Nỗi đau xé lòng của một cựu Thanh niên xung phong mắc bệnh ung thư

Đang học lớp 12 nhưng em Lê Hữu Khánh phải ngậm ngùi gạt nước mắt rời xa cổng trường học trung học để̀ chăm sóc mẹ bị bệnh hiểm nghèo.

Tháng ngày cơ cực của mẹ góa con côi

Gần mười năm nay, bà Lê Thị Khương (61 tuổi), trú xóm 11 xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị căn bệnh ung thư vú quái ác hành hạ. Cảnh mẹ góa con côi càng khiến gia đình bà thêm khổ cực khi trong nhà gần như không còn một thứ gì có giá trị nữa, bởi sau những lúc bệnh nặng bà đều mang đi bán lấy tiền mua thuốc để điều trị.

Khánh tận tụy bên người mẹ bị bệnh ung thư
Khánh tận tụy bên người mẹ bị bệnh ung thư

Đến nhà bà Khương vào một ngày đầu đông chớm lạnh, chỉ thấy căn nhà trống trải, trong nhà chỉ có cái tủ nhỏ và chiếc giường là thứ đáng giá. Căn nhà nhỏ càng lạnh lẽo hơn khi có một người phụ nữ già nua đang nằm liệt giường và người con trai đang tận tụy chăm sóc. Từng cơn đau làm cho bà Khương thở dốc, khó khăn và mệt nhọc làm những ai trông thấy cũng phải rơi lệ.

Bà Khương mang căn bệnh ung thư vú đã gần 10 năm nay nhưng chưa một lần bà được phẫu thuật hay chữa trị đến nơi đến chốn. Bà ngậm ngùi: “Có khi cầm thủ tục mổ trên tay nhưng tiền không có tiền đành quay về nhà chịu cơn đau, phó mặc cho căn bệnh hoành hành thể xác”. Những lúc bệnh thuyên giảm bà cố gượng dậy làm việc vặt trong nhà cho khuây khỏa và động viên con học hành nhưng chẳng được bao lâu lại tái phát đau đớn.

Cuộc đời cơ cực, sống cảnh mẹ goá con côi lại lâm bệnh nặng khiến gia đình bà càng khó khăn hơn. Thân mình mang bệnh, bà không muốn ra đi mà bỏ lại đứa con đang còn tuổi ăn, tuổi học. Bệnh của bà ngày một nguy kịch hơn, cái u ngày càng phình to nhưng bà vẫn phải cắn răng chịu đựng.

"Đầu thập niên của thế kỷ XIX, tôi vào chiến trường Khe Sanh - Quảng Trị, thuộc đoàn 130, sư đoàn 5, QK 5, tham gia chiến đấu tới ngày nước nhà hoàn toàn độc lập tôi mới trở về quê hương. Tham gia các phong trào của xã nhà nhưng vì vết thương chiến tranh hành hạ quá nên xin về làm ruộng", bà Khương tâm sự.

Người nữ thanh niên xung phong xưa không sợ mưa bom bão đạn nhưng giờ lại bất lực trước căn bệnh ung thư giày xéo. Bà sợ một ngày gần phải ra đi để lại đứa con côi cút, thất học vì hoàn cảnh gia đình. Cuộc sống gia đình vô cùng khốn đốn, với khoản thu nhập hơn 400 nghìn đồng tiền trợ cấp thương tật hàng tháng vừa lo thuốc men vừa chi tiêu hàng ngày của cả 2 mẹ con làm cho cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.

Trong tiếng nức nghẹn lòng, bà thốt lên: “Tôi thì ngày một ngày đôi rồi cũng đi, nhưng thương thằng Khánh phải bỏ học, cuộc sống rồi đây không biết bấu víu vào ai. Mấy năm trước khối u của tôi còn nhỏ, nó vừa đi học vừa làm việc nhà chăm sóc tôi. Nay tôi bệnh nặng lên, con phải bỏ học dành thời gian chăm mẹ. Mấy ngày trước trời mưa lũ, nước chảy ào ào, ngập cả nhà thằng Khánh phải bế tôi lên trên sập nằm mà thắt cả ruột gan”.

Khép lại cổng trường chăm mẹ bệnh nặng

Em Lê Văn Khánh đang học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Xuyên. Gần đây, Khánh phải ngậm ngùi gạt nước mắt khép lại việc học để ở nhà chăm sóc mẹ bị bệnh hiểm nghèo.

Căn nhà cũng tiều tụy như chính thể xác bà Khương
Căn nhà cũng tiều tụy như chính thể xác bà Khương

Trước nay, khi mẹ đau ốm quanh năm, em phải tranh thủ thời gian sau nửa buổi học đi làm thuê, phụ hồ để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Giờ đây, Khánh phải nghỉ học hẳn để lo toan mọi việc.

Sau trận lũ vừa qua, nhà bà Khương có một ít lúa bị ngập nước hết, làm cho khó khăn càng khó khăn hơn. Trước cảnh mẹ góa con côi, lại lâm bệnh nặng khiến làng xóm ai cũng thương tình, những ngày bà Khương đau nặng họ quyên góp người ít lon gạo, đồng tiền giúp bà sống qua ngày.

Chị Dinh, người hàng xóm tốt bụng thường qua nhà giúp đỡ chia sẻ: Gia đình bà Khương thuộc diện đói nghèo đặc biệt, mỗi khi có trợ cấp, xã đều dành cho bà một suất. Đến cái ăn còn không đủ chứ nói đâu ra tiền mà chữa bệnh, mà bà con họ hàng nghèo khổ cả lấy gì mà nhờ vả.

Căn bệnh hiểm nghèo đang dần cướp đi sinh mạng của bà Khương, tương lai của Khánh phía trước dường như khép lại vì con đường học đứt giữa đường, cuộc sống côi cút khiến em bế tắc hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast