Tận khổ cảnh một gia đình tật nguyền

(Baohatinh.vn) - Nhà có bốn người thì một người nhiễm chất độc da cam, một mẹ già liệt giường, một phụ nữ tàn tật. Cả nhà chỉ biết trông vào 3 sào ruộng và một phụ nữ đã bước sang tuổi xế chiều.

Chị Thiện đã quyết định không lấy chồng mà ở vậy chăm sóc gia đình
Chị Thiện đã quyết định không lấy chồng mà ở vậy chăm sóc gia đình

Chúng tôi đến thăm nhà chị Trần Thị Thiện (xóm 6, Hương Đô, Hương Khê) vào một ngày đông lạnh. Bước qua cánh cổng tre được rào tạm, xoáy vào tim là hình ảnh một người đàn ông liệt cả hai chân lê mình bằng đôi bàn tay, một phụ nữ nhỏ thó lưng gù ngồi bổ cau giữa sân với manh áo len rách tơi tả, ánh mắt nhìn khờ khạo. Xa hơn phía trong nhà là bà cụ gầy gò nằm co ro trên chiếc giường tre không một manh chiếu, chiếc chăn nhầu nhĩ mỏng dính. Nhà có bốn người sống cùng nhau thì chỉ có chị Thiện là người may mắn hơn cả khi không bị ảnh hưởng bởi di chứng của chất độc da cam. Và cũng bởi may mắn đó nên chị gánh thêm một bất hạnh khác, đó là hy sinh hạnh phúc riêng của mình ở vậy chăm sóc bố mẹ, chị gái và cậu em trai tật nguyền.

Chị Thiện cho biết, bố mẹ chị - ông Trần Xuân Toàn (đã mất) và bà Nguyễn Thị Thiu (86 tuổi) là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở các chiến trường Quảng Trị, Khăm Muộn (CHDCND Lào). Trong một trận quyết chiến ở chiến trường Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị) ông Toàn bị nhiễm chất độc da cam, mất sức, không có khả năng tự phục vụ. Nhưng đau đớn hơn là những đứa con vô tội của ông bà (7 người con được sinh ra thì 3 người bị tật nguyền) bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đó là chị Trần Thị Bình, chị Trần Thị Thân và anh Trần Văn Chiến.

Dù bị tật nguyền đôi chân và trí nhớ có phần kém hơn người bình thường nhưng anh Chiến vẫn vay tiền bạn bè ươm dó trầm kiếm thêm tiền phụ gia đình
Dù bị tật nguyền đôi chân và trí nhớ có phần kém hơn người bình thường nhưng anh Chiến vẫn vay tiền bạn bè ươm dó trầm kiếm thêm tiền phụ gia đình

Biết hoàn cảnh gia đình mình, chị Thiện đã quyết định không lấy chồng mà ở vậy chăm sóc gia đình. Cơm bưng, nước rót, vệ sinh, tắm giặt cho chừng ấy con người tàn tật đều nơi tay chị. Cấy cày, ruộng nương, kiếm củi cũng ở nơi chị. Đã bước sang tuổi 55, như những người phụ nữ khác đáng lẽ chị phải được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc bên con cháu của mình thế nhưng ngược lại, một thân một mình chị dành hết thời gian cuộc đời để chăm sóc cho những người thân của mình.

Đôi mắt ngấn lệ, giọng nghẹn ngào chị Thiện bùi ngùi tâm sự: “Số tiền trợ cấp dành cho người tàn tật và người nhiễm chất độc da cam mỗi tháng gia đình chỉ được nhận hơn 1 triệu đồng. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với những chi phí sinh hoạt, rồi những lần thuốc thang khi đau yếu, trở trời.” Lúc ấy, chị lại chạy vạy vay mượn bà con, hàng xóm. Nguồn thu nhập chính từ gia đình chị từ hai sào đất màu và hơn một sào ruộng lúa. Một mình muốn làm nhiều để có thêm gạo ăn nhưng sức không có. “Mai đây tôi yếu sức đi không biết ai chăm lo cho mẹ, cho chị và em trai” – Chị Thiện đau đáu nỗi niềm.

Em trai chị - anh Trần Văn Chiến, dù bị tật nguyền đôi chân và trí nhớ có phần kém hơn người bình thường nhưng vẫn vay tiền bạn bè đầu tư làm bầu dó trầm giống để bán. Mỗi năm một vụ, vào lúc bầu dó có giá và thời tiết ủng hộ còn có thêm chút lời lãi phụ giúp cùng gia đình. Cũng có những khi thiên tai, mất giá bao công lao chăm bón, vun trồng của anh trở về bàn tay trắng. Nợ lại chồng nợ.

Một gia đình có truyền thống cách mạng nhưng một lúc hứng chịu quá nhiều nỗi đau và khổ cực. Bữa ăn biết nay mà không biết mai. Không có lấy một tấm chăn đủ ấm cho những ngày đông lạnh giá. Nhìn gia cảnh chị, chứng kiến những vất vả của người phụ nữ tóc pha sương, khuôn mặt khắc khổ chúng tôi không thể cầm nổi lòng mình. Rất mong chính quyền các cấp và các mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ và chia sẻ với gia đình chị để những ngày xuân sắp đến gia đình chị thấy ấm áp hơn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Trần Thị Thiện - xóm 6, xã Hương Đô, huyện Hương Khê; hoặc Tòa soạn Báo Hà Tĩnh - số 34, đường Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast