Giết mổ gia súc tập trung: Quản lý lỏng lẻo, nguy cơ dịch bệnh cao

(Baohatinh.vn) - Giết mổ gia súc không đưa vào lò mổ tập trung thời gian gần đây đang dấy lên lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh tăng cao. Nguyên nhân một phần do nhiều địa phương quản lý lỏng lẻo, chưa thật sự vào cuộc quyết liệt.

Buông lỏng quản lý

Xã Cẩm Thịnh có 9 hộ dân làm nghề giết mổ nhưng có đến 4 hộ không đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung theo quy định. Qua kiểm tra công tác quản lý giết mổ thì hầu như các văn bản được chỉ đạo, ký cam kết với các hộ đều ở thời điểm 2015. Qua đó cho thấy vai trò chỉ đạo của chính quyền địa phương gần đây còn thiếu quyết liệt.

giet mo gia suc tap trung quan ly long leo nguy co dich benh cao

Tăng cường quản lý, đưa gia súc vào cơ sở giết mổ gia súc tập trung.

Ông Trần Đình Kiếm - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh lý giải: Việc xử lý các hộ giết mổ không đưa vào lò mổ tập trung còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng “mỏng”; một số hộ có biểu hiện chống đối khi bị kiểm tra nên cần huyện tăng cường phối hợp với xã để xử lý.

Ở Đức Thọ, số lượng gia súc đưa vào các cơ sở giết mổ tập trung đạt thấp, cụ thể như các cơ sở giết mổ Đức Đồng và Đức Nhân mỗi ngày giết mổ được 5 con lợn, 2 con bò; cơ sở giết mổ Đức Yên 14 con lợn, 4 con bò; cơ sở giết mổ Đức Dũng 10 con lợn, 1 con bò. Đáng nói, một số xã như Đức Lạng, Liên Minh, Thái Yên vẫn để diễn ra tình trạng giết mổ tại nhà mà chưa xử lý; sổ ghi chép của cán bộ làm kiểm soát giết mổ chưa đầy đủ thông tin.

“Qua đợt kiểm tra hầu hết các xã đều báo cáo có văn bản chỉ đạo, thành lập đoàn kiểm tra và tuyên truyền, ký cam kết tới các hộ làm nghề giết mổ gia súc nhưng lại không xuất trình được các văn bản. Những tồn tại về công tác quản lý giết mổ gia súc tại một số địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm tình trạng giết mổ tại gia” - ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay.

Cần xử lý nghiêm

Sau khi lựa chọn một số xã yếu kém nhất trên địa bàn 6 huyện, thị để kiểm tra, đoàn công tác liên ngành đã làm việc với các huyện để chỉ ra những tồn tại, đồng thời có hướng khắc phục.

Ông Trần Hữu Duyệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ rà soát, tăng cường kiểm tra về công tác quản lý giết mổ gia súc tại các địa phương, qua đó, đánh giá khách quan về những tồn tại, yếu kém để kịp thời chấn chỉnh. Theo đó, bắt buộc các hộ làm nghề giết mổ gia súc phải ký cam kết đưa gia súc vào lò mổ tập trung, nếu phát hiện vi phạm, phải xử lý nghiêm. Những xã nào để xẩy ra tình trạng trên thì đề nghị Chủ tịch UBND huyện nghiêm túc phê bình, kiểm điểm cá nhân chủ tịch UBND xã đó.

Còn ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho rằng: Để làm tốt công tác quản lý giết mổ, trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn khi mua thực phẩm an toàn đã qua kiểm soát giết mổ. Mặt khác, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo ban quản lý các chợ tuyệt đối không cho các tiểu thương đưa thịt gia súc vào chợ kinh doanh nếu chưa thực hiện theo đúng quy định.

“Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung là bước “đột phá” của tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Để duy trì 31 cơ sở giết mổ tập trung thì tất cả gia súc phải được đưa vào giết mổ tại đây. Từ nay cho đến tết Nguyên đán 2018, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chắc chắn tăng cao. Vì vậy, các xã phải làm tốt công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý nhằm “răn đe” các tổ chức, hộ kinh doanh thì mới đạt được kết quả cao” - ông Nguyễn Khắc Khánh nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast