Thắm tình quân dân

(Baohatinh.vn) - “Cháu tên là gì?". "Nguyễn Võ Tùng Duy ạ”. “Phổi cháu bình thường. Cháu bị sốt vi-rút, viêm hô hấp trên". "Chị đã cho cháu uống thuốc gì chưa? Cần cho cháu uống kháng sinh". “Anh Bảo, tay anh đã bớt sưng rồi! Ngồi chờ một chút, tôi sang xem bà cụ bị ngộ độc thức ăn, đang truyền nước, rồi kiểm tra cho anh…”.

Cứ thế, hết lượt này đến lượt khác, trong căn phòng khám chẳng lấy gì làm rộng rãi, thiếu tá, y sỹ Hồ Văn Tình - cán bộ Đồn Biên phòng Kỳ Khang (Kỳ Anh) hết quay bên phải khám, kê đơn, phát thuốc; lại quay sang trái tư vấn sức khỏe… Chốc chốc, anh tranh thủ chạy sang phòng điều trị thăm bệnh nhân. Người già, người trẻ, ai cũng gọi: “anh Tình”, “chú Tình” thân mật. Và dường như, những tiếng gọi chân tình ấy là chất xúc tác, lời động viên để nụ cười luôn thường trực trên môi người thầy thuốc mang quân hàm xanh này. Tình quay lại phía tôi, cười: “Anh thông cảm. Hôm nay, đông bệnh nhân…”. Và nhìn anh, tôi không thể không thông cảm.

Thắm tình quân dân ảnh 1

Thiếu tá, y sỹ Hồ Văn Tình thăm ­khám cho bệnh nhân.

Chúng tôi có mặt tại Trạm xá Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Kỳ Khang hơn 1 tiếng đồng đồ. Trong ngần ấy thời gian, gần 10 bệnh nhân già trẻ, nam nữ được Tình thăm khám, tư vấn… với cử chỉ ân cần, thân thiện, chu đáo. Tôi bước sang phòng điều trị. Ba trên 4 chiếc giường đã có “chủ nhân”. Bà Trương Thị Tần – bà ngoại Duy, cho biết: Mẹ con, bà cháu chờ đây để theo dõi, chờ thầy Tình kiểm tra. Cả nhà, hễ đau đầu, chảy mũi là chạy ra trạm xá biên phòng. Mà có ra thì mới yên tâm. Như thằng cu này đã chục lần được khám, uống thuốc ở đây. Mà không chỉ gia đình tui mô. Bốn xóm quanh đây đều rứa hết.

Đang điều trị giường bên là chị Phạm Thị Tâm. Chị bị cảm cúm lâu ngày sinh biến chứng. Nhờ anh Tình “bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc”, nay đã đỡ nhiều. Khi được hỏi, chị cho biết: Các chú y sỹ, y tá biên phòng ở đây nhiệt tình lắm, có người bệnh đến gọi khám là phục vụ ngay. Đang ăn cũng bỏ đó, nửa đêm cũng dậy khám. Bà con trong xã ai cũng coi các chú như người nhà. Trên 10.000 dân trong xã thì một nửa (4 xóm - PV) khi ốm đau là đến đây.

Trong lúc chờ đợi, tôi dạo quanh một vòng trạm xá. Ấn tượng nhất là vườn thuốc nam tươi tốt với nhiều loại thảo dược được trồng theo nhóm như: tiêu hóa, an thần, tiêu độc, chữa rắn cắn. Nhiều bệnh nhân cho biết, trạm xá quân dân y này đã nhiều lần chữa khỏi bệnh bằng cách kết hợp thuốc tây với thuốc nam hái tại vườn.

Cũng không khó để nhận ra cơ sở vật chất khám chữa bệnh tại đây đã xuống cấp, chật chội cần được đầu tư nâng cấp.

Tại phòng khám, anh Nguyễn Văn Bảo (thôn Trung Tiến, Kỳ Khang) đang được y sỹ Tình thay băng, kiểm tra vết thương với lời khuyên: không nên ăn nếp, lạc, những loại thức ăn dễ gây mủ và đảm bảo vệ sinh vết thương để tránh nhiễm trùng. Anh Bảo cho biết, do sơ ý khi thao tác máy nên bị tay máy đánh phải, gây chấn thương, sưng ù… Nhờ được chữa trị kịp thời nên đã đỡ, nay hàng ngày ra trạm xá biên phòng để thay băng… Theo anh Bảo, không chỉ khám, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe mà y sỹ Đồn Biên phòng Kỳ Khang còn đến tận nhà điều trị, chăm sóc bệnh nhân nặng không thể đến trạm xá…

Cuối chiều, mặt trời xuống sát chân biển cũng là lúc Tình bước từ phòng khám sang phòng điều trị thăm 2 người bệnh rồi mới rửa tay, tiếp chuyện chúng tôi. “Trạm có 2 người nhưng hôm nay, chú y tá ra tỉnh nhận thuốc chưa về kịp, lại nhiều bệnh nhân nên để các anh phải chờ lâu. Công tác khám chữa bệnh ở đây không kể giờ giấc, chúng tôi chữa trị các bệnh thông thường, còn bệnh vượt quá khả năng chuyên môn thì tư vấn, hướng dẫn bà con lên tuyến trên… Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là được lãnh đạo Bộ Chỉ huy, lãnh đạo đồn, chính quyền quan tâm, động viên, tin tưởng và nhân dân yêu mến” - y sỹ Tình nói.

Bước ra khỏi trạm, tôi ngoái nhìn lại thấy Tình đang lúi húi bắc vội nồi cơm chiều. Đúng như nhiều bệnh nhân cho biết, các anh ăn nghỉ tại trạm để tiện việc thăm khám, nhất là lúc đêm hôm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast