Dự án bò Bình Hà: Dân lao đao vì mất tư liệu sản xuất!

(Baohatinh.vn) - Theo thuyết minh, Dự án nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi nhuận bình quân hàng năm từ 1.000-1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.000 lao động địa phương ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, “cái được” chưa thấy đâu mà chỉ thấy ngay khi dự án khởi động, cuộc sống của người dân nơi đây bị “xáo trộn” vì bị mất tư liệu sản xuất vốn có từ xưa tới nay...

Dự án bò Bình Hà: Dân lao đao vì mất tư liệu sản xuất!

Hàng trăm ha đất rừng đã bị chặt để nhường chỗ cho đại Dự án chăn nuôi bò

Bồi thường quá thấp

Để có đất phục vụ dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho doanh nghiệp thuê 6.119 ha đất rừng và đất lâm nghiệp tại hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Tại huyện Cẩm Xuyên, giai đoạn 1 có 477 ha đất bị thu hồi với 90 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng kinh phí đền bù là 31,6 tỷ đồng. Đến thời điểm này, còn 32 hộ vẫn chưa đồng ý với phương án đền bù nên chưa nhận tiền.

Anh Võ Tá Nhân - Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Theo quyết định, các hộ sử dụng đất trước ngày 1/7/2004 chỉ được bồi thường về đất, không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp tạo việc làm; hộ sử dụng đất sau ngày 1/7/2004 chỉ được hỗ trợ 50% tài sản và 30% chi phí đầu tư vào đất; hộ dân sử dụng đất sau ngày 1/7/2004 nhưng nằm trên đất của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thì chỉ được hỗ trợ 50% tài sản trên đất. Chính sách bồi thường quá thấp, không phù hợp với thực tế giá trị sinh lợi của đất lâm nghiệp nên các hộ dân không đồng ý”. Theo quy định của Luật Đất đai 2013, dự án này không thuộc đối tượng dự án nhà nước thu hồi đất (thuộc đối tượng dự án phát triển kinh tế nhà đầu tư tự thỏa thuận) nên khi các hộ dân không ký vào biên bản kiểm kê thì địa phương không thể tiến hành các biện pháp áp giá, cưỡng chế.

Dự án bò Bình Hà: Dân lao đao vì mất tư liệu sản xuất!

Đến thời điểm này, nhà đầu tư đã trồng được 900 ha cỏ giống Pakchong trên nền diện tích rừng lâm nghiệp đã thu hồi.

Với chính sách bồi thường như hiện nay của dự án, một số hạng mục người dân tự làm không được sự đồng ý của chủ rừng như: khối lượng đào hồ giữ nước, đắp đập ngăn hồ, hệ thống đường điện... không được bồi thường hỗ trợ khiến các hộ dân kịch liệt phản đối. Không đồng tình với phương án đền bù, nhiều hộ dân đã gửi đơn “cầu cứu” các ngành chức năng.

Trong số hàng chục đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng, đa số người dân đều “khóc ròng” vì việc bồi thường quá thấp.

Dự án bò Bình Hà: Dân lao đao vì mất tư liệu sản xuất!

Đơn kêu cứu của người dân vì bị mất tư liệu sản xuất sau khi dự án triển khai.

Ông Bùi Đức Chiến (Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) cho biết: “Mặc dù tôi đã ký vào biên bản kiểm kê nhưng chưa nhận tiền đền bù vì số tiền đền bù quá thấp. Nhận tiền rồi chúng tôi biết làm nghề gì để sống đây?. Chủ đầu tư dự án không có chính sách liên kết với các hộ có đất để trồng cỏ thực hiện dự án như theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại thông báo Kết luận số 430/TB-UBND ngày 11/9/2015 nên chúng tôi rất bức xúc”.

Do không đạt được thỏa thuận với người dân, giai đoạn 1 tại huyện Cẩm Xuyên vẫn còn 107 ha đất chưa bàn giao cho chủ đầu tư. Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Cẩm Xuyên thông tin thêm: “Giai đoạn 2 sẽ vô cùng khó khăn vì hầu hết các hộ không hợp tác để kiểm kê, không chịu ký vào biên bản kiểm kê khối lượng. Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã làm việc và tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng các hộ vẫn không phối hợp”.

Dân mất tư liệu sản xuất

Nhằm phục vụ cho dự án nuôi bò của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, hàng trăm ha rừng thông, keo, bạch đàn… đã hơn 10 năm tuổi trên địa bàn xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) bị đốn hạ. Ông Trần Văn Trung - một trong số những hộ dân có rừng thông bị chặt cho biết: “Khoảng mười năm trước, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, gia đình tôi đã mạnh dạn nhận 5 ha rừng thông với mong muốn có thể thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch được khoảng một tấn rưỡi nhựa, bán được 50 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng, chúng tôi thu nhập từ nhựa thông khoảng 8 triệu đồng”.

Dự án bò Bình Hà: Dân lao đao vì mất tư liệu sản xuất!

Cây thông - nguồn thu nhập chính của người dân bị chặt hạ để nhường chỗ cho “siêu dự án”.

Cũng theo ông Trung, cây thông cho nhựa khoảng 9 tháng/năm và có thể khai thác trong thời gian gần 20 năm, sau đó, khai thác gỗ để bán; gỗ thông cũng dễ tiêu thụ. Không chỉ gia đình ông Trung, rất nhiều hộ dân ở xã Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Mỹ vươn lên thoát nghèo nhờ cây thông. “Có rừng thông, người dân chúng tôi có cơ sở để tự tin trên con đường xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bây giờ chặt bỏ hàng trăm ha rừng thông này thì chúng tôi mất đi miếng cơm manh áo, lại mất đi nguồn thu nhập chính, rồi cuộc sống lại nghèo đói như xưa. Cái lợi, cái được đâu chưa thấy, nhưng cái hại là mất đất sản xuất đã thấy rồi” - ông Trung cho biết thêm.

Không chỉ có hàng trăm ha rừng thông bị đốn hạ, để phục vụ cho siêu dự án, hơn 1.000 ha rừng cao su sắp đến thời kỳ khai thác cũng đã và sẽ bị chặt bỏ không thương tiếc. Hệ lụy của nó là hàng ngàn công nhân của nông trường cao su mất việc, bơ vơ, người dân mất rừng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Ninh - Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết: “Việc chuyển đổi mục đích hàng ngàn ha rừng sang chăn nuôi bò đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhiều hộ dân. Sau khi chuyển đổi, một số hộ dân sẽ thiếu việc làm, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập. Theo phản ánh từ người dân, một số diện tích rừng thông dự kiến quy hoạch trồng cỏ giai đoạn 2 có địa hình cao dốc, đá lộ đầu nhiều, nằm trong khu vực quân sự và gần khu mộ đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập là không phù hợp, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét để tham mưu cho UBND tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, tránh bức xúc trong dư luận”.

Theo báo cáo ngày 1/9/2016 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh về tình hình thực hiện của dự án gửi Sở NN&PTNT đánh giá: “Đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư chưa thực hiện đúng mục tiêu và cam kết của dự án là phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao và tổ chức liên kết nuôi bò, trồng cỏ với người dân địa phương”.

Như vậy, cái được mà “siêu dự án” vẽ ra chưa thấy đâu nhưng thiệt thòi mà người dân phải gánh chịu thì đã hiển hiện. Trong lúc đó, vấn đề ô nhiễm môi trường từ khi dự án triển khai lại đang “nóng” lên từng ngày, khiến người dân và chính quyền vô cùng bức xúc...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast