Điểm mặt đội tàu ngầm ở Đông Nam Á

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á mới nhất sở hữu tàu ngầm, khi chiếc tàu ngầm lớp Kilo cải tiến đầu tiên trong Dự án 636 ký với Nga được chuyển về cảng Cam Ranh vào ngày 31/12 vừa qua.

Chiếc tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu thông thường lớp Varshavyanka Dự án 636 của Nga hay lớp Kilo nâng cấp được chuyển từ cảng St. Petersburg của Nga trên chiếc tàu vận tải hạng nặng Rolldock Sea. “Hộ tống” chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 6 tàu ngầm Việt Nam đặt mua của Nga là đội chuyên gia của Xưởng đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg. Họ sẽ đảm nhiệm những công việc cuối cùng trên chiếc tàu ngầm trước lễ chuyển giao chính thức sắp tới. Chiếc tàu ngầm dự kiến sẽ được đạt tên là HQ 182 Hà Nội. 5 chiếc còn lại trong Dự án 636 dự kiến sẽ được chuyển giao hết vào năm 2016.

Hồi cuối tháng 11 vừa qua, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thông tin Ấn Độ sẽ hỗ trợ huấn luyện tới 500 thủy thủ Việt Nam cho các tàu ngầm đã được công bố. Đây là một phần trong chương trình hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia quân sự châu Á của Úc, việc huấn luyện sẽ được thực hiện tại trung tâm huấn luyện tàu ngầm hiện đại của Hải quân Ấn Độ INS Satavahana tại Visakhapatnam. Bản thân Hải quân Ấn Độ đã vận hành các tàu ngầm Kilo của Nga từ tận giữa những năm 1980.

Cũng theo giáo sư Carl Thayer, sự hiện diện của tàu ngầm HQ 182 Hà Nội đúng vào thời điểm hải quân các nước trong khu vực đang thúc đẩy chương trình hiện đại hóa hải quân, trong đó việc sở hữu tàu ngầm thông thường được coi trọng.

Từ tận năm 1967, Indonesiađã trở thành một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên sở hữu khả năng dưới lòng biển khi nhận “mẻ” tàu ngầm lớp Whiskey của Liên Xô. Sau đó đội tàu ngầm này được thay thế bằng 2 tàu ngầm diesel của Tây Đức vào năm 1978.

Năm 2012, Bộ Quốc phòng Indonesia đã công bố kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình lên 12 chiếc vào năm 2020. 12 chiếc này là con số tối thiểu cần có để bao quát những điểm chiếm lược hay những tuyến đường biển quan trọng ra vào quốc đảo này.

Hiện tại Indonesia đã đặt hàng 3 chiếc tàu ngầm U-209 và chúng đang được Daewoo Shipbuilding and Marine Engineering, Hàn Quốc, phối hợp cùng PT PAL của Indonesia sản xuất. Hạm đội tàu ngầm này dự kiến sẽ được chuyển giao khoảng từ năm 2015-2016.

Ngoài ra, Indonesia cũng đang xem xét 2 lựa chọn. Thứ nhất là mua và nâng cấp các tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Một nhóm kỹ thuật viên nước này, do Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Marsetio, dẫn đầu sẽ thăm Nga vào tháng này nhằm thị sát các tàu và vũ khí đi kèm. Với lựa chọn này, giá cả và hiệu quả hoạt động của tàu sẽ được xem xét.

Các nguồn tin Indonesia cho hay lựa chọn tàu Kilo khả thi bởi tàu có thể được trang bị hoặc tên lửa siêu thanh Yakhont hoặc tên lửa hành trình Klub-S. Tên lửa hành trình Klub-S có thể bắn dưới nước và tấn công cả các mục tiêu trên mặt đất, cách xa tới 400km.

Lựa chọn thứ hai của Indonesia là mua tàu ngầm mới của Hàn Quốc. Lựa chọn này “hấp dẫn” bởi tàu ngầm mới phù hợp với hạ tầng cầu cảng hiện nay.

Các nguồn tin báo chí cũng cho thấy tàu ngầm mới của Indonesia sẽ neo đậu tại căn cứ hải quân Palu mới được xây dựng tại Trung Sulawesi. Những tàu ngầm này có thể hoạt động ở vùng nước sâu quanh các đảo miền đông của Indonesia.

Trong khi đó cuối tháng 11 vừa qua, Singapore tuyên bố đã ký thỏa thuận mua 2 tàu ngầm thông thường mới Type 218SG của ThyssenKrupp Marine Systems ở Đức. Hợp đầu mua bán bao gồm cả đào tạo thủy thủ tại Đức.

Tàu ngầm của Singapore sẽ dược trang bị hệ thống đẩy khí độc lập và dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2020. Tàu ngầm mới sẽ thay thế cho 4 chiếc tàu ngầm cũ lớp Challenger và sẽ gia nhập cùng 2 chiếc tàu ngầm lớp Archer mới được tân trang (trước kia là tàu lớp Västergötland của Thụy Điển) để tạo thành hạm đội dưới lòng biển của Singapore.

Còn Malaysia đã sở hữu hai tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp sau hợp đồng ký kết năm 2002. 2 tàu RMN Tunku Abdul Rahman và RMN Tun Abdul Razak đã lần lượt được đưa vào phục vụ trong hải quân năm 2007 và 2009. Chúng được “đồn trú” tại Sepanggar, Sabah. Tháng 5/2012, Malaysia cho biết việc mua thêm tàu ngầm phụ thuộc vào nguồn quỹ cho phép. Cũng năm này, Malaysia đã ký một hợp đồng mua một tàu ngầm Escape và tàu cứu hộ tàu ngầm sẽ được sản xuất ở Singapore.

Tháng 6/2013, tướng quân sự cấp cao của Myanmar Min Aung Hlaing đã tham gia đàm phán với giới chức Nga về việc mua 2 tàu ngầm lớp Kilo. Cũng cùng tháng có thông tin cho biết 20 sỹ quan đã bắt đầu được làm quen và huấn luyện cơ bản về tàu ngầm ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm PNS Bahadur tại Pakistan. Những thông tin này cho thấy Myanmar có ý định thành lập một lực lượng tàu ngầm vào năm 2015.

Vào tháng 4/2011, Thái Lan bước vào thị trường mua 2 trong 6 chiếc tàu ngầm diesel đã “về hưu” Type 206A của Đức với giá 220 triệu USD. Với trọng tải rẽ nước 550 tấn, chúng nằm trong số những tàu ngầm tấn công nhỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, Thái Lan có thay đổi chính phủ vào tháng 7/2011 và những khác biệt nội bộ giữa Bộ trưởng Quốc phòng mới và Hải quân khiến dự án bị gác lại.

Tháng 10/2013, có thông tin cho thấy Hải quân Hoàng gia Thái sẽ đưa việc mua 3 tàu ngầm vào kế hoạch mua bán 10 năm tới. Trong khi đó Thái Lan đã bắt đầu xây dựng các cơ sở cho một trung tâm huấn luyện tàu ngầm và một căn cứ tại căn cứ hải quân Sattahip tại Chon Buri. Căn cứ này dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 3 năm nay và sẽ được trang bị một Trung tâm huấn luyện chỉ huy tàu ngầm.

Năm ngoái Hải quân Hoàng gia Thái đã cử 80 sỹ quan tham gia khóa đào tạo tàu ngầm kéo dài 32 tuần ở Đức và 10 sỹ quan khác tham gia khóa huấn luyện 8 tuần ở Hàn Quốc.

Còn Philippines, trong những năm đầu dưới sự nắm quyền của Tổng thống Aquino, tàu ngầm được cho là nằm trong “danh sách ưu tiên” của Bộ Quốc phòng, theo một chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Song kế hoạch sở hữu tàu ngầm này có vẻ như đã lặng lẽ được dỡ bỏ.

Theo giáo sư Carl Thayer, trong vòng 5 năm tới 1 thập niên tới, các vùng biển ở Đông Nam Á và đặc biệt là Biển Đông, sẽ chứng kiến việc gia tăng đáng kể các tàu ngầm thông thường ở các nước khu vực. Theo ông vì vậy mà Biển Đông càng “nóng” hơn.

Giáo sư Úc cho rằng việc sở hữu các lực lượng tàu ngầm sẽ tăng chiều thứ tư cho khả năng chiến đấu trong khu vực, ngoài đối không, đối đất và đối hạm. Tàu ngầm cũng có khả năng do thám và thu thập thông tin tình báo, đặt mình, chống hạm và tấn công tầm xa.

Nhưng theo giáo sư, các lãnh đạo hải quân Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thảo luận rất ít về việc ứng dụng chiều thứ tư này. Và rất ít nước ASEAN được trang bị hỗ trợ tàu ngầm ở mức cơ bản nhất khi tàu gặp nguy hiểm. Chỉ có Singapore và Malaysia là trường hợp ngoại lệ. Cuối năm 2008, Singapore đã thiết lập tàu cứu hộ nhanh MV Swift Rescue, một tàu hỗ trợ tàu ngầm được trang bị 2 tàu tìm kiếm và cứu hộ nước sâu.

Singapore cũng đã đi tiên phong trong việc khuyến khích phối hợp cứu hộ tàu ngầm giữa các hải quân trong trường hợp xảy ra tai nạn bất ngờ. Thỏa thuận đã được ký với Úc, Indonesia và Việt Nam.

Vũ Quý (Theo The Diplomat)

Nguồn: Dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast