“Chìa khóa” để nông sản chinh phục thị trường

(Baohatinh.vn) - Ghi nhận tại lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh, những nông sản được xây dựng thương hiệu rõ ràng đều có giá bán cao hơn trước đây và so với sản phẩm cùng loại. Điều này cho thấy, việc đăng ký và phát triển quyền sở hữu trí tuệ chính là “chìa khóa” để nông sản chinh phục thị trường.

Cùng là sản phẩm cam chanh, song, anh Nguyễn Xuân Hòa (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) mạnh dạn niêm yết mức giá 70 nghìn đồng/kg tại lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh. Trong khi đó, nhiều sản phẩm ở các gian hàng khác có mức giá 45-50 nghìn đồng/kg.

chia khoa de nong san chinh phuc thi truong

Việc được bảo hộ thương hiệu đã giúp sản phẩm cam Vũ Quang tăng giá trị trên thị trường.

Sau hơn 1 năm chính thức được công nhận và bảo hộ thương hiệu, cam Thượng Lộc đã tăng giá trị trên thị trường rất nhiều so với trước đây. Khi chưa được bảo hộ “tên tuổi”, cam Thượng Lộc chỉ bán được với giá khoảng 30 nghìn đồng/kg, còn hiện tại, các hộ dân có thể bán tại vườn với giá 50 nghìn đồng/kg.

"Chúng tôi sản xuất cam an toàn, ngon, sạch, có nhãn mác, tem truy xuất rõ ràng, thì ắt hẳn phải có giá trị hơn so với hàng hóa trôi nổi. Điều này được người tiêu dùng chấp nhận, bằng chứng là mặc dù chúng tôi bán với giá cao, nhưng vẫn bán chạy, thậm chí không đủ số lượng để cung cấp theo đơn đặt hàng", anh Hòa chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hằng (thôn Minh Giang, xã Sơn Mai, Hương Sơn) cho hay: “Chỉ những khách hàng có thời gian thưởng thức cam tại gian hàng mới lựa chọn sản phẩm của chúng tôi. Điều này cho thấy, cam của chúng tôi có chất lượng nhưng ít được biết đến. Đáng buồn hơn, nếu bán tại vườn, cam Sơn Mai chỉ có giá trung bình khoảng 20 nghìn đồng/kg. Do vậy, người trồng cam chúng tôi rất muốn có một thương hiệu riêng để có thể quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường”.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Hà Tĩnh hiện có 2.180 ha bưởi Phúc Trạch, 5.093 ha cam chanh và 1.068 ha cam bù. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn qua thương lái. Đã có những doanh nghiệp, siêu thị liên kết sản xuất và tiêu thụ (Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong 400 tấn/năm, HTX Tân Phương Đông 60 tấn/năm…) nhưng số lượng còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, những sản phẩm đặc sản của địa phương sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Thượng Lộc… đã có những thuận lợi nhất định trong việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, thâm nhập thị trường. Đây là một trong những căn cứ giúp đảm bảo uy tín, danh tiếng và xuất xứ của sản phẩm, đồng thời cũng là lý do mà người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cho sản phẩm cao hơn các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.

Ông Nguyễn Huy Trọng - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, với một tỉnh có nhiều nông, lâm đặc sản như Hà Tĩnh thì việc đăng ký và phát triển quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Thời gian qua, việc xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông, lâm đặc sản của tỉnh đã được sở ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chỉ giúp đỡ người dân bảo hộ thương hiệu, tạo dựng logo - dấu hiệu nhận biết; còn việc phát triển thương hiệu, tạo uy tín với người tiêu dùng phụ thuộc vào chính người sản xuất.

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast