Khó tiếp cận vốn chính sách "cản đường" phát triển hợp tác xã

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương ở Hà Tĩnh đã có không ít chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ nói chung không những quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các HTX mà còn khó tiếp cận.

kho tiep can von chinh sach can duong phat trien hop tac xa

Thu hoạch tôm nuôi ở Hợp tác xã NTTS Xuân Thành (Nghi Xuân)

Ông Hoàng Bá Đồng - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm có quy định cho vay ưu đãi đối với HTX (và các doanh nghiệp, tổ hợp tác…). Quỹ được giao cho Ngân hàng CSXH quản lý và cho vay theo quy định tại nghị định này. Tuy nhiên, thời gian gần đây (khoảng từ 4 - 5 năm), Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh không còn nhận được nguồn vốn của quỹ cho nên có rất ít HTX được vay vốn tại đây. Được biết, Nghị định 61 là chính sách duy nhất có quy định hỗ trợ HTX tại Ngân hàng CSXH.

Cũng theo ông Hoàng Bá Đồng, các HTX là các tổ chức kinh tế, họ hoàn toàn có cơ sở để vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Quy định là thế, song thực tế cho thấy, các HTX rất khó vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Bởi theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn thì các ngân hàng sẽ cho các tổ chức kinh tế tập thể vay không cần thế chấp tài sản với số vốn tối đa là 500 triệu đồng, kèm theo điều kiện các HTX phải đưa ra được phương án kinh doanh khả thi, bảo đảm được các tiêu chí về tư cách pháp nhân, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường và hoàn trả vốn... song có rất ít HTX đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên nên việc tiếp cận nguồn vốn này không dễ dàng.

kho tiep can von chinh sach can duong phat trien hop tac xa

Các HTX cần năng động hơn trong việc liên kết, tạo dựng niềm tin với các tổ chức tín dụng

Giám đốc HTX Sản xuất giống cây trồng Hương Mây - Bùi Thị Ngọc Mây - (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh) cho hay, dù được thành lập từ năm 2014, nhưng cho đến nay, HTX vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào về vốn. Thậm chí, HTX cũng gặp khó khăn khi vay vốn thương mại từ các ngân hàng. Do vậy, các thành viên đành chấp nhận giải pháp vay vốn cá nhân với lãi suất cao. Bà Mây cũng cho rằng, yêu cầu của các ngân hàng là quá cao, họ thường căn cứ vào năng lực tài chính, lợi nhuận, hiệu quả đầu tư của HTX khi xem xét cho vay. Trong khi đó, về phía HTX, do nguyên nhân thiếu vốn nên hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến những hạn chế về năng lực tài chính.

Bà Hồ Thị Hiền - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cho rằng, nhiều HTX không thể hoàn thiện hồ sơ vay vốn đầy đủ nên phía ngân hàng khó có thể xét duyệt. Còn về nguồn vốn tín dụng, ngân sách chỉ cấp cho quỹ 20 tỷ đồng nên tổng dư nợ hạn chế. Trong khi nhu cầu vay và gia hạn nợ cao nhưng số vốn quá ít so với nhu cầu thực tế của các HTX, nhất là đối với những đơn vị cần mở rộng quy mô SXKD dịch vụ...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Văn Hùng cho biết, mới đây, ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể tỉnh vừa tổ chức kiểm tra, rà soát năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiến nghị lên cấp trung ương về việc cần tiếp tục cân đối, bổ sung nguồn ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ngân hàng của các HTX, tổ hợp tác khi không có điều kiện về tài sản thế chấp.

Đồng thời, chúng tôi đã yêu cầu ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, ban hành một số chính sách phù hợp hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Có cơ chế hợp lý để tháo gỡ khó khăn đối với các HTX, nhất là HTX nông nghiệp, HTX môi trường. Mặt khác, rà soát, tiến hành thủ tục giải thể hoặc chuyển đổi các HTX hoạt động không hiệu quả, hoạt động hình thức, HTX không hoạt động trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, tổ hợp tác có nhu cầu được giao đất, thuê đất, được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, ngân hàng phục vụ yêu cầu hoạt động SXKD.

Về phía các HTX, cần năng động hơn trong việc liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường ổn định cũng như tạo dựng niềm tin với các tổ chức tín dụng… có như vậy mới thu hút được các nguồn vốn đầu tư để phát triển bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast