Hà Tĩnh: Nhiều héc-ta rừng “suy kiệt” vì... thiếu vốn!

(Baohatinh.vn) - Nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng, rừng ngập mặn trên khắp địa bàn Hà Tĩnh đang có nguy cơ suy kiệt vì... thiếu vốn. Trong đó, do không có kinh phí để hợp đồng khoán cho người dân địa phương chăm sóc, 850 ha rừng phòng hộ đã trồng ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh hiện đang bị thực bì, dây leo, cây bụi... lấn át, phủ kín, có nguy cơ mất rừng.

ha tinh nhieu hec ta rung suy kiet vi thieu von

Cùng trồng một đợt nhưng cây lim xanh này không được chăm sóc, phát dọn thực bì, bị tán cây che nên phát triển kém.

Mặc cho tiết trời tháng 8 “đỏng đảnh” chợt mưa, chợt nắng, tôi vẫn cố bám 2 cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kẻ Gỗ đi “tìm” diện tích rừng phòng hộ đã trồng của đơn vị. Ngược núi mải miết đi, cuối cùng tôi cũng tới được lô A7, khoảnh 3, tiểu khu 299A (thuộc địa phận xã Thạch Điền, Thạch Hà). Quá ngạc nhiên vì chẳng thấy bất kỳ cây lim xanh (cây bản địa) nào trên 10 ha rừng phòng hộ đã trồng như anh Nguyễn Tiến Dũng - cán bộ Ban Quản lý KBTTN đi cùng nói với tôi trước đó. Trước mặt là cây bụi, sim, mua, tiến vọt... điệp trùng.

Anh Nguyễn Đình Chiến - cán bộ bảo vệ rừng Trạm số 5, đi cùng, giải thích: “Anh không thấy cũng phải vì hiện diện tích rừng trồng phòng hộ ở đây đã bị cây dại chèn lấn, phủ kín, có nguy cơ chết nếu không được phát dọn dây leo, bụi rậm, mở tán... đúng quy trình kỹ thuật”.

Tại lô A6, khoảnh 1, tiểu khu 299C, đơn vị này cũng đã trồng 17 ha rừng phòng hộ là cây lim xanh cũng cơ bản chung tình cảnh tương tự: Cây bụi phủ kín, chèn ép cây phòng hộ. Nói cơ bản vì tại lô này có một số diện tích đã được người dân nhận khoán chăm sóc đã phát dọn thực bì, vun gốc được một lần sau tết. Dù số diện tích này cũng đang bị cây bụi dần lấn át nhưng nó vẫn phát triển xanh tốt và khỏe mạnh hơn rất nhiều so với diện tích chưa được phát dọn lần nào trong năm.

Theo anh Nguyễn Tiến Dũng: “Những tháng đầu năm, khi chưa được bố trí kinh phí, đơn vị đã vận động các hộ nhận khoán thực hiện kế hoạch chăm sóc năm 2017 để giúp cây trồng phòng hộ phát triển tốt... Nhưng mãi đến tháng 8 vẫn chưa được bố trí kinh phí năm 2017 thì “năn nỉ” cũng không hộ nào nghe nữa. Họ đồng loạt bỏ đó, không làm nữa, mặc cây bụi lấn át cây chính...”.

ha tinh nhieu hec ta rung suy kiet vi thieu von

Nếu được phát dọn thực bì, cây bụi cây sẽ phát triển tốt

Theo văn bản đơn vị này trình Sở NN&PTNT, hiện tại, rừng mới trồng của đơn vị qua các năm cần được chăm sóc năm 2017 là 210 ha. Trong đó, chăm sóc năm 1 (rừng trồng năm 2016) là 30 ha; chăm sóc năm 2 là 50 ha; chăm sóc năm 3 là 130 ha.

Cũng theo văn bản trên, 210 ha rừng mới trồng đến nay hầu hết đang bị các loại cây tự nhiên mọc nhanh, dây leo lấn át. Đặc biệt, đối với diện tích cây bản địa nếu không được phát dây leo bụi rậm, mở tán đúng theo quy trình kỹ thuật và thực hiện 1 năm 2 - 3 lần chăm sóc thì nguy cơ sẽ bị chèn ép, còi cọc hoặc chết. Song hiện tại, đơn vị không có nguồn kinh phí để thực hiện.

Không chỉ Ban quản lý KBTTN Kẻ Gỗ, hiện toàn tỉnh có 835 ha rừng phòng hộ đã trồng trong 3 năm qua cần có kinh phí chăm sóc trong năm 2017 của các đơn vị chủ rừng nhà nước đều có chung số phận. Các chủ rừng này đã có kiến nghị hoặc gửi văn bản lên Sở NN&PTNT tỉnh nói rõ nguy cơ mất rừng, gây lãng phí lớn, đồng thời, xin bố trí kinh phí chăm sóc rừng năm 2017.

Theo các chủ rừng, mỗi ha từ trồng đến chăm sóc hết khoảng 20 triệu đồng. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã có Văn bản số 1045, ngày 8/6/2017 gửi UBND tỉnh. Văn bản có đoạn: “...Trường hợp chưa cân đối đủ nguồn vốn, đề nghị Trung ương bố trí trước mắt 2.430 triệu đồng để thực hiện chăm sóc 835 ha rừng đã trồng, cần chăm sóc năm 2017... Nếu không được Trung ương bố trí kinh phí, đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí 2.430 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện chăm sóc 835 ha rừng nói trên”.

Được biết, theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020 được giao là 59 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh chưa được bố trí kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2017 để thực hiện các nhiệm vụ lâm sinh như: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng theo nghị quyết của Quốc hội, chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng đã trồng trong năm 2014, 2015, 2016. Gần 1.000 ha rừng phòng hộ đã trồng đang có nguy cơ chết, gây lãng phí lớn, nếu còn tiếp tục chậm trễ trong công tác chăm sóc, bảo vệ!

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast