Xúc xích, bim bim… có thể khiến trẻ mắc bệnh thận, loãng xương

Để chiều lòng con trẻ, nhiều gia đình thường cho bé ăn xúc xích, bim bim, dăm bông… Nhưng chính những món ăn vặt quen thuộc đó có thể gây ra những nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe của trẻ nếu sử dụng nhiều và lâu dài.

xuc xich bim  co the khien tre mac benh than loang xuong

Một bệnh nhân nhí bị phù nề mặt do suy thận

Bé P.M.A (5 tuổi, Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên có biểu hiện mắt sưng, nhất là sau khi ngủ dậy. Khoảng thời gian gần đây, mắt em sưng nhiều hơn và có xu hướng phù ra toàn cơ thể. Nhận thấy con có biểu hiện bất thường, mẹ bé đã cho con nhập viện và được chẩn đoán bé bị suy thận, nồng độ ure trong máu cao.

Theo dõi tiền sử, mẹ bé cho biết, từ ngày con bước vào ăn dặm, bé không chịu ăn. “Người lớn trong nhà bảo nấu mặn là để con ăn như người lớn. Trộm vía, con ăn nhiều hơn, ăn ngon hơn. Thấy con tăng cân đều, cả nhà tiếp tục nêm nếm gia vị cho con.

Cháu lớn một chút, cả nhà cho con ăn cùng mâm luôn. Sau mình đi làm, con ở nhà, ông bà chiều cháu cho ăn mấy món trẻ thích như bim bim, xúc xích. Dù không bằng lòng nhưng mình cũng không dám không dám cãi lại vì ở nhà chồng không được quyền can thiệp cách nuôi dạy con”, mẹ bé P.M.A kể lại.

Ai ngờ chính những thói quen đó của gia đình đã khiến con bị suy thận nặng. Tại đây, các bác sĩ cho biết, chính việc cho con ăn mặn quá sớm, ăn đồ đóng gói có lượng muối cao khiến thận trẻ “quá tải” và phát bệnh.

Cũng một trường hợp khác, bạn Nguyễn Mạnh Tuấn (13 tuổi, Trần Lãm, Thái Bình) phải điều trị suy thận được hơn 2 năm. Theo lời kể gia đình, bố mẹ bận đi làm, ít về nhà ăn trưa nên thường để tiền cho con tự lo ăn uống. Vì muốn tiện, nhanh và tiết kiệm, bạn Tuấn thường xuyên mua mì gói sử dụng. Và đó chính là nguyên nhân khiến Tuấn “béo” lên trông thấy, mặt phù nề - biểu hiện suy thận.

Theo bác sĩ, những món ăn vặt như bim bim, xúc xích, mì gói… quen thuộc mà cha mẹ thường cho trẻ ăn, ngoài các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, nó còn chưa hàm lượng muối rất lớn. Chính điều đó làm tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh nguy hiểm như suy thận, loãng xương, ung thư đường tiêu hóa nếu sử dụng nhiều và lâu dài.

Chia sẻ về vấn đề này, BS Đoàn Tuấn Vũ – Bệnh viện Nội tiết Trung Ương cho biết: “Việc dùng quá nhiều muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu khiến cơ thể có cảm giác khát dẫn đến uống nước nhiều, giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp.

Từ việc tăng huyết áp khiến các cơ quan trong cơ thể phải tăng cường độ làm việc, từ hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động các cơ quan này. Bên cạnh đó là các nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương...

Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn”.

Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Việt Nam, hàm lượng muối trong một số thực phẩm đóng gói sẵn rất cao. Nếu như lượng muối quy định sử dụng là 5g/người/ngày, lượng muối lí tưởng nên tiêu thụ khoảng 2 – 3 g/người/ngày thì trong một gói mỳ ăn liền đã có tới khoảng 4,2 g muối, trong 100 g xúc xích chữa đến hơn 2 g muối.

Chính vì vậy, việc sử dụng đồ ăn đóng gói sẵn quá nhiều, trong thời gian dài gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mặc dù muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn nhiều muối lại gây ra tác hại cho sức khỏe: Ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.

WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê) để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh không lây nhiễm khác.

Muối cung cấp cho cơ thể có từ nhiều nguồn khác nhau: 70% nguồn muối là từ muối, mắm và gia vị mặn cho vào thực phẩm khi chế biến và khi ăn; 20% từ thực phẩm chế biến sẵn; Khoảng 10% từ muối có sẵn trong thực phẩm tự nhiên.

Theo giadinhmoi.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast