Giáo dục giới tính cho con, đừng nghĩ “vẽ đường cho hươu chạy”!

(Baohatinh.vn) - Sự nở rộ của các loại văn hóa phẩm “nhạy cảm”, lối sống phóng khoáng trong khi lại thiếu trầm trọng kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản (SKSS) đã khiến không ít trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục... Do đó, công tác chăm sóc SKSS cần được quan tâm hơn nữa.

giao duc gioi tinh cho con dung nghi ve duong cho huou chay

Ngoài vai trò của nhà trường và các tổ chức xã hội, cần hơn nữa sự chủ động của gia đình trong giáo dục giới tính, SKSS lứa tuổi vị thành niên.

Hơn 20 năm công tác tại Trung tâm CSSK sinh sản Hà Tĩnh, điều dưỡng trưởng Phan Thị Thanh Hương - Khoa CSSK bà mẹ và KHHGĐ gặp rất nhiều trường hợp sản phụ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” được người nhà mang đến khám vì “rối loạn kinh nguyệt”, nhưng khi khám thì phát hiện mang thai 3-4 tháng tuổi, thậm chí, 6-7 tháng tuổi. Trường hợp em Nguyễn Thị T. (16 tuổi, học sinh lớp 10 ở TP Hà Tĩnh) là một điển hình. Mẹ đi làm ăn xa, em lớn lên trong sự nuôi dạy của bố nên ông khá dè dặt khi trao đổi với con về SKSS mà coi trách nhiệm này là của nhà trường. Tại phòng khám, khi biết con gái đang mang thai tuần thứ 24 và bác sỹ khuyên nên để em sinh con thì ông bố đã “sốc” và hối hận, day dứt về vai trò làm cha của mình.

Theo báo cáo của Trung tâm CSSK sinh sản Hà Tĩnh, hiện có 274.918 trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên/thanh niên. Nếu như năm 2015 có 312 em mang thai ngoài ý muốn thì năm 2016 có 195 em. Số ca nạo phá thai năm 2015 là 12, năm 2016 có 29 ca, 6 tháng đầu năm 2017 là 8 ca. Theo bác sĩ Trần Thị Kim Phương - Trưởng khoa CSSK vị thành niên - nam học, đây là con số thấp hơn nhiều so với thực tế vì hầu hết các bạn thanh niên chưa kết hôn, vị thành viên mang thai ngoài ý muốn khi đến các địa chỉ thực hiện dịch vụ nạo hút thai đều yêu cầu giữ bí mật. Một bộ phận trẻ lén lút nạo phá thai ở cơ sở y tế không đảm bảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và để lại di chứng sau này.

Thực tế đó cho thấy, dù có sự vào cuộc của nhà trường và các tổ chức xã hội, nhưng việc cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS cho lứa tuổi học đường ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế bởi còn thiếu sự vào cuộc của gia đình. Chị Phan Thị Thúy (xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Suốt ngày, vợ chồng tôi đầu tắt mặt tối lo việc buôn bán, phần vì e ngại và bản thân cũng không hiểu nhiều về vấn đề giáo dục giới tính nên cũng không biết phải nói chuyện với con như thế nào. Thôi thì chúng tôi trông cậy cả vào nhà trường”.

Những suy nghĩ và hành động như chị Thúy vô hình trung đã đẩy các em tự tìm hiểu vấn đề này qua những trang “web đen” tràn lan trên các trang mạng. Em Nguyễn Diệp Chi (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Bố em đi làm ăn xa, mẹ thì bận buôn bán cả ngày. Đây là vấn đề tế nhị nên em chẳng dám hỏi mẹ. Kiến thức về SKSS mà em nắm được phần nào nhờ được học ở trường và những thông tin thu thập được ở trên mạng”.

Bác sĩ Bùi Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm CSSK sinh sản tỉnh cho biết: Để hạn chế tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, cha mẹ vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy nhất của các em. Thế nhưng, hiện nay, vẫn có không ít phụ huynh bên cạnh thiếu kiến thức về SKSS còn mang nặng tâm lý e ngại, không chủ động trong việc giáo dục giới tính cho con mình. Họ quan niệm đó là “vẽ đường cho hươu chạy”. Muốn bảo vệ con, cha mẹ phải chủ động giáo dục giới tính cho con; giúp trẻ nhận thức đúng đắn về giới tính, tình yêu, quan hệ tình dục và tương lai về một gia đình hạnh phúc sau này.

CSSK sinh sản vị thành niên là công việc phức tạp và tế nhị; lứa tuổi này rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, sự chung tay của toàn xã hội. Ngoài vai trò của nhà trường và các tổ chức xã hội, còn cần hơn nữa vai trò của gia đình, giúp các em tự tin vững bước vào đời.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast