Nên dạy trẻ văn hóa chào hỏi

Cách đây mấy năm, lần đầu tiên đưa con vào lớp cơm nát của trường mầm non công lập gần nhà, tôi khá bất ngờ khi cô Lịch (tên cô giáo) đứng cúi đầu chào phụ huynh và đón trẻ rất niềm nở.

nen day tre van hoa chao hoi

Chào hỏi người lớn là điều mà các bậc phụ huynh cần dạy cho trẻ từ nhỏ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tôi nhìn thấy ánh mắt hạnh phúc của cô khi đón nhận trẻ, cùng những lời yêu thương: "Cô chào con...".

Hành động chào hỏi của cô giáo Lịch không phải là điều dễ dàng, dễ thực hiện trong cuộc sống xô bồ, bận rộn này. Tôi từng nghĩ, chỉ ở những trường tư thục, dân lập, các cô giáo mầm non mới săn đón, niềm nở như vậy, và cũng không nhiều cô giáo cúi đầu chào như cô Lịch. Nhưng tôi đã sai...

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô Lịch đã chia sẻ: "Trẻ con sẽ nhìn vào hành động của người lớn chúng ta để bắt chước và học theo. Trước khi muốn uốn trẻ vào nề nếp, giáo viên phải mẫu mực.

Chúng ta không thể dạy suông được. Nếu muốn các con chào mình, mình hãy chủ động chào trước. Tôi hi vọng ngay ở nhà, phụ huynh hãy tạo thói quen tốt này cho con. Thay vì yêu cầu trẻ phải chào người lớn trước, tại sao người lớn không chủ động chào trẻ trước?

Được tôn trọng từ trong gia đình, chắc chắn đi ra ngoài trẻ sẽ tự tin, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình hơn".

Ngẫm nghĩ lời cô, thấy đơn giản mà sao thấm thía. Triết lý giáo dục của cô chỉ là mình làm tấm gương cho học trò, tự khắc trẻ sẽ vào khuôn khổ. Chúng ta vẫn quen nhắc trẻ phải chào người lớn tuổi, nhưng không ít người lớn chỉ biết "nhận" mà không biết "cho".

Cô giáo đã cho tôi một góc nhìn khác về lời chào và cách chào. Trẻ rồi sẽ lớn lên, nhưng hình ảnh tốt đẹp về cô giáo cúi đầu chào phụ huynh, chào trẻ sẽ là ký ức đẹp của đời người, là chất liệu để xây nền văn hóa cho mỗi con người.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast