Hành trình xây dựng thương hiệu lúa, gạo Đức Thọ

(Baohatinh.vn) - Nhằm từng bước xây dựng thương hiệu lúa Đức Thọ trên nền tảng kiểm soát tốt khâu sản xuất cũng như tổ chức kết nối sản xuất, vụ xuân năm 2016, Tiểu ban quản lý dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh đã tiếp tục thực hiện mô hình “Sản xuất vùng lúa tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm” tại 5 xã thuộc huyện Đức Thọ. Kết quả đạt được đã tiếp tục khẳng định hiệu quả, tính bền vững của mô hình.

Sản xuất vùng lúa tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm

Chuỗi sản phẩm lúa bắt đầu thực hiện từ vụ hè thu năm 2014, tại các xã Đức An, Đức Long, Đức Thủy, Bùi Xá và Đức Tùng đến nay đã qua 4 vụ sản xuất.

Vụ xuân năm nay, chuỗi lúa được thực hiện trên diện tích 381,5 ha với sự tham gia của 1.879 hộ tại 5 xã vùng dự án. Dự án đã cung cấp 21.660 kg lúa P6, 1.230 kg lúa thiên ưu và hướng dẫn bà con thực hiện theo quy trình một cánh đồng một giống, tập trung quy mô lớn, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật từ lịch thời vụ, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch.

hanh trinh xay dung thuong hieu lua gao duc tho

Tiết kiệm chi phí, đầu ra ổn định hình thức sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đang được người nông dân các xã vùng dự án lựa chọn.

Mặc dù ban đầu có những khó khăn về thời tiết, khí hậu nhưng cán bộ kỹ thuật dự án đã cùng với bà con từng bước khắc phục. Kết quả thống kê cho thấy, năng suất giống P6 ở các xã tương đối đồng đều, bình quân đạt 58 tạ/ha (ngang bằng với các giống dòng X). Và khi thực hiện phép tính kinh tế thì việc sản xuất lúa P6 trong vụ xuân năm 2016 có lợi nhuận tăng thêm so với giống Xi23 gần 270.000 đồng/sào.

Chị Nguyễn Thị Tuy (Đức An) cho biết: “Cả 2 giống lúa P6 và thiên ưu đều cho sản phẩm gạo chất lượng cao, tuy nhiên, giống P6 chịu rét tốt hơn. Điều khiến chúng tôi mừng nhất khi tham gia chuỗi lúa chính là chi phí sản xuất thấp hơn các loại giống trước đây. Hơn nữa, được sự hỗ trợ về tìm kiếm thị trường và bao bì, nhãn mác nên sản phẩm gạo đã bắt đầu được nhiều người biết đến. Các tổ chức thu mua tự tìm đến tận nhà và giá cả ổn định nên chúng tôi càng yên tâm sản xuất”.

Cùng với hiệu quả kinh tế, việc sản xuất lúa theo chuỗi giá trị cũng tạo ra nhiều hiệu quả xã hội, tác động lớn đến nhận thức và hành vi của người nông dân. Qua quá trình triển khai chuỗi lúa giúp nông hộ thay đổi nhận thức, coi trọng sản xuất tập thể và liên kết để tạo lợi nhuận bền vững. Không chỉ là một thử nghiệm đơn thuần, người nông dân đã có một cuộc chuyển đổi lớn về phương thức sản xuất: từ gieo trồng tiểu nông, nhỏ lẻ sang canh tác hợp tác có tổ chức ở quy mô lớn hơn.

Ông Đinh Thế Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thủy cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ của mô hình, xã đã thành lập được 1 HTX thu mua. Qua 2 năm đi vào hoạt động, HTX đã thu mua hết các sản phẩm lúa trong mô hình nói riêng và sản phẩm lúa bà con sản xuất trong và ngoài xã, ngoài huyện nói chung. Ngoài ra, giữa bên sản xuất và bên thu mua đã tìm được tiếng nói chung để tạo sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng tốt, hướng tới phát triển gạo sạch, dần khẳng định thương hiệu gạo Đức Thủy, Đức Thọ trên thị trường”.

Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ môi trường của người nông dân khi tham gia mô hình này cũng được chuyển thành hành động thiết thực. Trên mỗi cánh đồng, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được thu gom đến các điểm quy định. Quy trình sử dụng thuốc theo “4 đúng” đã được thực hiện, nhờ đó giảm được số lần phun, giảm được sâu bệnh hại một cách đáng kể. Trong cách bón phân cũng được chú trọng đến việc sử dụng đảm bảo lượng phân hữu cơ, không lạm dụng phân bón vô cơ và bón đúng thời điểm để cây hấp thu hết. Rơm rạ sau thu hoạch đã được bà con nông dân cất trữ làm thức ăn cho gia súc, chất độn chuồng ủ ấm trâu bò và làm phân chuồng cho vụ sản xuất tới....

Những kết quả đạt được từ vụ xuân năm 2016 là động lực để cán bộ dự án cũng như bà con nhân dân tiếp tục tin tưởng, mở rộng diện tích gieo cấy. Thông qua đó, góp phần khẳng định thương hiệu lúa Đức Thọ trên thị trường và nhân rộng ra các huyện khác.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast