ghi danh học tiếng Hàn tại Trung tâm GTVL Hà Tĩnh
Lao động ghi danh học tiếng Hàn tại Trung tâm GTVL Hà Tĩnh

Trước đây, lao động Việt Nam đến làm việc ở Hàn Quốc chủ yếu đi theo chương trình tu nghiệp sinh và chương trình thuyền viên. Tuy nhiên, các lao động đi theo diện này được hưởng mức thù lao thấp hơn mức lương của lao động nước sở tại, do đó lao động nước ngoài thường bỏ trốn ra làm ngoài. Để tránh tình trạng trên, từ năm 2009, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã thay thế chương trình tu nghiệp sinh bằng chương trình cấp phép việc làm (EPS). Đây là chương trình XKLĐ hết sức hấp dẫn với tổng chi phí người lao động phải đóng nộp từ 1.200 -1.300 USD, mức lương cơ bản người lao động được hưởng từ 800 - 850 USD/ tháng. Bình quân mỗi năm phía Hàn Quốc tổ chức 2-3 kỳ thi tiếng Hàn và số người được phía Hàn Quốc tuyển chọn làm việc từ 10.000 - 12.000 người. Đối với Hà Tĩnh, từ khi thực hiện chương trình đến nay đã có 2.200 người sang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó 6 tháng đầu năm 2011 đã có trên 840 lao động.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, tổng số ngoại tệ mà lực lượng lao động Hà Tĩnh gửi về mỗi năm thông qua các kênh khác nhau khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng), có thời điểm cao hơn nguồn thu ngân sách tỉnh. Nhờ XKLĐ mà diện mạo các làng quê trên địa bàn Hà Tĩnh đổi thay một cách mau chóng. Cùng với Cương Gián, xã ven biển Xuân Liên (Nghi Xuân) là một trong những địa phương đang dần thoát nghèo nhờ con đường XKLĐ. Chủ tịch UBND xã Xuân Liên - Hoàng Văn Cát cho biết, toàn xã hiện có hơn 1.420 lao động đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về gần 100 tỷ đồng xây dựng và phát triển kinh tế ở quê hương. Nếu trước đây tỷ lệ hộ nghèo của Xuân Liên luôn ở mức trên 30 % thì nay chỉ xấp xỉ 18%.

Lao động bỏ trốn và những hệ lụy

Theo lộ trình của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, năm 2011, nước bạn sẽ tổ chức 2 kỳ thi theo chương trình EPS, chỉ tiêu lao động được phân bổ chung trên toàn quốc. Phía bạn sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra để lựa chọn những người được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển theo nguyên tắc lấy từ những hồ sơ có số điểm cao nhất trở xuống. Sau khi làm hồ sơ đăng ký dự tuyển, chỉ những người được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn mới được làm các thủ tục tiếp theo để đi làm việc tại Hàn Quốc.

Mọi chuyện tưởng như đang “êm chèo, mát mái” đối với những lao động có ước mơ tìm kiếm cơ hội việc làm ở xứ sở kim chi thì phía Hàn Quốc thông báo ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam bởi tình trạng lao động nước ngoài cư trú trái phép tại nước này gây ra sức ép nặng nề đối với xã hội. Tại thời điểm tổ chức kỳ thi thứ nhất, phía Hàn Quốc đã thống kê danh sách lao động nước ngoài bỏ trốn trên toàn lãnh thổ.

Theo tổng hợp, có. 8.780 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (bỏ trốn, hoặc quá thời hạn không về nước), trong đó có 400 lao động từ Hà Tĩnh, do đó phía Hàn Quốc đã tạm hoãn các kỳ kiểm tra tiếng Hàn dự kiến tổ chức trong năm 2011 và xem xét ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều lao động ở các vùng quê nghèo đang háo hức chuẩn bị lên đường đành phải ngồi nhà chờ và… trả tiền lãi ngân hàng. Tình thế dở khóc dở cười này sẽ không xẩy ra nếu lao động nào cũng nhận thức được đầy đủ về nghĩa vụ và trách nhiệm, có tính cộng đồng cao hơn khi đang làm việc tại Hàn Quốc.

Cơ hội mới phải gắn liền với nhận thức mới

Trước những cố gắng từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc hạn chế số lượng lao động người Việt cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, phía bạn đã đồng ý tiếp tục “mở cửa” tiếp nhận lao động Việt Nam. Theo thông báo của Bộ LĐ TB&XH, chúng ta đã thống nhất với Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc về việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2011 dành cho người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình cấp phép lao động EPS. Thời gian kiểm tra được ấn định vào ngày 17 – 18-12. Số lượng lao động phía Hàn Quốc phân bổ cho Việt Nam lần này là 15.000 người.

Tại buổi tọa đàm tuyên truyền các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp được tổ chức ở huyện Nghi Xuân vào tháng 9-2011, nhiều giải pháp được đưa ra. Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, sắp tới Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thay đổi cách thức tuyển chọn lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp; áp dụng biện pháp hạn chế tuyển chọn người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã/phường có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao; áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc; thực hiện các chương trình hỗ trợ người lao động về nước như kết nối việc làm cho người lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước với các chủ sử dụng lao động, đặc biệt là các công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam…

Theo ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, do nhu cầu về nguồn nhân lực của nền kinh tế nên Hàn Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách sử dụng lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Thêm vào đó, lao động Việt Nam được các cơ quan tiếp nhận của Hàn Quốc đánh giá cao bởi sự cần cù, chăm chỉ, khéo léo, học hỏi và tiếp thu nhanh các kỹ năng trong công việc. Do đó nếu người lao động thực hiện đúng cam kết, quy định đối với nhà tuyển dụng thì thị trường Hàn Quốc vẫn rộng cửa đối với lao động Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài cần phải nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình. Cơ hội mới sẽ rộng mở và bền vững khi nhận thức của mỗi lao động được nâng cao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast