Nghĩa tình đồng đội

Từ ngày nhận được giấy báo tử của con đến nay đã tròn 28 năm, gia đình bà Đặng Duy Liễu (Xuân Đan - Nghi Xuân - Hà Tĩnh) đã lặn lội đi khắp nơi mà vẫn không sao tìm được mộ phần liệt sĩ. Cho đến một ngày...

Chiều ở Nghĩa trang liệt sĩ Nầm Ảnh: Đậu Bình

Chiều ở Nghĩa trang liệt sĩ Nầm

Ảnh: Đậu Bình

Bà Liễu, mẹ của liệt sĩ Thắng đã hơn 90 tuổi ở với người con út Nguyễn Duy Thành, mấy năm nay bỗng trở nên u uẩn. Cứ đến bữa cơm bà lại lắp bắp nghẹn ngào: “Thắng ơi về ăn cơm với mệ đi con!”. Nhiều đêm đang ngủ bà bỗng thức giấc, lọc cọc chống gậy ra thềm nhà lặng lẽ ngồi một mình, đôi mắt già nua hoang hoải nhìn vào bóng đêm như đang chờ ai đó.

Khi tôi đến thăm, bà Liễu móm mém cười: “Đã đành là liệt sĩ thì dù ở mô cháu nó cũng không quạnh quẽ, cũng có anh em, đồng bào, đồng đội hương khói đàng hoàng. Nhưng vì chữ tình, chữ nghĩa, anh em đồng đội người Hà Tĩnh mình đã lặn lội đi tìm, đưa được nó về với tui. Rứa mới biết cái tình đồng đội, cái nghĩa đồng bào của người Hà Tĩnh mình dù ở nơi xa ngái đến mô cũng thật quý!”.

Những lúc ấy Thành chỉ biết len lén ra đứng phía sau canh chừng. Anh không dám lên tiếng sợ chạm vào cõi thiêng của lòng mẹ. Những khi tỉnh táo, vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà Liễu thân thỉ với Thành mà nghe như lời trăng trối: “Mệ nỏ sống được bao lâu nữa mô con. Hai đứa bay gắng đi tìm thằng Thắng về cho mệ. Thành Thắng chưa về đây với mệ, có chết mệ cũng nỏ nhắm nổi mắt mô!”.

Thành ái ngại nhìn mẹ. Ngặt nỗi phía Tây nam ấy xa xôi quá, mênh mông quá mà anh và anh trai của mình cũng đã lội gần hết các nghĩa trang mấy tỉnh nơi đó rồi. Đi thêm nữa, liệu có lại trắng tay ra về như bao lần trước không? Nhưng nếu không đi thì không đành với nỗi chờ mong khắc khoải của mẹ, không đành với vong linh anh mình. Thành lầm lũi ngồi xuống bên mẹ...

Trong việc tìm mộ liệt sĩ có nhiều điều tình cờ thật khó lý giải. Ngay sáng hôm sau, nhà bà Liễu có khách. Người khách mang quân hàm Thượng tá. Anh tự giới thiệu là Phan Tuấn Hiệp, hiện công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 2, trước đây ở cùng đơn vị với Nguyễn Duy Thắng, nhân kỳ nghỉ phép tranh thủ đến thăm nhà đồng đội cũ. Nghe Thành kể lại chuyện đi tìm mộ anh mình và thấy bà Liễu cứ ngồi trân trân nhìn anh sụt sịt khóc, Phan Tuấn Hiệp ôm lấy vai bà:

- Mẹ ơi! Vậy mà mấy lâu nay con cứ ngỡ gia đình ta đã tìm được phần mộ của Thắng rồi. Gần 30 năm rồi còn gì. Theo chỗ con biết, khi hy sinh anh Thắng chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 4. Nếu anh Khôi và Thành đã đi hết các nghĩa trang miền Tây Nam đó rồi, lần này vào con sẽ đến Phòng Chính sách Quân đoàn hỏi thăm. Nếu Thắng chưa được quy tập, con sẽ cùng các anh em đồng đội trong đơn vị đi tìm. Số anh em này quê ở Hà Tĩnh cũng nhiều. Với lại, từ đơn vị chúng con đến các nghĩa trang biên giới Tây Nam cũng gần, chỉ vài trăm cây số, đi xe đò hay xe máy đều được cả! Chúng con sẽ tranh thủ những ngày nghỉ đi tìm mộ Thắng.

Quay sang Thành, Hiệp ân cần: “Thành nhớ thường xuyên liên lạc với anh theo số điện thoại: 0613528454 hoặc 0989712286, có tin tức gì anh sẽ thông báo!”.

Trước khi ra về, Hiệp bùi ngùi:

- Mẹ ơi, mẹ cứ yên lòng, nhất định chúng con sẽ tìm được Thắng về cho mẹ!

Một tối bà Liễu đang run run cắm nén hương lên bàn thờ thì chuông điện thoại réo vang. Linh tính người mẹ báo cho bà biết có điều mừng. Đầu dây bên kia tiếng Phan Tuấn Hiệp nói như reo: “Mẹ ơi! Chúng con đã tìm thấy mộ của Thắng rồi!”.

Không tin vào tai mình nữa, bà Liễu cứ luống ca, luống cuống, líu ríu hỏi đi, hỏi lại mấy lần mới chịu buông máy, thở hắt ra: “Con lạy trời, lạy phật phù hộ, độ trì...!”.

Ba ngày sau, vì bị ốm, anh Khôi không đi được, con anh – cháu Nguyễn Duy Quý – thay cha đi cùng chú Thành đến Trường Sĩ quan Lục quân 2. Thì ra, khi về đến đơn vị, ngay lập tức Hiệp xin phép nghỉ 1 ngày để đến Phòng Chính sách Quân đoàn 4. Xem hết tất cả tên các liệt sĩ trong hồ sơ lưu trữ có tên hạ sĩ Nguyễn Duy Thắng, nhưng người Thiếu tá trợ lý chính sách Quân đoàn buồn bã nói rằng, phần mộ Thắng chưa được quy tập.

Hiệp đành ra về, bàn bạc với Đại úy Đại đội trưởng Hoàng Sĩ Thắng quê ở Xuân Đan, Nghi Xuân, cùng quê với Phan Duy Thắng. Hai người nhất trí phải bằng mọi cách tìm được những người đồng đội ngày trước cùng chiến đấu với liệt sĩ Thắng may ra mới biết được nơi anh nằm.

Hiệp điện thoại đến tất cả những đồng đội cũ và Hiệp nhận được hồi âm của một đồng đội tên là Hành quê xã Xuân Trường, Nghi Xuân. Hành ra quân xung phong vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, nay đang là một “ông chủ” cà phê ở xã Eaô huyện Eakar (Đắc Lắc). Hành chính là người cáng Nguyễn Duy Thắng về tuyến sau.

Lúc đó, các anh là trinh sát tiền trạm, nên phải tạm chôn cất Thắng tại vùng rừng Sa -Mát để cùng đơn vị tiến sâu vào vùng địch. Toán trinh sát ngày ấy, bây giờ người thì hy sinh, người đã ra quân. Có lẽ vì thế mà không ai biết chỗ Thắng nằm lại. Cũng như Hiệp, lâu nay, Hành cứ nghĩ Thắng đã được quy tập về nghĩa trang.

CCB Lộc Hà viếng nghĩa trang liệt sĩ Ảnh: Tiến Dũng

CCB Lộc Hà viếng nghĩa trang liệt sĩ

Ảnh: Tiến Dũng

Đang là những ngày cuối năm, đúng vụ thu hái cà phê nhưng Hành vẫn quyết bàn giao công việc cho vợ con hăng hái cùng Hiệp lên đường tìm đồng đội. Sau ba ngày lặn lội, cả đoàn tìm được cánh rừng ngày ấy. Ai cũng ngớ người khi thấy nơi ngày xưa cây cối trùng điệp nay chỉ còn là bãi đất trống trơn. Hình như người ta vừa san ủi mặt bằng để xây dựng công trình gì đó.

Mọi người thở dài thườn thượt, ngao ngán nhìn nhau trong vô vọng, tính chuyện tìm đến đơn vị san mặt bằng để hỏi thăm, may ra...! Vừa lúc ấy có một tốp công nhân đi qua, cho biết, tháng trước, lúc san mặt bằng, các anh gặp một mộ liệt sĩ, thi hài được gói trong tấm tăng ni lông. Khi mọi người mở ra, hài cốt còn nguyên vẹn. Trong hộp thuốc pinicilin còn có tờ giấy ghi tên họ, đơn vị, quê quán, tiếc là ông không nhớ tên người liệt sĩ ấy là gì, quê quán ở đâu! Chiều hôm đó, cơ quan quân sự huyện đã về nhận hài cốt liệt sĩ chuyển đi.

Ba người mừng lắm, rối rít cảm ơn anh em công nhân rồi tức tốc phóng xe đến nghĩa trang Thạnh Đức và phát hiện mộ liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng nằm ở ngôi số 8, hàng số 6 của nghĩa trang...!

Bây giờ thì liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng đã được về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà huyện Nghi Xuân. Từ ngày Thắng “về”, căn bệnh trầm cảm, u uất của bà Liễu cũng tiêu tan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast