Chính sách hỗ trợ đóng tàu công suất lớn: Khó tìm chủ đầu tư!

(Baohatinh.vn) - Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, Hà Tĩnh được phân bổ đóng mới 29 tàu cá nhưng sau hơn 1 năm triển khai, chỉ mới có 6 đối tượng đăng ký được phê duyệt. Nguyên nhân một phần do ngư dân còn khó khăn về vốn đối ứng và lo ngại khi các khu neo đậu đều bị bồi lắng...

Chính sách hỗ trợ đóng tàu công suất lớn: Khó tìm chủ đầu tư! ảnh 1
Khó khăn về vốn đối ứng...


Sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67, Sở NN&PTNT cùng các địa phương đã tập trung triển khai. Thế nhưng, đến thời điểm này, chỉ có huyện Nghi Xuân đã tiến hành đóng 4/8 tàu vỏ thép công suất từ 830-1.100 CV và 1 tàu dịch vụ hậu cần ở huyện Kỳ Anh được phê duyệt. Các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà và Thạch Hà chưa tìm được đối tượng đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (Lộc Hà) Biện Ngọc Cường cho biết: Theo kế hoạch, năm 2015, Thạch Kim sẽ đóng mới 2 tàu (1 tàu khai thác và 1 tàu hậu cần) có công suất trên 400 CV. Xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngư dân có tàu từ 90 CV trở lên về cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ. Lúc đầu cũng có vài hộ đăng ký, tuy nhiên, sau này, họ cũng rút lui vì không lo nổi vốn đối ứng. Cụ thể là để đóng tàu có công suất 400 CV mất gần 2 tỷ đồng, theo quy định đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu phải có vốn đối ứng 30%, tương đương với số tiền khá lớn. Mặt khác, ngư dân còn lo ngại về năng lực quản lý, trình độ lao động khi tham gia khai thác xa khơi...

Một lý do khác được ông Trần Văn Trúc ở xóm Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng chia sẻ: “Tôi cũng rất muốn vay tiền theo Nghị định 67 đóng thêm tàu có công suất 600 CV để vươn khơi. Nhưng điều khiến tôi lưỡng lự là luồng lạch tại cảng cá Thạch Kim đang bị bồi lắng, bình thường, tàu cập bến đã khó, chưa kể vào những ngày giông tố, mưa bão..., rất khó bảo vệ tài sản”.

Theo ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, ngành NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn thực hiện Nghị định 67 cho các chủ tàu 90 CV trở lên trên địa bàn toàn tỉnh để tìm người đăng ký. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, những chủ tàu xa bờ trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà hầu hết tàu đều mới đóng, mua mới, cải hoán nên chưa có nhu cầu. Vì vậy, các địa phương này đã có văn bản xin “nhường” một số chỉ tiêu cho địa phương khác và chuyển sang kế hoạch năm 2016.

Chính sách hỗ trợ đóng tàu công suất lớn: Khó tìm chủ đầu tư! ảnh 2
... và lo ngại các khu neo đậu bồi lắng là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân “dè dặt” trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ theo NĐ 67.


Hà Tĩnh được Bộ NN&PTNT phân bổ đóng mới 29 tàu cá (3 tàu dịch vụ, 26 tàu khai thác). Kế hoạch năm 2015 đóng mới 20 tàu, 2016 là 9 tàu. Tuy nhiên, theo kết quả thực hiện thì đến nay, tiến độ quá chậm, ngoài nguyên nhân khách quan, công tác tuyên truyền, vận động về cơ chế, chính sách của Nghị định 67 chưa thật sự sâu rộng dẫn đến người dân bỡ ngỡ, lo ngại, không mạnh dạn đăng ký.

Tại buổi làm việc với ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng: Nghị định 67 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp bà con ngư dân phát triển KT-XH và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Vì vậy, ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến huyện, xã cần vào cuộc quyết liệt hơn để triển khai thực hiện theo tiến độ, đảm bảo kế hoạch. Theo đó, không nhất thiết phải là những chủ tàu có công suất từ 90 CV trở lên mà mở rộng đến tất cả ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau đó, huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành tổ chức họp toàn bộ chủ tàu cùng các ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 67. Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, huyện mở rộng đối tượng để tìm chủ tàu có nhu cầu đăng ký tham gia. Huyện tập trung tuyên truyền rộng rãi, phân tích sâu về chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng loại tàu; hướng dẫn các quy trình về thủ tục hồ sơ vay vốn, phương án sản xuất, kinh doanh... cho hầu hết ngư dân các xã vùng biển Cẩm Hòa, Cẩm Dương, Cẩm Lộc, Cẩm Nhượng, Thiên Cầm...

Cùng với các địa phương, ngành NN&PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ chủ tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc để ký hợp đồng tín dụng. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư cho ngư dân; hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; vận hành kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast