Diện tích trồng cam phát triển "nóng" (Bài 2): Tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ “vỡ trận”...

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đang tập trung mở rộng diện tích trồng cam, nhất là ở Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê. Điều này tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng thừa, chất lượng sản phẩm không được cải thiện...

dien tich trong cam phat trien nong bai 2 tiem an nhieu rui ro nguy co vo tran

Phát triển diện tích rầm rộ dẫn tới khan hiếm nguồn cây giống chất lượng. Trong ảnh: Người dân mua cây giống tại DN tư nhân Tân Thanh Phong ở Hương Khê.

Cả nước hiện đang có khoảng 90.000 ha cam, tăng 10.000 ha so với cuối năm 2016. Trước thực trạng này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản gửi sở NN&PTNN các tỉnh khuyến cáo việc cần phát triển cây ăn quả hợp lý, trong đó có cây cam, tránh tình trạng được mùa mất giá, thị trường phải tham gia giải cứu và nguy cơ “vỡ trận”...

Còn cách đây 3 năm, khi góp ý cho các địa phương miền núi xây dựng chiến lược sản xuất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn (lúc đó đang là Giám đốc Sở NN&PTNT) cũng đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước thực trạng nông dân đua nhau trồng cam. Vị “tư lệnh” ngành lúc đó cũng đã đề nghị các địa phương nghiêm túc soát xét, đánh giá, quy hoạch để có hướng phát triển loại cây đặc sản này. Tuy nhiên, sự trăn trở, lo lắng đó chưa được cân nhắc, xử lý thấu đáo...

dien tich trong cam phat trien nong bai 2 tiem an nhieu rui ro nguy co vo tran

Thay vì thương lái đến tận nhà thu mua như trước đây, vài năm nay, người làm vườn đã phải trực tiếp mang sản phẩm ra chợ bán. Có thể đây là dấu hiệu báo trước cho một cuộc khủng hoảng thừa...

Và thực tế cũng đã cho thấy những tín hiệu bất ổn liên quan đến việc phát triển cam ồ ạt, thiếu quy hoạch, quản lý như hiện nay. Theo thống kê, đến vụ cam 2017, toàn tỉnh hơn 3.377ha cho quả, tăng 45% so với năm 2016. Do chỉ quan tâm mở rộng diện tích, chưa thực sự chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng nên năng suất bình quân chỉ đạt 106 tạ/ha, thậm chí có một số vụ chỉ đạt 96 tạ/ha. Trong khi đó, cây cam ở Cao Phong (Hòa Bình) có thể đạt 300 tạ/ha/vụ...

Diện tích cam được mở rộng, mỗi năm có thêm gần 1.000 ha cam cho quả nên sản lượng cũng tăng nhanh. Điều này làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ và giá cả. Nếu cách đây hơn 3 năm, người trồng cam ở Hà Tĩnh đặc biệt vui mừng vì giá cam vào thời điểm chính vụ được bán từ 50-70 ngàn đồng/kg, còn tết có thể lên đến 140-155 ngàn đồng/kg, thương lái vào tận nhà để mua, cam không có để bán.

Thế nhưng vụ cam vừa rồi chỉ bán được với giá đại trà 30-35 ngàn đồng/kg, thời kỳ cao điểm nhất được bán từ 55-60 ngàn đồng/kg. Chính vụ, cam được bày bán tràn lan khắp các gõ ngách, khu chợ, ven các tuyến đường...

dien tich trong cam phat trien nong bai 2 tiem an nhieu rui ro nguy co vo tran

Giống không đảm bảo, quy trình chăm sóc chưa đạt chuẩn nên nhiều diện tích cam cho quả kém chất lượng, hỏng và rụng nhiều..

Ngoài vấn đề đầu ra, giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng là một vấn đề đáng bàn khi diện tích cam được mở rộng ồ ạt. Do thiếu giống, thiếu kinh nghiệm, không am hiểu KHKT, trồng ở những vùng đất không phù hợp nên cây cam phát triển chậm, chất lượng quả kém.

Cá biệt, có những trường hợp cam đến thời kỳ thu hoạch nhưng người dân phải ngậm ngùi chặt bỏ vì trồng phải “cam ngây” như hàng chục hộ dân ở Hương Thủy (Hương Khê) cách đây mấy tháng...

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cam xã Đức Bồng phản ánh: "Hiện nay, do mở rộng diện tích ồ ạt, giống đưa vào sản xuất không đảm bảo chất lượng nên chỉ có khoảng 60-70% diện tích cam ở Vũ Quang cho sản phẩm đạt yêu cầu. Điều này không chỉ có những hộ trồng bị ảnh hưởng mà nó còn tác động đến thương hiệu và thị trường tiêu thụ của cam Vũ Quang...

dien tich trong cam phat trien nong bai 2 tiem an nhieu rui ro nguy co vo tran

Để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng thì không nên tiếp tục mở rộng diện tích mà cần đầu tư thâm canh theo hướng Vietgap.

Ông Phan Văn Huân - Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh) cho rằng: "Trước thực trạng cây cam, nhất là cam chanh phát triển "nóng", chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo ngành khuyến cáo các địa phương không nên mở rộng diện tích, hạn chế cây cam "tấn công" đất lâm nghiệp. Thay vào đó là cần duy trì diện tích hiện có, tập trung thâm canh, đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...".

Và mới đây, ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cũng lưu ý rằng: "Hương Sơn và các huyện miền núi khác cần cẩn trọng khi phát triển cây ăn quả có múi, nhất là cây cam. Bởi đây là cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nguy cơ "vỡ trận", khủng hoảng thừa là điều rất dễ xẩy ra. Vì vậy, các địa phương cần kiểm tra, rà soát, có quy hoạch hợp lý để phát triển loại cây trồng này một cách hợp lý..."

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast