Sáng mãi ký ức hào hùng

(Baohatinh.vn) - Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay khá đặc biệt bởi ngoài dấu mốc 60 năm chiến thắng lịch sử còn có sự tiếc thương vô bờ đối với người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và ký ức về những ngày “khoét núi ngủ hầm” trong những người lính Điện Biên năm xưa lại sống dậy sinh động hơn bao giờ hết.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014)

Ký ức của người lính quân khí

Cả cuộc đời phục vụ cho quân đội, đến lúc nghỉ hưu vẫn miệt mài tâm huyết với hội CCB tại địa phương, với ông Nguyễn Huyên (Đức Yên, Đức Thọ), những kỷ niệm hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ không bao giờ phai nhạt.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Năm 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ mặc sự phản đối của bà và mẹ (ông mồ côi cha năm 2 tuổi). Vào mặt trận, ông được phân vào Trung đoàn Bộ binh 209 thuộc Đại đoàn 312. Đây là đơn vị được bố trí tấn công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, cũng là trận đánh mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chàng thanh niên Nguyễn Huyên ngày ấy không trực tiếp chiến đấu mà được giao làm trợ lý quân khí cho trung đoàn, nhiệm vụ chính là chỉ huy đội vận tải, tiếp đạn ra trận địa cho bộ đội và đi nút giao thông hào. Hiểu rõ tầm quan trọng của trận đánh mở màn, cả trung đoàn đều nêu cao tinh thần kiên cường chiến đấu đến cùng.

Ông Huyên cho biết: “Trong lúc chiến đấu, pháo đánh vào giao thông hào khiến anh em hy sinh nhiều. Với nhiệm vụ chuyển đạn cho bộ đội, chúng tôi phải đi qua nơi đồng đội hy sinh mà không thể đưa xác anh em về. Đến giờ, tôi vẫn không thể quên giây phút đó, đau xót, thương tâm lắm”.

Năm tháng gian khổ ấy, để có đạn dược, ông Huyên phải đi nhận đạn ở kho trung chuyển, cách đơn vị gần 20 cây số. Đây là nhiệm vụ thường xuyên phải đi bộ vào ban đêm nên rất nguy hiểm. Ông Huyên nhớ lại: “Lần mặt trận được bổ sung súng tiểu liên K50 của Trung Quốc (loại súng bắn liên thanh được coi là vũ khí mới lúc bấy giờ), tôi nhận vũ khí mà chỉ tiếp thu các thao tác sử dụng trong vài tiếng đồng hồ, thế mà, khi bắn phát đầu tiên lại trúng ngay vòng 10. Thế là vô tình tôi lại có thêm việc huấn luyện vũ khí mới cho anh em”.

Ngoài ra, ông còn cùng với đồng đội đi giật dù của địch vào ban đêm để lấy thực phẩm, đạn dược rồi đem phân loại rõ ràng; giải tù binh về trung tuyến để giao cho bộ phận địch vận của Đại đoàn. Nhờ biết tiếng Pháp mà các công việc đều diễn ra suôn sẻ.

Dàn pháo 105 mm của Pháp bị Khẩu đội 1, Đại đội 775 pháo 75 mm, Trung đoàn 675 tiêu diệt ngày 23/4/1954 tại Điện Biên Phủ.
Dàn pháo 105 mm của Pháp bị Khẩu đội 1, Đại đội 775 pháo 75 mm, Trung đoàn 675 tiêu diệt ngày 23/4/1954 tại Điện Biên Phủ.

Nói về cuộc sống và tinh thần của bộ đội ngày ấy, người lính già nở nụ cười: “Ở mặt trận tuy vất vả nhưng rất vui và ý nghĩa. Tôi nhớ nhất là những lần được điều đi kéo pháo dù đơn vị là trung đoàn bộ binh. Vất vả, nhưng tất cả đều có niềm tin là giành chiến thắng”.

Lễ truy điệu sống và sự trở về của người lính đã được báo tử

Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Sỹ Mậu trong ngõ của đường Hải Thượng Lãn Ông (TP Hà Tĩnh) vào một ngày nắng ấm.

Ông sinh năm 1934 tại Diễn Châu (Nghệ An). Mồ côi cha năm 4 tuổi, năm 11 tuổi, mẹ cũng ra đi nên mấy anh chị em phải sống nương tựa vào nhau. Đến năm 19 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, được phân vào Trung đoàn bộ binh 98 thuộc Đại đoàn 316. Đại đoàn 316 có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm A1, C1, C2 thuộc trung tâm đề kháng Eliane và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động.

Đồi A1
Đồi A1

Ông Mậu kể cho chúng tôi nghe trận đánh đồi A1, trận mở màn ngày 31/3 mà ông từng tham gia: “Ngày đầu, chỉ một đêm mà quân ta đã chiến đấu dũng cảm, chiếm được hơn 1/3 quả đồi A1. Sau đó, đào vào hầm ngầm của địch, sang đợt 3 đặt 1 khối bộc phá nặng 106 kg. Trước khi đi đặt bộc phá, chúng tôi được làm lễ truy điệu sống. Khi đó, tất cả mọi người ngồi trong hầm, người chỉ huy làm lễ cùng lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và lời chúc các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Sau lễ truy điệu sống, ông Ngô Sỹ Mậu ra trận cùng Trung đoàn 98, đánh sang cả cứ điểm C1. Ông thuộc tổ mở bộc phá đầu tiên, sau khi bắn đại liên thì bị địch đánh trả. Lần ấy, ông bị trúng 3 phát đạn, ở đầu, xương sườn và đùi, được anh em trại thương 308 đưa về quân y để mổ rồi chuyển về Phú Thọ. Cũng sau lần ấy, Đại đoàn 316 tìm ông ráo riết nhưng không thấy nên gửi giấy báo tử và tổ chức lễ truy điệu tại quê nhà Diễn Châu. Sau 3 tháng, sức khỏe hồi phục, ông trở về, tất cả cùng vỡ òa trong nước mắt hạnh phúc.

Gặp gỡ những người lính có mặt tại mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa, chúng tôi hiểu rằng, có một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và cũng có một Điện Biên bình dị mà bền bỉ chảy sâu trong ký ức anh bộ đội Cụ Hồ…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast