Trẻ không chỉ cần kiến thức, các em cần được sống

Một trong 10 nhà giáo hàng đầu thế giới, bà Kiran Bir Sethi (Ấn Độ) cho hay, trẻ em không chỉ cần cần kiến thức mà các em cần sống, biết làm điều hay. Phải để trẻ hiểu rằng không thể thay đổi cuộc đời của bất kỳ ai nếu các con không thể tự thay đổi cuộc đời của chính mình.

Nhà giáo Kiran Bir Sethi đã có buổi trao đổi thú vị liên quan đến giáo dục con trẻ với hàng trăm phụ huynh, giáo viên về chủ đề “Để trẻ thơ cất lên tiếng nói của chính mình” diễn ra mới đây tại TPHCM.

Bà Kiran Bir Sethi kể về chính trường hợp của mình. Bà luôn muốn mang điều tốt đẹp nhất đến cho con nên bà tưởng tượng khi đến trường, khi học tập cùng với giáo viên... con sẽ được đón nhận điều này. Bà tưởng tượng về những điều hay ho đến với con khi ở trường. Và sau 3 tháng con đi học, bà đến gặp cô giáo của con để biết con mình chơi với những bạn nào, các con làm gì ở trường, liên kết với thầy cô như thế nào.

tre khong chi can kien thuc cac em can duoc song

Nhà giáo dục Kiran Bir Sethi trao đổi về vấn đề của con trẻ với phụ huynh, giáo viên ở TPHCM

“Cô giáo nhìn tôi và hỏi: “Mã số học sinh của con tôi là gì?”. Tôi vô cùng sửng sốt, thì ra không có những câu chuyện nào ở đằng sau đó cả. Con tôi chẳng có gì đáng nhớ ngoài một con số khô khan. Và tôi quyết định cho con tôi nghỉ học”, bà Kiran nói.

Một trong những nhà giáo dục hàng đầu thế giới cho hay, chúng ta không trung thực với con trẻ và cản trở năng lực của các em. Từ bé, người lớn hay nói với trẻ rằng các con có thể nói, có thể bò, có thể chạy nhảy, vui chơi... Nhưng khi các em đến trường, người lớn lại nói chúng phải ngồi xuống, im lặng và học.

“Rất nhiều người đứng trước lựa chọn, dạy con kiến thức hay mỉm cười với con? Mọi người nghĩ rằng mình phải lựa chọn chứ không tin có thể làm được hai cái này”, bà Kiran Bir Sethi chia sẻ và cho rằng mô hình giáo dục kiểu “hoặc cái này hoặc cái kia” giữa một bên là đánh đồng tất cả, nội dung nặng nề, áp lực thi cử và một bên là chương trình cảm xúc xã hội giúp con tự tin là bối cảnh hiện tại.

Nhà giáo dục này nhấn mạnh, các em không chỉ cần kiến thức mà các em cần sống, biết làm điều hay. Phải để trẻ hiểu rằng không thể thay đổi cuộc đời của bất kỳ ai nếu các con không thể tự thay đổi cuộc đời của chính mình. Các con muốn cuộc đời trở nên tử tế thì phải học cách sống tử tế với cuộc đời trước.

“Vậy nhưng chúng ta nói với con rằng điểm số tương ứng với thành công khi con 18”, bà Kiran Bir Sethi cảnh báo về sự chệch hướng trong giáo dục con trẻ đang diễn ra ở nhiều nơi.

tre khong chi can kien thuc cac em can duoc song

Bà Kiran Bir Sethi - một trong những nhà giáo dục hàng đầu thế giới cho rằng chúng ta cần mỉm cười với con trẻ nhiều hơn

Áp lực của điểm số đang “bóp méo” cuộc sống lẽ ra cần bình thường của con trẻ cũng được các nhà giáo dục chia sẻ tại buổi nói chuyện. Ông Giản Tư Trung nói lên cảm giác dường như các em bây giờ học, học, học, cuối tuần được nghỉ chút mới... tranh thủ sống, trong khi việc học lẽ ra phải là một phần của lẽ sống. Mà theo ông, chúng ta chưa xác định được mục đích: học để làm gì?

Theo ông Trung, mỗi môn học đều tác động, góp phần hình thành tính cách, tư duy của trẻ như Toán không chỉ là chuyện giải những con số mà giúp các em đối diện với các vấn đề trong cuộc sống, tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất. Học Văn không phải chuyện văn hay chữ tốt mà là để các em biết đồng cảm với con người, biết sống... Nhưng chúng ta lại quá quan tâm đến điểm số,

Còn nhà báo Thu Hà - tác giả cuốn sách dạy con nối tiếng “Con nghĩ đi, mẹ không biết” chia sẻ mỗi đứa trẻ đều là một siêu năng lực, cần được kích hoạt vào những điều tốt đẹp . Bà Hà cũng bày tỏ thực trạng bố mẹ, thầy cô đang quá lo lắng về điểm số của con mà quên mất các con cần không gian và cả sự tôn trọng để phát triển về nhân cách, cảm xúc - những yếu tố quyết định đến cuộc đời của các em chứ không phải là kiến thức.

Lời khuyên chung của các nhà giáo dục dành cho phụ huynh, giáo viên là hãy bớt lo lắng về điểm số của trẻ nhỏ. Thay vào đó hãy tạo ra môi trường tự do, được tôn trọng để trẻ tự tin bày tỏ tiếng nói, quan điểm, tâm tư của mình, từ đó sẽ phát triển năng lực vượt trên cả mọi con số.

Nhà giáo Kiran Bir Sethi được Global Teacher Prize bình chọn là một trong mười nhà giáo hàng đầu thế giới. Bà cũng là người sáng lập Design for Change - phong trào lớn nhất thế giới về trẻ em góp sáng kiến thay đổi cộng đồng.

Công thức dành cho trẻ em cùa bà Kiran gồm:

- Cảm nhận: truyền cho trẻ em sự đồng cảm, để các em hiểu được rằng các em là một phần của cộng đồng.

- Sự tưởng tượng: trẻ phải hiểu được rằng mình có khả năng giải quyết được những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, mạnh dạn để nhận lấy trách nhiệm về mình chứ không phải chỉ ngồi đó mà than thở.

- Hành động: trẻ hành động vì trẻ thực sự muốn làm chứ không phải là do ai bắt ép.

- Sự chia sẻ: trẻ phải biết chia sẻ với mọi người xung quanh mình.

Theo Dân trí

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast