Sẵn sàng ứng cứu nhanh, hiệu quả khi có lụt bão

Công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) năm 2013 tại Bộ CHQS Hà Tĩnh và các ban CHQS cấp huyện trong tỉnh luôn chu đáo, kỹ càng và kịp thời, đảm bảo ứng cứu nhanh, hiệu quả khi có tình huống xẩy ra...

CBCS Đồn Biên phòng Cửa Sót lai dắt thành công phương tiện gặp nạn trên biển, đưa thuyền viên vào bờ
CBCS Đồn Biên phòng Cửa Sót lai dắt thành công phương tiện gặp nạn trên

biển, đưa thuyền viên vào bờ

Về một số vùng trọng điểm ngập lụt trong tỉnh ngay thời điểm bão lũ cận kề, điều làm chúng tôi an tâm là công tác phòng, chống đã được các địa phương triển khai nghiêm túc, theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ đề ra với phương châm “không để bị động, bất ngờ”... An tâm nữa là bởi, từ công tác tham mưu cho chính quyền các cấp, đến lực lượng, phương tiện... tham gia phòng, chống đều lấy cơ quan quân sự làm nòng cốt.

Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là kho bảo quản dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác PCLB - TKCN của Ban CHQS huyện Lộc Hà. Từ áo phao, bó củi, bếp gas..., đến tàu, xuồng cứu hộ ở đây đều được bảo quản, lau chùi sạch sẽ.

Dẫn tôi vào cạnh chiếc tàu cứu hộ, Thiếu tá, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Hoàng Anh Tú “cảnh báo”: Loại này rất hữu dụng trong cứu hộ, cứu nạn nhưng nếu không thực hiện đúng quy trình vận hành, bảo dưỡng là “chết” với nó ngay...

Thiếu tá Hoàng Anh Tú cho biết thêm: Việc đầu tiên là cơ quan quân sự huyện tổ chức lớp tập huấn về công tác PCLB - TKCN cho gần 170 người là CBCS thuộc ban CHQS huyện, xã, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV). Tiếp đến là tham mưu, tổ chức báo động kiểm tra lực lượng, phương tiện PCLB của 13/13 xã trên địa bàn huyện; rà soát, đăng ký lại phương tiện sẵn sàng động viên... Qua đó, nắm chắc trên địa bàn huyện có thể huy động 75 tàu, thuyền với sức chở trên 50 tấn và 125 phương tiện lớn nhỏ khác để ứng cứu...

Diễn tập thực binh PCLB - TKCN vừa được tổ chức thành công tại Đức Thọ và Hương Khê là nội dung đáng chú ý nhất năm 2013 của 2 huyện trọng điểm lũ lụt này. Với lực lượng nòng cốt, Ban CHQS huyện vừa là cơ quan tham mưu, vừa là đơn vị chủ trì phối hợp với các lực lượng khác, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc diễn tập.

“Cuộc diễn tập đã bám sát nội dung, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, qua đó, nâng cao khả năng vận hành cơ chế của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, khả năng huy động lực lượng phương tiện, trình độ hiệp đồng giữa các lực lượng trong xử lý các tình huống bão lụt xảy ra...”, Thượng tá Đinh Khắc Sơn - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đức Thọ đánh giá.

Thiếu tá Thái Công Anh - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hương Khê cho biết: Ngoài diễn tập tại 3 xã: Hương Đô, Hương Trạch, Phúc Trạch và vùng hạ du Nhà máy Thủy điện Hố Hô, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ PCLB, cơ quan quân sự phối hợp với UBND huyện tổ chức kiểm tra phương án PCLB - TKCN của 22/22 xã trong huyện; khảo sát các công trình trọng điểm trên địa bàn để có phương án phòng chống... Lực lượng tại chỗ của huyện hiện có 1.200 người, gồm: dự bị động viên (DBĐV), DQTV, chưa kể lực lượng cơ động; “4 tại chỗ” được chuẩn bị chu đáo, trong đó có: 500 lít xăng, dầu; ký hợp đồng đảm bảo đủ 2.000 thùng mì tôm khi có tình huống; áo phao, phao cứu sinh đủ cho 150 người; 3 xuồng máy và nhiều phương tiện khác...

Các địa phương, cơ quan quân sự khác cũng đã triển khai xong kế hoạch PCLB - TKCN năm 2013 một cách nghiêm túc, đúng yêu cầu. Đại tá, Phó tham mưu trưởng tác chiến Bộ CHQS tỉnh Nguyễn Minh Nguyên, cho biết: Xác định rõ công tác PCLB - TKCN là nhiệm vụ chính trị, Bộ CHQS tỉnh, ban CHQS các địa phương đã chỉ đạo, tổ chức quán triệt đến 100% CBCS; tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch đảm bảo lực lượng, phương tiện hiện có phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, phân công trách nhiệm chỉ đạo từng địa phương; tổ chức kiểm tra việc thực hiện tại các địa bàn, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, đảm bảo lực lượng, phương tiện sẵn sàng đối phó với các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Được biết, lực lượng hợp đồng cơ động ứng cứu tại các ban CHQS cấp huyện có đến 400-500 người, gồm DQTV nòng cốt và DQTV rộng rãi do Bộ CHQS tỉnh quản lý khi cần thiết huy động tham gia khoảng 10.000 người; lực lượng DBĐV khi có tình huống huy động từ 8.000-10.000 người; bộ đội tập trung của Bộ CHQS tỉnh 400-500 người.

Để không bị bất ngờ, tại các vùng trọng điểm, như: tuyến đê La Giang (Hồng Lĩnh, Đức Thọ), đê Hội Thống (Nghi Xuân), đập Cù Lây, Cửa Thờ, Khe Lang (Can Lộc), đê Đồng Môn (Thạch Hà - TP Hà Tĩnh); hồ Kẻ Gỗ, Thượng Tuy (Cẩm Xuyên); đập Sông Rác, Kim Sơn (Kỳ Anh), vùng thường xẩy ra sạt lở đất ở Kỳ Lạc (Kỳ Anh)... đều nằm trong sự chú ý cao độ và đã có phương án phòng, chống, ứng cứu cụ thể để bảo vệ công trình, di dời dân và tài sản về vùng an toàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast