Chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn vụ hè thu

(Baohatinh.vn) - Nguy cơ hạn hán xẩy ra khốc liệt trong năm 2016 ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh về những giải pháp nhằm phòng chống hạn kịp thời, hiệu quả.

Lượng mưa thấp làm thiếu hụt nguồn nước khiến vụ hè thu 2016 ở Hà Tĩnh đối mặt nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng

Lượng mưa thấp làm thiếu hụt nguồn nước khiến vụ hè thu 2016 ở Hà Tĩnh đối mặt nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng

- Thưa ông, với trữ lượng nước trong các hồ đập ở thời điểm hiện tại, dự kiến có đáp ứng đủ cho sản xuất năm nay hay không?

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino trong năm 2015 nên đầu năm 2016, lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh xuống rất thấp. Tính đến ngày 7/4/2015, dung tích các hồ chứa phổ biến đạt từ 48-70% so với dung tích thiết kế. Nhiều hồ chứa lớn có dung tích đạt rất thấp như: Vực Trống (35,2%), Đập Làng (36,1%)… Nhìn chung, lượng nước các hồ chứa đến thời điểm hiện tại đạt khá thấp so với trung bình hàng năm và cùng kỳ năm 2015, đặc biệt là hồ Kẻ Gỗ, Thượng Tuy, các hồ chứa thuộc vùng trà sơn huyện Can Lộc, một số hồ ở vùng Hương Khê.

Đặc biệt, trong 10 hồ chứa nước lớn đã đưa vào khai thác và sử dụng có dung tích trên 10 triệu m3 (8 hồ chứa trực tiếp cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh), hiện tại, mực nước đạt rất thấp; tổng dung tích các hồ chứa này chỉ đạt 284/609 triệu m3 (đạt 46,6% thiết kế). Từ nay đến kết thúc vụ xuân 2016 vẫn còn 2-3 đợt tưới, về cơ bản, lượng nước trên các công trình hồ, đập sẽ đảm bảo cấp đủ cho diện tích lúa vụ xuân năm 2016.

Tuy nhiên, với tình hình thiếu hụt lượng nước trong các hồ chứa như hiện tại và nhận định khí tượng thủy văn thì nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu năm 2016 là rất lớn. Kèm theo đó, khả năng xâm nhập mặn trên các sông xuất hiện sớm với nồng độ cao sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho hệ thống trạm bơm, đặc biệt là hệ thống trạm bơm lấy nước sông Nghèn (Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ), sông Nhà Lê (Kỳ Anh), sông Lam (Nghi Xuân).

- Trước tình hình này, các cấp, ngành liên quan cần chủ động triển khai những giải pháp gì để phòng chống hạn kịp thời, hiệu quả?

Để chủ động phòng chống hạn kịp thời, hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành NN&PTNT đang triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 26/10/2015 và các văn bản của UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2016. Theo đó, tổ chức rà soát, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước thực tế ở các hồ đập, sông suối của từng vùng, khu vực để xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, xác định rõ diện tích chủ động nước để gieo cấy lúa, diện tích không chủ động nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vận hành, điều tiết, phân phối sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm.

Đối với các hồ chứa thiếu nước để tưới đồng loạt, những đơn vị chủ quản phải tổ chức tưới luân phiên, phân chia nước phải hợp lý, tránh tình trạng tranh chấp về nước. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra nồng độ nhiễm mặn để có kế hoạch đóng, mở các cống ngăn mặn - giữ ngọt hợp lý. Các chủ bơm phải đo mặn trước lúc bơm nước lên ruộng (theo khuyến cáo của Viện Nông hóa thổ nhưỡng, độ mặn trong nước >1,28‰ không được bơm tưới cho lúa).

Ngoài ra, bà con nông dân phải tổ chức đắp bờ giữ nước tại chân ruộng sau khi kết thúc vụ xuân; tổ chức khảo sát, đánh giá những trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch có thể đắp tạm nhằm giữ nước tại chân ruộng và lượng nước hồi quy để bơm tát, chống hạn. Lập kế hoạch bổ sung lắp đặt máy bơm dã chiến, lập phương án chuyển nước tạo nguồn ở các công trình khác khi cần thiết để chống hạn.

Điều hết sức quan trọng là các địa phương, đơn vị, các hộ sử dụng nước phải thực sự có ý thức tiết kiệm, từ đó dẫn nước, sử dụng hợp lý, tránh lãng phí để dành nước cho vụ hè thu sắp tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast