Đã hình thành 280 chuỗi thực phẩm sạch

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết tháng 4, đã có 35 tỉnh, thành có mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với tổng số 280 chuỗi. Các sản phẩm chính hình thành chuỗi là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản.

da hinh thanh 280 chuoi thuc pham sach

Sản phẩm của Mitraco Hà Tĩnh tham gia Tuần lễ “Nông sản an toàn 2016”

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng 1, Nafiqad cho biết tại hội thảo “Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn” do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 9/5.

Tuy có được nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhưng theo nhận định của ông Thuận, hiện nay, việc hình thành các chuỗi đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Điển hình như, một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định (mất liên lạc trong chuỗi).

Bên cạnh đó, khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình không đáp ứng  đủ yêu cầu tiêu thụ là một khó khăn cho việc gắn kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Giá bán sản phẩm của mô hình chưa đạt như mong muốn của người sản xuất.

Cũng theo ông Thuận, “hiện nay, việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có văn bản quy định nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai. Cùng với đó, chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi, người tiêu dùng khó phân biệt, chưa tin... nên việc phát triển chuỗi còn hạn chế”.

Đứng từ góc độ của DN tiêu thụ sản phẩm an toàn theo chuỗi, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH BigGreen Việt Nam cho biết: Hiện nay, khi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung và rau quả an toàn nói riêng cần lượng vốn lớn và thời gian dài nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn.

“Kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rau quả an toàn nói  riêng của người dân còn hạn chế nên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (đặc biệt là sản phẩm rau quả) đang bị hàng Trung Quốc cạnh tranh gay gắt về mẫu mã và giá cả”, ông Hưng nhấn mạnh. Ví dụ như khoai tây Đà Lạt đang nhập với giá 24.000-25.000 đồng/kg nhưng khoai tây Trung Quốc giá chỉ từ 15.000-16.000/kg. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp để người dân nhận biết, phân biệt rõ các loại mặt hàng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ đã ban hành đề án về sản xuất an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2013- 2020. Từ năm 2013 -2015, thí điểm triển khai các mô hình sản xuất an toàn. Giai đoạn từ 2015- 2020, tập trung nhân rộng các mô hình và tổng kết các kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế nhằm thúc đẩy sản xuất nông sản theo chuỗi. Cung cấp các loại thực phẩm an toàn được xác định tới người tiêu dùng. Bộ đã giới thiệu 69 chuỗi sản phẩm an toàn.

Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, tăng cường thông tin về các chuỗi sản xuất nông sản an toàn được xác nhận nhằm kết nối các địa chỉ xanh tới tay người tiêu dùng, ông Tám cho biết thêm.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast