Cuộc đua cân sức

(Baohatinh.vn) - Năng suất lúa xuân tiếp tục xác lập kỷ lục mới, đạt 56,06 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Bứt phá từ bước chuyển mình qua 3 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà gần như được “thay máu” với định hướng sản xuất hàng hóa ngày càng rõ rệt.

Giống chủ lực - “át chủ bài”…

Vào những ngày này, bà con nông dân các địa phương đang bước vào những ngày cuối cùng của kỳ thu hoạch lúa xuân. Niềm hân hoan được mùa lan tỏa từ đồng bằng lên miền núi, từ vùng lúa phía Bắc vào tận phía Nam. Có thể nói, chưa bao giờ, năng suất lúa xuân cao đồng đều như năm nay.

Năng suất lúa vụ xuân 2014 đạt cao và đồng đều giữa các địa phương.
Năng suất lúa vụ xuân 2014 đạt cao và đồng đều giữa các địa phương.

Theo tính toán sơ bộ, năng suất trung bình của toàn tỉnh đạt 56,06 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ năm 2013: 1,2 tạ/ha. Có vẻ như, vụ xuân 2014 là cuộc chạy đua khá cân sức cả về năng suất lẫn chất lượng nhóm giống chủ lực giữa các vùng miền khi kết quả “sát nút”: Vũ Quang (62,79 tạ/ha), Đức Thọ (62,7 tạ/ha), Cẩm Xuyên, Can Lộc và TX Hồng Lĩnh cùng đạt trên 57 tạ/ha… Kể cả ở những vùng khó, khoảng cách về năng suất cũng được rút ngắn: Lộc Hà (54,65 tạ/ha), TP Hà Tĩnh (55 tạ/ha)…

Chinh phục những dòng lúa mới, chất lượng, có phẩm cấp hàng hóa cao vẫn là đề tài chưa bao giờ lắng xuống ở các vùng lúa. Mỗi địa phương đều chọn cho mình một “con át chủ bài” để khẳng định mình: Can Lộc, Lộc Hà và Vũ Quang chọn BTE-1; Đức Thọ xây dựng thương hiệu bằng RVT và P6; những vùng lúa khác “chung thủy” với lúa thuần HT1, nếp 98.

Bác Võ Văn Dần (xóm Tây Vinh, Song Lộc - Can Lộc) cho biết: “Nông dân bây giờ đỡ vất vả hơn, có Nhà nước chỉ đường vạch lối nên chúng tôi cứ yên tâm mà thực hiện. Vụ xuân 2014, tôi làm 4 sào BTE-1 theo cơ cấu của huyện, năng suất đạt 4 tạ/sào. Mấy năm làm giống này, năm nào cũng được mùa, lúa lại dễ bán, mừng lắm cô chú ạ!”.

Khi giống đóng vai trò là trục xoay của cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu thì việc bố trí loại giống chủ lực trở thành khâu trọng yếu. Bộ giống chủ lực của tỉnh ta liên tục được “gọt giũa”, hiện nay, vụ xuân chỉ còn lại không quá 11 giống chủ lực, kể cả giống đặc thù (so với thời điểm bắt đầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu là 46 giống). Ưu việt hơn, đặc trưng hơn, việc rút dần số lượng giống trên đồng ruộng còn mang sứ mệnh tái cơ cấu nền sản xuất lúa gạo.

Xuân muộn “phủ” cơ cấu…

Vụ xuân này là bước chuyển tiếp thành công của hai vụ sản xuất sau chủ trương chuyển đổi cơ cấu, xóa bỏ trà xuân sớm, hạn chế mức thấp nhất trà xuân trung và tăng tối đa trà xuân muộn. Có tận mắt chứng kiến hình ảnh những cánh đồng cận kề ngày thu hoạch mới thấy được sự “lột xác” của cuộc cách mạng mùa vụ. Không còn cảnh “lộm nhộm” nơi chín rũ, nơi còn chắc xanh, cả cánh đồng dường như đồng nhất một màu vàng rộm, chạy dài tít tắp.

Nhiều địa phương trong tỉnh đưa phương tiện cơ giới vào tập trung thu hoạch lúa xuân đảm bảo thời vụ.
Nhiều địa phương trong tỉnh đưa phương tiện cơ giới vào tập trung thu hoạch lúa xuân đảm bảo thời vụ.

Ông Nguyễn Trí Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Từ thực tế đồng ruộng, vụ lúa xuân 2014, toàn tỉnh cơ cấu 84,4% trà xuân muộn, 18% trà xuân trung, xuân sớm gần như đã bị đánh bật ra khỏi sự lựa chọn của các địa phương. Với cơ cấu này, không chỉ năng suất, chất lượng được cải thiện mà áp lực về các loài sâu bệnh cũng giảm hẳn. Đặc biệt, năm nay xuất hiện càng nhiều vùng quy hoạch sản xuất đồng nhất một trà, một giống theo hướng liên kết hàng hóa”.

Tiến trình chuyển hóa này hoàn toàn đúng quy luật. Và, sự chín muồi hôm nay gắn kết những kết quả của cả quá trình biến quyết tâm của tỉnh thành nhận thức của người sản xuất. Tất nhiên, không thể phủ nhận yếu tố “thiên thời, địa lợi”, số diện tích lúa xuân trung, xuân sớm bị rét “quật” chết hồi đầu vụ đã tạo ra khoảng trống để các giống xuân muộn chiếm lĩnh vị trí. Ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc cho biết: “Đến thời điểm này, khi tiến độ thu hoạch của toàn huyện đạt 95% diện tích thì ở vùng bà con tự ý sản xuất giống IR 1820 thuộc các xã: Tiến Lộc, Xuân Lộc và thị trấn, lúa vẫn đứng giữa trời. Chẳng những thế, thời tiết khắc nghiệt đầu vụ đã làm cho giống vốn đã thoái hóa không thể chống chịu được ngoại cảnh, làm tụt giảm năng suất”.

Kể cả nhóm giống phổ biến hơn là X (thuộc xuân trung) cũng không còn “được lòng” bà con nông dân. Anh Nguyễn Văn Thành (Thạch Đài, Thạch Hà) chia sẻ: “Thay hai lần giống vì chết rét, may còn bổ sung kịp giống xuân muộn. Chắc từ năm sau, gia đình tôi sẽ không dùng giống Xi 23 cho ruộng nhà nữa”.

Nhóm về đồng nhất một cơ cấu, người nông dân không còn bị choáng ngợp trước “hằng hà sa số” mà các nhà cung ứng giống mời chào. Sản xuất theo đúng tôn chỉ, lúa gạo Hà Tĩnh đang dần khẳng định thương hiệu của mình, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững.

Ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Quản lý chặt chẽ cơ cấu, chất lượng giống từ đầu vụ

Cùng với cơ chế “mở cửa” về SXKD ngành giống lúa, những năm qua, một mặt tỉnh đã “tinh lọc” tìm bộ giống lúa chủ lực, cơ cấu lại bộ giống của tỉnh thì vẫn xảy ra “sự cố” đáng tiếc về chất lượng giống. Điển hình như QR1 (đông xuân 2012); DT 68, gia lộc 102 (vụ xuân 2013) và mới đây nhất là 80 tấn giống VTNA2 có tỷ lệ nảy mầm thấp. Từ vụ xuân 2014, Sở NN&PTNT tăng cường chặt chẽ quản lý nhà nước về cơ cấu và chất lượng giống. Theo đó, thành lập các tổ công tác về chỉ đạo sản xuất ở các địa phương; kiểm tra, rà soát tổng thể hồ sơ quản lý; kiểm định đặc tính cơ bản các loại giống cây trồng, nhất là giống lúa. Đồng thời, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về điều kiện kinh doanh, bản quyền tác giả, sản xuất thử, sản xuất giống chưa được công nhận... Vào cuối vụ, chúng tôi tổ chức đánh giá toàn diện các giống đã sản xuất, nhằm phân tích những đặc tính ưu việt để bố trí hợp lý cơ cấu, đồng thời loại bỏ những giống lúa kém chất lượng, không phù hợp.

Ông Trần Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Thống kê: Lựa chọn giống phù hợp sẽ tăng năng suất, chất lượng mùa vụ

Qua đánh giá bước đầu, sở dĩ vụ xuân 2014 đạt năng suất “đỉnh” nhất từ trước tới nay là nhờ sự lựa chọn cơ cấu bộ giống chủ lực có tiềm năng năng suất và chất lượng cao. Lấy ví dụ ở một vài địa phương như: Vũ Quang, sản xuất 1.094 ha thì có đến 800 ha lúa lai (chiếm 78%) với nhóm chủ lực BTE-1 (năng suất 83 tạ/ha), nhị ưu 838 và chỉ khoảng 10% giống còn lại có năng suất thấp, từ 53-54 tạ/ha. Sự lựa chọn này đã đưa lại cho Vũ Quang vị trí dẫn đầu về năng suất trên toàn tỉnh với 62,79 tạ/ha. Còn ở Đức Thọ, thấp hơn chút ít vì cơ cấu 30% nhóm giống có năng suất 52-54 tạ/ha và chỉ 20% cho nhóm năng suất trên 60 tạ/ha. Đổi lại, đây lại là địa phương dẫn đầu về nhóm giống chất lượng.

Ông Trần Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT Cẩm Xuyên: Thu hoạch nhanh nhờ cơ cấu 90% diện tích xuân muộn

Vụ xuân 2014, Cẩm Xuyên sản xuất gần 9.000 ha, trong đó cơ cấu 90% diện tích trà xuân muộn với các giống chủ lực: VTNA2, RVT, HT1, nếp 98… Nhờ bố trí đồng nhất một cánh đồng, một trà giống nên thời điểm trổ bông đến chín khá tập trung và đồng đều. Bắt đầu thu hoạch rộ vào khoảng 20/5, đến nay, cơ bản diện tích lúa của huyện đã thu hoạch xong. Chúng tôi đang tập trung nhân lực, máy móc làm đất hè thu, quyết tâm gieo cấy trước 10/6.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast