Chuyện cảm ơn

Hồi nhỏ, tôi rất ít khi nói “cảm ơn” cho những chuyện nhỏ nhặt. Chỉ dùng tiếng “cảm ơn” khi được cho quà hoặc ai đó làm điều gì to tát cho mình.

Chuyện cảm ơn

Tiếng “cảm ơn” không mất mát gì, mà làm cho người đối diện có thiện cảm với mình

Từ ngày được đi ra nước ngoài nhiều, nghe người phương Tây cảm ơn liền miệng, dù chỉ là những chuyện hết sức nhỏ, tôi nhận ra mình càng nói "cảm ơn” thì càng tốt. Bởi tiếng “cảm ơn” không mất mát gì, mà làm cho người đối diện có thiện cảm với mình.

Tiếp xúc nhiều, đi làm trong các công ty đa quốc gia, làm việc chung với các anh chị Việt kiều, tôi thấy họ cũng có thói quen “cảm ơn” mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, họ không ngần ngại “cảm ơn” người nhỏ tuổi hơn, hoặc chức vụ thấp hơn. Trong khi đa số người Việt mình hiếm khi cảm ơn trong những tình huống vụn vặt hằng ngày: nhờ chuyển giùm món đồ ở xa tầm tay; nhờ tiện tay lấy giùm cái gì; nhờ người nhỏ tuổi hơn hay cấp dưới rót ly nước, photocopy; được phục vụ bàn bưng ra thức ăn; được bảo vệ mở cửa chờ sẵn ở các tòa nhà sang trọng…

Tôi vẫn thường khá bức xúc với những cô gái trẻ (hoặc các chàng trai trẻ) làm việc trong những tòa nhà cao tầng. Những tòa nhà đó toàn là văn phòng của những công ty đa quốc gia, công ty lớn, công ty cung cấp dịch vụ có uy tín. Vì thế, nhân viên ở đây ắt cũng phải được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, lịch sự và có thái độ ứng xử văn minh.

Ấy thế mà họ không bao giờ đi qua cửa mà chịu khó ngó lại phía sau xem có ai đi ngay sát để đứng lại giữ cửa giùm. Họ cứ hồn nhiên đi xong thì xô cửa, ai đi sát sau lưng bị cửa kính đập vào mặt thì ráng chịu. Nếu tôi đi trước, liếc thấy sau lưng có người, tôi đứng lại giữ cửa giùm, thì y như rằng họ ào ào bước vô mà không thèm nhìn mặt người giữ cửa hộ, cũng không một lời “cảm ơn”. Cứ như việc giữ cửa là nhiệm vụ của tôi. Mà dù cho người giữ cửa là một anh bảo vệ, chúng ta cũng nên “cảm ơn” cho phải phép.

Đi thang máy, vào các giờ cao điểm thang đông, người vào trước nên biết bấm vào nút giữ cửa mở cho nhiều người bước vào. Người nào đứng gần các nút bấm cũng nên là người đứng lại giữ tay vào nút giữ cửa mở. Chờ cho mọi người ra hết thì mới buông tay ra và sẽ là người rời thang máy cuối cùng. Bất cứ ai, khi đi ngang qua người giữ nút bấm đó, cũng nên nói một tiếng “cảm ơn” vì hành động lịch sự này. Thế nhưng, nói thật chưa bao giờ tôi thấy một người Việt Nam nào chịu “cảm ơn” mà chỉ có người nước ngoài nói “thank you” và mỉm cười với người giữ cửa.

Theo Thanh niên

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast