Bước đi vững chắc trong tái cấu trúc nông nghiệp ở Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Từ những nhân tố mới, Thạch Hà đang đúc rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng các điển hình thực hiện tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện đề án phát triển sản xuất của các địa phương trong toàn huyện...

Từ nhân tố mới

Ít ai nghĩ rằng, Thạch Ngọc, vùng đất của nắng hạn và ngập lụt, bao đời chỉ biết đến cây lúa nước lại có thể đi trước trong lộ trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chỉ hơn 1 năm với 3 vụ sản xuất, với cách làm mới, tư duy mới, Thạch Ngọc đã thức dậy những tiềm năng ngủ yên hàng chục năm qua. 12 ha bí xanh với sản lượng gần 400 tấn được thương lái thu mua tại chân ruộng. Gần 20 ha đất và mặt nước nhiều năm bỏ hoang đã được khai thác bằng các mô hình kinh tế trang trại; 5 ha lúa giống hàng hóa liên kết với Mitraco đã cho mùa vàng đầu tiên và được DN thu mua với giá khá cao; các mô hình mới: sản xuất gạo đỏ, nuôi bồ câu Pháp đang từng bước được nhân rộng...

Mô hình nuôi bồ câu Pháp đang từng bước được nhân rộng
Mô hình nuôi bồ câu Pháp đang từng bước được nhân rộng

“Ngày đầu triển khai mô hình chuyển đổi 2,7 ha đất trồng sắn sang trồng rau, củ, quả, bà con thôn Quý Hải chúng tôi không khỏi lo lắng bởi vùng đất màu này đã nhiều lần thí điểm các loại cây mới nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, niềm tin vững dần bởi cách làm lần này rất khoa học: dân được đi tham quan vùng rau Tượng Sơn, cán bộ chủ trì xã vừa bám ruộng để hướng dẫn kỹ thuật, vừa trực tiếp đứng ra lo kết nối đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, năm 2013, liên tiếp 2 vụ bí, vùng sản xuất tập trung này thu nhập trên 270 triệu đồng. Vụ xuân 2014 này, dự kiến thu hơn 100 triệu đồng”, ông Trần Lê Hoàn - Bí thư Chi bộ thôn Quý Hải cho biết.

“Từ thành công của Quý Hải, thôn Ngọc Sơn đã quyết tâm khai hoang 3,5 ha đất bỏ hoang hơn 10 năm nay để phát triển cây bí, bầu sáp. 94 hộ dân trong thôn đã hăng hái tham gia sản xuất để vụ xuân này cho mùa quả đầu tiên với thu nhập xấp xỉ 150 triệu đồng”, ông Nguyễn Công Châu - Trưởng thôn Ngọc Sơn phấn khởi cho biết.

Mục tiêu lớn mà Thạch Ngọc hướng đến là cơ cấu sản xuất và tổ chức sản xuất một cách hiệu quả để người dân nhận thấy “tấc đất” thực sự là “tấc vàng”. Thạch Ngọc không còn diện tích đất bỏ hoang; người dân tin và hăng say sản xuất theo đúng định hướng sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Đây chính là nền tảng để xã thuần nông tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách bền vững trong thời gian tới.

Đến sự chuyển động của hệ thống

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và kế hoạch triển khai của huyện đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để đưa ra những định hướng chiến lược cho giai đoạn mới. Tuy nhiên, gắn với đề án phát triển sản xuất và đề án liên kết sản xuất theo các vùng trong chương trình xây dựng NTM, huyện Thạch Hà đang từng bước chỉ đạo xây dựng điểm và nhân rộng những mô hình điển hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện.

Vùng sản xuất rau tập trung thôn Quý Hải đã cho thu hoạch mùa thứ 3 với giá trị kinh tế cao.
Vùng sản xuất rau tập trung thôn Quý Hải đã cho thu hoạch mùa thứ 3 với giá trị kinh tế cao.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phi Quang thì với điều kiện đặc thù, sản xuất nông nghiệp sẽ luôn là mặt trận hàng đầu và cốt lõi trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Bởi vậy, Thạch Hà phải tập trung nhiều thời gian, nguồn lực để đi sớm và đạt kết quả vững chắc trong lộ trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Các bước đi mang tính nền tảng mà huyện đã triển khai gắn với quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM đó là xây dựng định hướng và hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của huyện và định hướng chiến lược theo các đề án liên kết vùng sản xuất; xúc tiến mạnh mẽ việc liên kết với các DN để sản xuất theo chuỗi khép kín. Theo đó, 3 vùng sản xuất theo đặc điểm sinh thái, địa lý, giao thông đã được xác định là: Tây Nam, Bắc Hà và bãi ngang cùng với hệ thống giải pháp và chính sách đi kèm, tạo động lực, sức sống mới cho việc thực hiện đề án sản xuất ở mỗi địa phương.

Ngoài địa phương đi đầu là xã Tượng Sơn với các vùng rau chuyên canh rộng lớn sản xuất theo quy trình VietGap, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng nhân tố mới Thạch Ngọc, qua đó, tổ chức cho các xã, thị trấn trong huyện tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng. “Huyện sẽ chỉ đạo và định hướng, hỗ trợ các địa phương xác định giải pháp, bước đi phù hợp cho việc tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp. Trong đó, điểm mấu chốt là mở rộng hơn liên kết với DN một cách đa dạng trên các sản phẩm theo quy mô mô hình lớn, vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, quan tâm đến yếu tố con người trong quá trình chỉ đạo, thực hiện bởi thực tế từ các nhân tố điển hình cho thấy khi đội ngũ cán bộ cơ sở đầu tàu, tâm huyết thì khát vọng đổi mới trên thửa ruộng của mình trong mỗi người dân mới thực sự được khơi dậy và tiếp sức để đi đến thành công” - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast