Huyền thoại Truông Bồn

(Baohatinh.vn) - Dải đất miền Trung và Tây Nguyên là xương sống của đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dải đất này đã làm nên nhiều huyền thoại. Và chúng tôi, những nhà báo Hà Tĩnh đã bắt đầu cuộc hành trình theo địa chỉ đỏ từ Truông Bồn - Nghệ An. Chiến công, sự hy sinh anh dũng của 11 cô gái và 2 chàng trai TNXP Truông Bồn đã làm nên một trong những huyền thoại đó...

40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

Tuyến đường chiến lược

Nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, hay còn gọi là đường 30 chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn (Đô Lương, Nghệ An), Truông Bồn trở thành địa danh huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Bởi Truông Bồn là “tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Huyền thoại Truông Bồn ảnh 1

Tượng đài chiến thắng Truông Bồn.

Nơi đây, chứng tích hào hùng, bất hủ ghi dấu những chiến công oanh liệt của các lực lượng quân và dân ta, trong đó có 1.500 cán bộ, chiến sỹ của 9 đại đội thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An. Đặc biệt là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sỹ “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội TNXP 317 ngày 31/10/1968 khi đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông mãi mãi chói ngời. Trong số 13 anh chị, nhiều người đã có giấy báo đậu đại học nhưng tình nguyện ở lại chiến đấu thêm một đêm và đã ra đi mãi mãi, đem theo bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ.

Ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của lực lượng TNXP bảo vệ tuyến đường 15A lịch sử cũng như cuộc chiến đấu và sự hy sinh của “Tiểu đội thép” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà Trần Thị Thông, nguyên Tiểu đội trưởng TNXP, người duy nhất còn sống sau trận bom ngày 31/10/1968. Bà Thông kể: “6h10’, công việc san lấp hố bom giải phóng cho đoàn xe quân sự sắp hoàn thành thì bom Mỹ dội xuống. Tôi, anh Cao Ngọc Hòa và Đinh Thị Vinh vừa nhảy xuống hầm thì bị đất đá vùi, chân Vinh còn giẫm vào chân tôi. Tôi ngất đi không biết gì nữa”.

Sau trận mưa bom ấy, dân quân đi tìm xác, thấy một nòng súng trồi lên mặt đất, nghe tiếng rên, bới lên thì chính là bà Thông. Bà được cứu sống nhưng 13 đồng đội thân thương thì mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ.

Truông Bồn xanh

Những ngày tháng 4 lịch sử, trong dòng người hành hương về địa chỉ đỏ Truông Bồn, chúng tôi cùng bà Trần Thị Thông thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ đồng đội đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước. Truông Bồn trở thành ký ức không thể nào quên của những người từng gắn bó với tuyến đường 15A lịch sử.

Huyền thoại Truông Bồn ảnh 2

Bà Trần Thị Thông hồi tưởng về những năm tháng hào hùng, không thể nào quên

Bà Trần Thị Thông giờ lưng đã còng, tóc đã bạc, khuôn mặt hằn vết chân chim đang rất hạnh phúc trong ngôi nhà bình dị với chồng và các con, cháu ở khối phố Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh. Chồng bà, ông Lê Hải Diên cũng là một chiến sỹ từng hành quân qua Truông Bồn, gặp nhau trong chốc lát, thế mà cơ duyên thành đôi lứa. Giờ đây, họ đã lên chức ông bà. Đồng đội của bà - “Tiểu đội thép” đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Truông Bồn được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Năm 2010, Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn đã được đầu tư xây dựng quy mô, hoành tráng với tổng mức đầu tư gần 175 tỷ đồng, diện tích xây dựng 217.327 m2. Xưa, trong chiến tranh, người dân Truông Bồn đã bao bọc, che chở cho TNXP, bộ đội ngày đêm san lấp hố bom. Nay, cũng chính họ tình nguyện di dời nhà cửa, nhường đất để xây dựng khu di tích. Khu tái định cư rộng 2,3 ha cho 46 hộ dân nằm ngay phía Tây Bắc của Khu Di tích lịch sử Truông Bồn với tổng mức đầu tư hơn 20,3 tỷ đồng.

Đến Truông Bồn hôm nay, màu xanh của cây trái, xen lẫn những mái nhà xanh, đỏ làm nên một làng mới tràn sức sống. Trưởng BQL Khu Di tích lịch sử Truông Bồn - Chu Vĩnh Hiệp cho biết, Khu di tích Truông Bồn chính thức đi vào hoạt động hơn 1 năm nay và đã đón hơn 100.000 lượt khách trong nước, quốc tế. Một số hộ dân tái định cư ở Truông Bồn đã mở cửa hàng buôn bán hàng lưu niệm, ăn uống, nghỉ ngơi, phục vụ du khách. Trong tương lai, Truông Bồn sẽ là thị trấn du lịch tâm linh.

Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm nào. Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn hôm nay - biểu tượng lịch sử của TNXP Nghệ An, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sỹ mãi vang vọng khúc tráng ca của cả dân tộc.

(Còn nữa...)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast