Giải phóng sức lao động cho nông dân Hương Sơn

(Baohatinh.vn) - Là huyện miền núi, địa hình đồng ruộng phức tạp nhưng những năm gần đây, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị sản xuất.

Giải phóng sức lao động cho nông dân Hương Sơn

Người dân Sơn Giang dùng máy bừa làm đất sản xuất vụ hè thu...

Ở xã Sơn Bằng, mùa gặt, mùa gieo hay đang lúc cày bừa, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh máy móc đang làm việc thay thế sức người. Theo thống kê, hiện toàn xã có 23 máy lồng đất, 10 máy gieo xạ, 200 máy gặt tay và là nơi đầu tiên trong huyện có máy gặt đập liên hoàn. Với số lượng máy móc hiện có đã không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất, giải phóng sức lao động cho người nông dân mà còn phục vụ nhu cầu sản xuất cho các vùng lân cận.

Ông Nguyễn Đình Biên - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bằng cho biết: “Ngoài “thẩm thấu” của các chính sách hỗ trợ, ý thức của người dân, sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì điều kiện thuận lợi và cũng là tiền đề quan trọng nhất để đưa máy móc về đồng ruộng Sơn Bằng là nhờ cuộc “cách mạng” chuyển đổi ruộng đất lần 2. Qua đó giúp toàn xã giảm được 3.787 thửa, người dân đã gạt bỏ được tư tưởng ruộng nhỏ cũng được nhưng phải có tốt, có xấu, có sâu, có cạn, có gần, có xa. Khi chuyển đổi xong, xã đã huy động hàng trăm ca máy, gần 2 tỷ đồng để cải tạo đồng ruộng và làm 7 tuyến đường nội đồng đến các vùng chuyên canh lúa, màu, giúp máy móc dễ bề hoạt động”.

Giải phóng sức lao động cho nông dân Hương Sơn

Với 23 máy lồng đất hiện có, nông dân Sơn Bằng đã giải phóng được sức lao động và chủ động trong khâu làm đất

Không chỉ Sơn Bằng mà việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang phát triển rất sâu rộng và trở thành nhu cầu bức thiết của người nông dân Hương Sơn. Vì vậy, trên địa bàn đang có hàng ngàn máy móc các loại từ thô sơ đến hiện đại, đưa vào phục vụ trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Theo thống kê, hiện nay, ở Hương Sơn, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 85%, thu hoạch đạt 80%, vận chuyển đạt 65%. Không chỉ trên đồng ruộng mà số lượng máy móc dùng để bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể với 180 cơ sở xay xát lúa gạo, 13 cơ sở chế biến lạc, 2 cơ sở chế biến chè, 3 cơ sở giết mổ...

Giải phóng sức lao động cho nông dân Hương Sơn

Máy gặt đập liên hoàn rút ngắn thời gian thu hoạch

Để góp phần đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa ngày càng cao, làm chủ máy móc, thiết bị, KHKT trong sản xuất, Hương Sơn luôn chú trọng công tác đào tạo, trang bị nghề cho lao động nông thôn. Theo ước tính, bình quân mỗi năm trên địa bàn có khoảng 400 lượt nông dân được tập huấn, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng máy móc, nông cụ, nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo lên 48%.

Giải phóng sức lao động cho nông dân Hương Sơn

Nông dân xã Sơn Trung cắt cỏ chăn nuôi trâu bò bằng máy cắt cầm tay...

Cùng đó, huyện cũng đã xây dựng, triển khai tốt các cơ chế, chính sách được huy động để đẩy nhanh phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ngoài các chính sách của tỉnh thì hầu như trong tất cả các chính sách, nghị quyết do huyện ban hành đều đề cập, ưu tiên cho cơ giới hóa sản xuất. Theo ước tính, bình quân mỗi năm toàn huyện huy động, đầu tư trên 100 tỷ đồng cho lĩnh vực “tam nông”, trong số này đã giành một phần quan trọng cho cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast