Giữ xanh những cánh rừng

(Baohatinh.vn) - Đứng chân trên địa bàn xã Sơn Hồng (Hương Sơn), Đồn Biên phòng Sơn Hồng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 15 km đường biên, 5 mốc giới và địa bàn 1 xã biên phòng. Thời gian qua, cùng với việc làm tốt công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, đơn vị phối hợp với các lực lượng khác canh giữ, bảo vệ cho những cánh rừng mãi mãi xanh tươi.

Sơn Hồng là địa phương miền núi có tổng diện tích rừng lên đến trên 17.000 ha. Những năm trước, tập tục vào rừng chặt gỗ nuôi sống gia đình đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành “thâm căn cố đế” trong tư duy của trai làng. Còn nhớ, cách đây hơn 4 năm (2012), tại khu vực này đã xẩy ra vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép ồ ạt, lớn nhất tỉnh từ trước đến nay. Trên 400 m3 gỗ thành khí sau khi thu gom, đồng nghĩa với hàng trăm ha rừng bị tàn phá, gây hệ lụy khôn lường. Một bản án nghiêm khắc được tuyên. Tất cả 7 người phải lãnh án và hàng chục người khác liên quan, trong đó, phần lớn là người dân địa phương.

giu xanh nhung canh rung

BĐBP Hà Tĩnh và Đại đội Bảo vệ biên giới 253 (Bộ CHQS tỉnh Bôlykhămxay) tiến hành tuần tra song phương trên biên giới Việt - Lào

Trước tình hình đó, trên cơ sở sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, huyện Hương Sơn và xã Sơn Hồng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với ngành kiểm lâm, Đồn Biên phòng đã huy động tối đa lực lượng bám dân, bám địa bàn, vận động nhân dân thay đổi thói quen vào rừng chặt gỗ bằng việc đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi. Mùa nào thức nấy, loại đất nào cây con nấy, những người lính mang quân hàm xanh đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến từng xóm, từng nhà vận động, hướng dẫn bà con nuôi trồng các loại cây, con phù hợp, có giá trị kinh tế cao phục vụ cuộc sống, thay thế dần việc trông chờ vào chặt gỗ, phá rừng. Không chỉ vận động, cán bộ, chiến sỹ còn trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn, định hướng và làm cho bà con xem.

“Để vận động được người dân thay đổi về nhận thức, tư duy đã được hình thành từ đời này qua đời khác không thể chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai mà phải thường xuyên, năm này qua năm khác. Vận động một lần không được thì vận động nhiều lần, ngày không thấu thì đi cả đêm… Đây cũng chính là những hoạt động nằm trong chương trình giúp địa phương củng cố hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới của đơn vị - Thiếu tá Dương Đình Hùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sơn Hồng cho biết.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó, trọng tâm là công tác giữ vững chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ rừng, Đồn Biên phòng còn tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng tham gia tuần tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ vi phạm lâm luật. Kết quả, từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị đã phối hợp bắt, xử lý 17 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, thu 23,5 m3 gỗ các loại.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, trong đó, tiêu biểu là BĐBP đã thực sự mang lại sức sống cho những cánh rừng. Người dân đã bắt đầu chuyển đổi tư duy, cách nghĩ trong làm ăn. Nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi đã đơm hoa, kết trái. Tính đến thời điểm này, Sơn Hồng đã hình thành được 58 mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, xây dựng hàng chục vườn mẫu. Phần lớn số mô hình này, chủ nhân của nó cách đây dăm năm chủ yếu sống dựa vào chặt gỗ phá rừng.

giu xanh nhung canh rung

Đồn Biên phòng Sơn Hồng phối hợp với Công an xã thu hồi vũ khí.

Ông Nguyễn Trí Thâm (thôn 10) - chủ nhân của mô hình chăn nuôi gà và thỏ hóm hỉnh nói: “Chẳng có nghề nào lao tâm khổ tứ bằng vào rừng chặt gỗ. Nhưng khốn nỗi, túng thiếu, đói ăn thì phải lăn vào thôi. Giờ thì đỡ rồi. Từ khi được các cấp ủy, chính quyền và BĐBP quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện, người dân đã bắt đầu đổi hướng làm ăn. Nhà nào chưa có điều kiện xây dựng mô hình, làm ăn to nậy thì cũng trồng thêm cây ngô, cây sắn kiếm đủ ăn, không phải vào rừng kiếm ăn từng bữa như trước”.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng Phạm Văn Nam cho biết: “Những năm gần đây, lãnh đạo xã không còn cảnh tất bật tìm cách chống chọi với lâm tặc. Người dân đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ rừng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống. Rõ ràng, một khi người dân đã tin, đồng sức, đồng lòng bảo vệ thì chẳng lâm tặc nào phá được rừng. Kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sỹ BĐBP”.

Đứng ở đại bản doanh Đồn Biên phòng Sơn Hồng, vị trí án ngữ đoạn cuối con đường ra biên giới như một điểm tựa vững chắc cho cả chính quyền và nhân dân, nhìn những cánh rừng xanh ngút ngàn, báo hiệu một sự bình yên nơi miền biên viễn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast