Vì sao FIFA phải đền cho Nam Phi một kỳ World Cup?

Ngay sau khi đề ra quy định luân phiên tổ chức World Cup trên các châu lục, FIFA thông báo sẽ bắt đầu quy định này từ châu Phi. Thế rồi, ngay sau khi Nam Phi tổ chức thành công kỳ World Cup 2010, lại chính FIFA bãi bỏ cái quy định mà họ nhanh chóng đẻ ra. Tất cả đều chỉ là kịch. Một vở kịch tồi!

World Cup 2010 là món quà của Sepp Blatter dành tặng Nam Phi và Lục địa đen để “tri ân” sự ủng hộ của các lá phiếu bầu ông ta làm chủ tịch FIFA đến từ CAN

CHÂU PHI PHẢI CÓ WORLD CUP

Châu Phi - chứ không phải châu Á - là căn cứ địa vững chắc nhất của chủ tịch FIFA Sepp Blatter và người tiền nhiệm Joao Havelange trong những cuộc bỏ phiếu. Không phải ngẫu nhiên mà số đại diện của bóng đá châu Phi ở VCK World Cup luôn tăng lên đều đặn sau khi Havelange đắc cử chủ tịch FIFA. Đến đời Blatter, xem ra 5 suất tham dự World Cup vẫn chưa làm giới bóng đá châu Phi vừa lòng. Họ muốn thêm nữa. Và họ muốn có hẳn một kỳ World Cup trên châu lục của mình.

Tại World Cup 2010, có đến 6 đội châu Phi góp mặt, xấp xỉ một nửa số đại diện châu Âu, gấp rưỡi châu Á, hơn cả Nam Mỹ. Từ lâu, kiểu nhận định “lấy tiếng”, kiểu như Pele dự đoán sẽ có một đội châu Phi vô địch World Cup, đã trở nên lỗi thời.

Ngay trên “sân nhà”, có đến 5/6 đội châu Phi bị loại trước vòng knock-out, 3 đội nằm bẹp ở vị trí chót bảng - quá tương phản với việc cả 5 đại diện Nam Mỹ đều được đi tiếp. Vậy, từ đâu ra cái cơ cấu lố bịch ở World Cup 2010? Câu chuyện bắt đầu từ... 10 năm trước đó.

Như mọi người đã biết: Blatter bất ngờ thắng Lennart Johansson trong cuộc bầu cử chủ tịch FIFA 1998. Vì sao Johansson nhanh chóng chào thua, kể cả khi cuộc chơi vẫn chưa ngã ngũ? Ông thấy rõ những lá phiếu “đáng lẽ là của mình”, nay lại bầu cho Blatter. Đấy chính là lá phiếu của các nước châu Phi.

Vậy nên, một trong những việc quan trọng đầu tiên sau khi đắc cử là Blatter không chỉ nói rõ mà còn cố sức vận động giới lãnh đạo chóp bu trong hàng ngũ FIFA bỏ phiếu cho một nước châu Phi đăng cai World Cup. Đấy là điều quan trọng nhất mà Blatter cần làm để bảo đảm cho việc giữ ghế ở nhiệm kỳ tiếp theo.

World Cup 2006 là kỳ World Cup đầu tiên mà nước chủ nhà được chọn dưới thời Blatter. Nhu cầu đăng cai World Cup của bóng đá châu Phi cũng được hối thúc ngay trong kỳ World Cup ấy. Trên thực tế, quả đã có những thời điểm mà giới bóng đá châu Phi đã tin chắc vào chiến thắng. Thời điểm rõ ràng nhất là khoảng 24 giờ trước vòng bỏ phiếu quyết định.

CÚ “LẬT KÈO” NGOÀI SỨC TƯỞNG TƯỢNG

Người ta thường nói: 70% sự thành, bại của một cuộc chơi nằm ở khâu chuẩn bị. Trong việc chọn nước đăng cai World Cup thì đấy chính là quá trình vận động. Người trong cuộc coi như đã biết chắc ai bỏ phiếu cho ai rồi. Vậy nên, Blatter luôn nói rõ ông sẽ đem World Cup 2006 đến châu Phi, kể cả khi chính ông không bỏ phiếu.

Theo quy định, số phiếu của ban chấp hành FIFA tham gia bỏ phiếu là con số chẵn, và nếu kết quả bỏ phiếu bất phân thắng bại thì chính chủ tịch FIFA - trước đó không tham gia - sẽ bỏ lá phiếu quyết định. Khi tự tin nói rằng sẽ tặng cho Nam Phi của Nelson Mandela một kỳ World Cup lịch sử, Blatter đã tính kỹ đến từng chi tiết nhỏ nhất: cuộc đua rồi sẽ tiến đến đỉnh điểm kịch tính là một kết quả hòa, và chính ông sẽ là người quyết định cuối cùng.

Thực tế quả đã diễn ra “gần như vậy”. Morocco nhanh chóng bị loại ở vòng đầu tiên, kế đến là Anh. Nam Phi và Đức tiến vào “chung kết”. Charlie Dempsey - một quan chức người New Zealand gốc Scotland - đã được chỉ thị là sẽ bỏ phiếu cho nước Anh và trong trường hợp Anh đã bị loại thì sẽ bỏ phiếu cho Nam Phi.

“Chỉ thị”? Vâng, đây là chuyện hết sức bình thường. Dempsey đại diện cho châu Đại dương, và quyết định bỏ phiếu cho ai là quyết định đã được cả một LĐBĐ cấp châu lục thông qua trước đó, chứ đâu phải là chuyện của cá nhân ông! Đấy là lý do vì sao ai cũng biết chắc lá phiếu của Dempsey sẽ ghi tên Nam Phi, sau khi nước Anh bị loại. Kết quả thực tế: Dempsey bỏ phiếu trắng. Thế là “tỷ số dự kiến” 12-12 trở nên hơi... méo một tí, thành 12-11. Sai một li, đi một dặm. Blatter rút cuộc không có cơ hội hãnh diện đưa ra lá phiếu quyết định ghi tên Nam Phi trong kết quả hòa của kịch bản định sẵn. Thất bại quá đau?

Điều quan trọng là ông đã hứa một điều mà mình không có khả năng bảo đảm. Cho dù “người tính không bằng trời tính” đi nữa, uy tín của tân chủ tịch FIFA đã bị sứt mẻ. Làm sao thì làm, Blatter cứ phải nhanh chóng “đền” cho châu Phi một kỳ World Cup nếu không muốn số phiếu “nguyên khối” của CAF sẽ ghi tên đối thủ của ông trong đợt bầu bán tiếp theo.

Đấy là lý do vì sao phải có quy định luân phiên tổ chức World Cup trên các lục địa, ngay kỳ World Cup tiếp theo, và phải bắt đầu ngay từ châu Phi (rồi sau đó xổ toẹt quy định ấy, chẳng hề gì)!

MÃI MÃI LÀ “BÍ ẨN DEMPSEY”

Chỉ có 24 nhân vật tai to mặt lớn, chia nhau toàn bộ quyền lực trong thế giới bóng đá, bỏ phiếu quyết định cho sự kiện lớn nhất, hấp dẫn nhất, ầm ĩ nhất, tiền bạc cũng nhiều nhất, trong làng thể thao thế giới. Ai lại bỏ đi lá phiếu chuyên chở vinh dự và uy quyền lớn lao như vậy?

Cổ kim không có! Blatter sót nước là phải. Dù sao đi nữa, Blatter vẫn phải thận trọng cân nhắc hành động tiếp theo, sao cho xứng với tư cách chủ tịch FIFA. Đấy là lý do vì sao ông không đáp ứng yêu cầu “bỏ phiếu lại” mà Nam Phi lập tức đưa ra một cách ồn ào.

Tất nhiên, đề nghị “bỏ phiếu lại” chẳng hề là chuyện... con nít. Cũng phải có cơ sở, nếu không muốn nói là cơ sở tương đối thuyết phục. Nhiều thành viên trong cuộc bỏ phiếu thú nhận họ đã nhận được đề nghị hối lộ để ủng hộ Đức trước vòng cuối cùng.

Đề nghị được ghi vào giấy, chuồi vào phòng của các quan chức, trong đêm trước ngày bỏ phiếu. Sau này, người ta giải thích rằng đấy là trò đùa của một tờ báo lá cải. Nói thế cũng tin cho được! Bạn dám thử làm một trò đùa tương tự trong cuộc bỏ phiếu quan trọng tiếp theo của giới lãnh đạo FIFA? (Điều kiện đầu tiên: không sợ tra tay vào còng ngay vòng giữ xe).

Dempsey chỉ nói ngắn gọn sau đó rằng ông không chịu nổi áp lực. Đấy là áp lực gì, ông không nói ra. Nhưng ông gọi điện suốt đêm cho con gái, nói rất nhiều về chuyện an ninh của gia đình. Ông cũng nói rằng đã biết phái đoàn Đức “hình như mạnh lên nhiều so với dự đoán”. Tất nhiên sau đó, Dempsey phải từ chức ở mọi cương vị và chịu đựng sự chỉ trích đến tận cuối đời. Ông qua đời ở tuổi 87, vào năm 2008. Sau này bùng nổ scandal hấp dẫn: phái đoàn Đức, nhờ tiền giúp đỡ của ông chủ hãng Adidas Robert Louis-Dreyfus, đã “mua” được vài phiếu của các quan chức châu Á trong hàng ngũ FIFA.

Số phiếu ấy giúp Đức từ chỗ “kèo dưới” trở nên ngang ngửa với Nam Phi, và sẽ thắng nếu Dempsey không bỏ phiếu cho bên nào. Louis-Dreyfus cũng đã qua đời, sau Dempsey 1 năm. Nhưng scandal nọ thì chưa chìm xuồng. Với tiến độ phanh phui suốt nửa năm nay, chẳng có câu chuyện tồi tệ nào được bảo đảm chìm xuồng!

Theo Bongdaplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast