Những nẻo đường tuần tra (Kỳ 7): Vững vàng nơi đầu sóng

(Baohatinh.vn) - Rời rừng núi thâm u, chúng tôi đến với những người lính đang làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến biển ầm ào sóng vỗ. Nơi đây, bao CBCS biên phòng Hà Tĩnh đang ngày đêm bám chắc từng địa bàn, vùng biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương...

>> Những nẻo đường tuần tra (Kỳ 6): Nghĩa tình hai mái Trường Sơn

Dõi lên hải đồ, tuyến biên giới biển Hà Tĩnh bắt đầu từ Cửa Hội (Nghi Xuân) đến Đèo Ngang (Kỳ Anh) với chiều dài 137 km. Theo các nhà nghiên cứu, biển Hà Tĩnh được xem là cửa ngõ Vịnh Bắc bộ, phía Bắc tiếp giáp vùng biển tỉnh Nghệ An, phía Nam tiếp giáp vùng biển tỉnh Quảng Bình, phía Đông tiếp giáp vùng biển Trung Quốc qua đường phân định Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đây là tuyến giao thông huyết mạch trên biển nối liền các tỉnh ven biển từ Bắc chí Nam và thông thương quốc tế, là vị trí mang tính chiến lược về QPAN...

CBCS Đồn Biên phòng Đèo Ngang tổ chức tuần tra ven biển
CBCS Đồn Biên phòng Đèo Ngang tổ chức tuần tra ven biển

Bởi những lẽ trên, Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Nghi Xuân) - nơi có Cửa Hội được chúng tôi chọn làm điểm đến đầu tiên trên tuyến biên giới này. Vì được báo trước nên 2 trung tá: Lê Đình Khang (Phó Đồn trưởng) và Trần Đình Tứ (Chính trị viên) đón đoàn ngay từ cổng.

22 tháng chạp, không khí tết ở đồn đã hiển hiện. Một nhóm vài ba anh lính trẻ đang thay nhau bổ củi chuẩn bị nấu bánh chưng. Nhóm nữa trang trí hội trường, lau chùi bàn ghế... Chỉ vào số bàn ghế đang được lau chùi, Chính trị viên Trần Đình Tứ, giới thiệu: Đây là sản phẩm của các đồn tuyến núi. Đã nhiều năm nay, các đơn vị biên phòng tuyến núi, tuyến biển trong tỉnh đều đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, trao đổi các sản phẩm vùng miền... Anh bạn đồng nghiệp đi cùng như chợt nhận ra điều gì, hỏi lại: “Thế những vại mắm, vại ruốc cạnh nhà bếp của các đồn tuyến núi là do các đồn tuyến biển cung cấp?”. Anh Tứ gật đầu xác nhận.

Nói chuyện với chúng tôi, Phó Đồn trưởng Khang nói như quán triệt: “Bộ phận nào lo nhiệm vụ đó. Chuẩn bị tết có anh em hành chính. Các đội nghiệp vụ vẫn xuống cơ sở bám nắm tình hình... Dịp tết càng phải cảnh giác các anh ạ...”.

Phải chăng nhờ tinh thần đó nên dù địa bàn quản lý đến 10 xã (gần 66.000 khẩu) với 32 km bờ biển, đồn vẫn luôn hoàn thành tốt công tác biên phòng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân trong khu vực. Ngoài việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào cửa sông, cửa lạch; tổ chức tuần tra thường kỳ, đột xuất trên bộ, trên sông..., thời gian qua, đồn Lạch Kèn đã chủ trì xây dựng được mô hình tổ tàu thuyền tự quản trên biển.

Thượng úy Đinh Quang Thanh không giấu được niềm vui: “Đây là mô hình đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh. Bước đầu đã thành lập được 14 tổ, gồm 27 tàu đánh bắt xa bờ (công suất lớn) với 285 lượt thuyền viên tham gia... Sau mấy tháng hoạt động, mô hình đã phát huy tốt hiệu quả, đảm bảo yêu cầu đề ra. Theo đó, giữa các tàu, tổ đã cùng nhau trao đổi thông tin, kinh nghiệm khai thác thủy hải sản, hỗ trợ nhau khi sóng to, gió lớn và điều quan trọng khác là thường xuyên báo cáo kết quả nắm bắt tình hình trên biển cho các lực lượng chức năng...”.

Ông Lê Hồng Ngọ (thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội, Nghi Xuân) - chủ của một tàu gồm 14 thuyền viên, tự tin: Mô hình tổ tự quản trên biển cần được nhân rộng tại các địa phương, bởi nó không chỉ đảm bảo an toàn trên biển cho ngư dân mà sự hiện diện của họ tại các vùng biển đảo là lời khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm, nhất là trong tình hình biển Đông đang có nhiều tranh chấp...

Rời Đồn Lạch Kèn, xuôi theo tuyến đường 22/12 ven biển, chúng tôi đến với Hải đội 2. Đây được xem là đơn vị chủ công, “át chủ bài” trên biển của lực lượng biên phòng Hà Tĩnh. Nhìn những chiếc ca nô, những chiếc tàu biên phòng lớn nhỏ vào ra tại bến neo, trong chúng tôi lại trào dâng cảm xúc tự hào. Sự hiện diện của những con tàu cùng những người lính biên phòng tại các vùng biển, vùng ngập lụt... trong bao năm qua như một lời bảo đảm cho sự bình yên, hạnh phúc đối với mọi người, mọi nhà...

Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tham gia diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ảnh: Giang Nam
Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tham gia diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ảnh: Giang Nam

Trung tá Ngô Đức Đông - Hải đội trưởng tiếp chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Rót chén trà mời chúng tôi như để xua đi chút lạnh cuối đông, anh cho biết: Đơn vị có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ trật tự an ninh trên tuyến biển dài 137 km, rộng 20 hải lý, tính từ bờ ra. Ngoài ra, Hải đội còn trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các tàu thuyền bị nạn trên biển và các vùng lũ lụt trong nội địa... Nhiệm vụ nặng nề, trong khi đó, khu vực biển Hà Tĩnh vẫn thường bị tàu đánh cá nước ngoài lợi dụng thời tiết xấu hoặc đêm tối lẻn vào đánh bắt hải sản trái phép. Một số tàu thuyền trong nước vận chuyển khoáng sản ra nước ngoài trái phép, buôn bán xăng dầu lậu, tàu thuyền sử dụng chất nổ, kích điện, tranh giành ngư trường, trấn cướp ngư cụ vẫn xẩy ra...

Hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vùng biển dù rất khó khăn, nguy hiểm, nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi như mưa, bão, sương mù... nhưng CBCS Hải đội 2 đã đồng lòng vượt mọi gian lao, nguy hiểm, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong đó có Trung tá Ngô Đức Đông - Hải đội trưởng gương mẫu - người được tặng 3 bằng khen trong năm 2013, nhớ lại: Thực hiện mệnh lệnh của Thủ trưởng BCH Biên phòng Hà Tĩnh, ngày 16/4/2013, tàu 34.19.01 (3.800 CV) thuộc Hải đội 2 được điều động đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thực hiện theo chuyên án 449V của BCH Biên phòng tỉnh... Sau 3 ngày theo dõi giữa sóng to, gió lớn, chúng tôi phát hiện tàu Myanmar buôn lậu dầu trên vùng biển Thanh Hóa. Bọn này hoạt động rất tinh vi, lúc ẩn lúc hiện nên ta khó phát hiện qua màn ra đa… Cuộc bám đuổi trong đêm tối trên biển diễn ra âm thầm nhưng không kém phần căng thẳng. Đến 20h30’, tàu buôn lậu quyết định bán tống bán tháo dầu để chạy ra biển Đông. Lệnh truy đuổi được phát ra! Dù liên tục phát tín hiệu cho tàu buôn dừng lại nhưng chúng cố tình đánh và không cho tàu ta cập mạn. Đây là tình huống hết sức phức tạp. Làm sao bắt được chúng mà không nguy hiểm đến tính mạng của CBCS tham gia làm nhiệm vụ, không hư hỏng tài sản, trang thiết bị trên tàu? Đó là một điều cực kỳ khó và nguy hiểm, trong khi bọn chúng tăng tốc hòng chạy trốn... Sau 3 giờ truy đuổi, vật lộn với tàu buôn, được sự hỗ trợ, chi viện của Hải đoàn 48, cuộc đuổi bắt tàu buôn lậu 5.000 tấn dầu DO đã thành công...

Theo những tuyến đường ven biển, đoàn làm ký sự cũng đã có mặt tại các đồn biên phòng: Cửa Sót (Lộc Hà), Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Kỳ Khang, Cửa khẩu Vũng Áng, Đèo Ngang (Kỳ Anh). Ở đâu chúng tôi cũng được nghe cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao về những đóng góp thân tình, hiệu quả của những người lính biên phòng Hà Tĩnh tại các vùng biển đảo. Đồng bào vùng lũ lụt Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh... hẳn khắc mãi trong lòng hình ảnh đẹp về những CBCS BĐBP Hà Tĩnh băng qua lũ dữ để cứu tài sản, tính mạng nhân dân.

Cũng như tuyến núi, các đơn vị biên phòng tuyến biển đều quan tâm đến các hoạt động từ thiện, hỗ trợ địa phương, người dân phát triển kinh tế, xây dựng NTM...

Sự phát triển của địa phương tại các địa bàn biên phòng tuyến biển đều có phần chung tay của những người lính biên phòng. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo đã có sự đồng lòng của quần chúng nhân dân. Thế trận quân dân vững vàng nơi đầu sóng!

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast