Điện Biên mùa hoa ban

(Baohatinh.vn) - Cuối tháng ba, đoàn cán bộ văn nghệ sĩ Hà Tĩnh hành hương về với Điện Biên Phủ. Thoát khỏi những cảnh tượng hãi hùng trong quá khứ, cảm giác khoan khoái khi chạm gặp những cánh hoa ban trắng thanh thản rung rinh trong nắng mỏng của buổi chớm hè. Mặt trong của những cánh hoa trắng ấy lại mang màu tím đỏ - một hòa sắc nối liền quá khứ và hiện tại, như màu máu của bao chiến sĩ cách mạng đã đổ xuống vì đất nước hôm nay...

Hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Thăm lại chiến trường xưa
Thăm lại chiến trường xưa

Chúng tôi theo con đường mới mở vào Mường Phăng, tham quan Sở chỉ huy chiến dịch của quân đội ta nằm trong một khu rừng nguyên sinh cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía Đông. Men theo con đường dốc núi ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, chúng tôi vào thăm lán ở và hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Ban cố vấn Trung Quốc… Không gian tĩnh lặng. Chỉ đâu đây vang lên tiếng chim lảnh lót và mùi hương hoa trẩu vương đầy lối đi. Vậy mà, một thời, ngay tại nơi đây, Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã cùng với các đồng chí của mình đưa ra những quyết định táo bạo chỉ đạo chiến dịch đi đến ngày toàn thắng. Khu làm việc Bộ chỉ huy chiến dịch ẩn giữa đại ngàn, náu giữa lòng dân. Nó bí mật đến nỗi, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, cả khu vực nơi đây dậy tiếng hò reo ăn mừng chiến thắng, đồng bào xung quanh mới hay có bộ đội đóng quân giữa đất này.

Lần đầu đến Điện Biên, bạn khó lòng hình dung cái lòng chảo, “con nhím” chiến lược của thực dân Pháp xưa kia giờ đã trở thành một đô thị pha lẫn màu xanh nguyên sơ của núi rừng với những gam màu sáng của những công trình kiến trúc mới. Bảo tàng Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vẫn còn đó khá nhiều hiện vật giúp ta dễ hình dung những gì đã xảy ra giữa quân đội ta trong sự đối đầu với kẻ địch và cuối cùng đã giành được chiến thắng kinh thiên động địa.

Tượng đài kéo pháo vào trận địa
Tượng đài kéo pháo vào trận địa

Theo chân cô hướng dẫn viên, chúng tôi vào thăm và thắp hương tại Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1, nằm cách điểm di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam, được xây dựng năm 1958. Năm 1994, nghĩa trang được đầu tư trên 10 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp. Nơi đây có 644 ngôi mộ của cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Phần lớn các bia mộ đang để trắng tên, thi thoảng mới có một số ngôi có ghi họ tên, đơn vị, quê quán, có cả những người con của quê hương Xứ Nghệ. Trong nghĩa trang, có 4 ngôi mộ được đặt ở vị trí trang trọng phía trên cùng, là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Đốt nén nhang thơm vái tạ, tôi cầu mong cho hương hồn của các anh hùng liệt sĩ nói chung, liệt sĩ Phan Đình Giót nói riêng sống anh hùng, chết vẻ vang, phù hộ độ trì cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước, quê hương và dòng họ Phan Hà Tĩnh.

Cách nghĩa trang không xa là đồi A1 thuộc phường Mường Thanh. Đây là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Là nơi đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh dữ dội, giằng co từng thước đất giữa bộ đội ta và bọn Pháp. Mịt mù trong đạn pháo, chắc hẳn ngày ấy không còn một cây cỏ nào có thể trụ được trên quả đồi này. Đất đỏ màu bazan như nhắc lại một thời từng thước đất nơi đây đã thấm máu của biết bao người.

Trên đỉnh đồi, bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Héc-vu-ê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Đứng trên đỉnh đồi A1, nhìn rất rõ những đường hầm ngoằn ngoèo hình chữ chi. Ở giữa là dấu tích trận nổ khối bộc phá gần cả nghìn cân của quân ta trong chiến thuật “dùng hầm trị hầm”. Sáng 7/5/1954, quân ta đã chiếm được đồi A1. Chiều hôm đó, lá cờ chiến thắng bay trên nóc hầm của tướng Đờ-cát Tơ-ri, giành thắng lợi quyết định trên toàn chiến dịch.

Hoa ban trắng.
Hoa ban trắng.

Buổi chiều, các thành viên của đoàn đều háo hức đến tham quan hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát Tơ-ri nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Xung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và 4 chiếc xe tăng. Hầm Đờ-cát Tơ-ri dài 20m và rộng 8m, gồm 4 gian dùng cho cả nơi ở và làm việc của các sĩ quan, phụ tá của tướng Đờ-cát Tơ-ri. Nơi đây từng diễn ra bao lời nói huênh hoang của Đờ-cát Tơ-ri về sức mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Đây cũng là nơi Đờ-cát Tơ-ri đã đỏ mắt chờ mong cái lon tướng mới toanh từ Hà Nội đến. Thật không may, gói hàng đặc biệt mà máy bay thả dù xuống đã đi lạc địa chỉ nên Đờ-cát Tơ-ri đành phải sai quân làm tạm quân hàm cấp tướng từ những vỏ lon bia. Trong căn hầm ấy, còn văng vẳng đâu đây câu chuyện giữa tướng Cô-nhi từ Hà Nội chỉ đạo Đờ-cát Tơ-ri “không được kéo cờ trắng”, cú điện thoại cuối cùng của Đờ-cát Tơ-ri gọi về cho vợ ở Hà Nội trước khi bộ não của tập đoàn cứ điểm bị bộ đội ta đập nát hoàn toàn: “Hãy bình tĩnh… anh sẽ về với em!”.

Nụ cười người Thái
Nụ cười người Thái

Trong đoàn tôi có người tò mò hỏi người hướng dẫn viên: “Thế số phận cô thư ký Pôn-buốc mà Đờ-cát Tơ-ri đã phải cho trở về Hà Nội sau đó thế nào?”. Cô hướng dẫn viên không biết. Có thể không mấy ai biết nhưng có điều chắc chắn là sau cuộc chiến, dẫu đã chết hay may mắn còn sống thì trong ký ức cô thư ký của viên tướng bại trận vẫn còn lưu giữ những giờ phút kinh hoàng của chiến trận ở lòng chảo Điện Biên. Đến nỗi viên quan tư chỉ huy pháo binh Pi-rốt đã phải tự sát vì bó tay thúc thủ, vì xấu hổ với những tuyên bố ba hoa về sức mạnh của mình với thượng cấp. Đúng 17h30’ chiều 7/5/1954, bộ đội ta đã bắt sống tướng Đờ-cát Tơ-ri tại Sở chỉ huy. Và từ nơi ngách hầm nhờ tối kia xuất hiện hình ảnh viên tướng kiêu hùng đội mũ ca lô màu đỏ, tay cầm gậy ba tông, bước đi khập khiễng cùng đám sĩ quan tùy tùng độ hai chục người lóp ngóp chui ra với lá cờ trắng run rẩy trong tay. Điện Biên thất thủ, dấu chấm hết cho ảo mộng thành danh của một vị tướng đã từng được cả tướng Na-va, Cô-nhi cũng như quan thầy Mỹ tin tưởng và cũng là dấu chấm hết cho những âm mưu của thực dân Pháp ở Việt Nam và cả ở Đông Dương. Nhưng chính thời khắc ấy đã mở ra những trang sử mới của những con người lạ lùng, bí ẩn ở xứ sở này.

Đêm hôm ấy, chúng tôi vào bản Mển để tham dự cuộc giao lưu văn nghệ với bà con dân tộc Thái. Trời còn sớm nên chúng tôi tạt vào mấy nhà dân bên cạnh xem dệt vải thổ cẩm, nghe ông bà già kể chuyện, thổi sáo, uống rượu với anh chị chủ nhà. Những người già còn sống trong bản bây giờ cũng là lớp người hậu chiến, là những đứa trẻ mới lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa.

Nghề truyền thống ở Điện Biên
Nghề truyền thống ở Điện Biên

Đêm ấy, tham gia buổi giao lưu văn nghệ còn có đoàn cựu chiến binh thuộc TP Hà Nội. Chúng tôi rất vui khi gặp được một đồng hương Hà Tĩnh là ông Nguyễn Thư Sinh (quê Thạch Hà) - người từng chiến đấu ở mặt trận Điện Biên nay đang sống cùng con cháu ở Hà Nội. Buổi biểu diễn khá đơn sơ, mộc mạc nhưng tôi nghe trong những điệu múa, bài ca, lời thơ kể lể chân chất ấy những âm sắc trầm hùng của một thời chiến trận đã qua. Trong những điệu hát then da diết hiện lên hình bóng của núi rừng thâm u và sắc hoa ban trắng ngần điểm màu tím đỏ, thấp thoáng dáng dấp của một đô thị Điện Biên tươi trẻ đang vươn dậy, sự lãng mạn đến trong trắng, ngây thơ của những nhánh ban rừng mang trong mình sự tích thú vị về một mối tình huyền diệu.

Điện Biên, tháng 3/2014

Ghi chép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast