Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng

(Baohatinh.vn) - Chiều 25/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao đất gắn với giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp, đo vẽ địa chính, cấp đổi GCNQSDĐ; kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Các ngành, địa phương phải xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là giao đất, giao rừng, nhất là đối với các huyện miền núi.

Đến nay, toàn tỉnh có 140 xã thực hiện xây dựng phương án giao đất, giao rừng với tổng diện tích 50.937 ha, giảm 7 xã (xin không thực hiện phương án) với diện tích giảm 3.670ha. Các xã có tham gia thực hiện đã và đang thực hiện đo vẽ 46.995 ha/18.997 hộ - cộng đồng, đạt 92%; số diện tích chưa thực hiện đo vẽ còn lại nằm ở 32 xã của 8 huyện.

Cấp huyện đã nhận hồ sơ của 13.987 hộ với diện tích 34.888 ha, trong đó đã kiểm tra, thẩm định 12.416 hồ sơ với diện tích 31.208 ha. 12 huyện thị, thành phố đã tiến hành nộp hồ sơ cho Sở TN&MT với 10.514 hộ (diện tích 25.755 ha) và hiện sở này đã phê duyệt 6.265 hồ sơ với diện tích trên 13 ngàn ha.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng ảnh 2

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả đo vẽ bản đồ địa chính và việc cấp đổi GCN QSD đất

UBND 9 đơn vị cấp huyện đã kiểm tra, thẩm định hồ sơ cho 5.666 hộ, cộng đồng với diện tích 11.674 ha và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho 3.236 hộ, cộng đồng với diện tích 6.834 ha. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tiến hành thu hồi gần 21.301 ha đất rừng của 9 chủ rừng nhà nước để giao cho chính quyền địa phương quản lý…

Theo đánh giá, tiến độ đo vẽ địa chính còn chậm (theo kế hoạch đến hết tháng 4/2015 phải đo vẽ xong toàn bộ diện tích); ở một số huyện có diện tích lớn nhưng việc thẩm định, trình sở TN&MT phê duyệt bản đồ đạt thấp. Về tiến độ cấp GCNQSDĐ, theo kế hoạch đến trước tháng 6 này phải cấp 25.960 ha nhưng đến nay mới đạt 26,3% kế hoạch và đạt 13,4% diện tích soát xét thực tế.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng ảnh 3

Báo cáo của Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn khẳng định, hầu hết các đơn vị tư vấn thiếu nhân lực, thiết bị máy móc không đảm bảo, chất lượng hồ sơ xây dựng đạt thấp, phải chính sửa nhiều lần.

Ngoài ra, trong thực hiện nhiệm vụ còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: có nhiều diện tích chồng lấn, trùng quy hoạch; việc thanh lý, chấm dứt hợp đồng của các chủ rừng nhà nước đối với các hộ nhận giao khoán chậm; việc giải ngân kinh phí giao rừng ở một số nơi còn gặp khó khăn…

Theo báo cáo của Sở TN&MT, công tác đo vẽ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp đang được chỉ đạo quyết liệt, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, toàn tỉnh đã nghiệm thu hoàn thành đo đạc bản đồ địa chính 214/234 xã, tăng hơn 17 xã so với đầu năm và hiện đang thực hiện kê khai, đăng ký cấp đổi GCNQSDĐ. Tổng nhu cầu kê khai, đăng ký cấp đổi là 390.640 hồ sơ, trong đó có 183.662 hồ sơ đất ở. Đơn vị tư vấn đã kê khai 371.555 hồ sơ, UBND xã xét duyệt được 351.215 hồ sơ; đơn vị tư vấn hoàn thiện trình Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thẩm định 361.151 hồ sơ và văn phòng này đã thẩm định, cho in 313.525 GCN QSDĐ.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng ảnh 4

Lãnh đạo huyện Hương Sơn tỏ ra lúng túng trước câu hỏi "vì sao tiến độ giao đất gắn với giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chậm và lý do không cho các đơn vị tư vấn tạm ứng hết số tiền đã bố trí".

Ở cấp huyện, đến nay, trong tổng số 9 địa phương phải hoàn thành kế hoạch khung trước 30/6 thì có 132/168 xã hoàn thành đạt trên 90% nhu cầu… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tiến độ đo đạc bản đồ địa chính và cấp đổi GCNQSDĐ đất chưa đạt yêu cầu, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến tình hình thực hiện công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014, đến nay, cấp xã đã cơ bản hoàn thành; công tác kiểm tra thẩm định ngoại nghiệp tại cấp xã đã có 12/13 đơn vị cấp huyện. Qua tổng hợp nhanh số liệu kiểm kê cho thấy, diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh giảm gần 963 ha so với số liệu kiểm kê năm 2010 do tính toán lại diện tích theo địa giới hành chính 364 của cấp xã và chủ yếu giảm ở đất lâm nghiệp, sông suối, đất chưa sử dụng…

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng ảnh 5

Lãnh đạo xã Yên Hồ (Đức Thọ) giải trình nguyên nhân vì sao địa phương này thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thuộc diện yếu kém nhất huyện

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo để thực hiện khung kế hoạch theo lộ trình, có thể chậm hơn tiến độ đề ra (30/6/2015) nhưng không được kéo sang năm 2016. Các ngành, địa phương phải xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là giao đất, giao rừng, nhất là đối với các huyện miền núi.

Về đất nông nghiệp, các địa phương phải sớm hoàn thành dứt điểm đến mức tối đa, khi không thể xử lý được mới khoanh vùng hoàn chỉnh hồ sơ. Việc kiểm kê đất đai còn chậm thì các huyện phải sớm hoàn chỉnh để gửi về Sở TN&MT. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần lưu ý hơn nữa đến khâu hoàn chỉnh hồ sơ, thực hiện tốt việc lưu trữ…

Để thực hiện tốt các nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Sở TN&MT sớm có báo cáo đánh giá việc giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và các nội dung khác có liên quan; trong báo cáo phải chỉ rõ những địa phương còn yếu kém và đề xuất các hình thức xử lý kỷ luật.

Các huyện chủ động triển khai công việc của mình dựa trên cơ sở tinh thần chỉ đạo của 2 sở chuyên môn. Sở TN&MT, Sở NN&PTNT phải đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tháo gỡ khó khăn, giải quyết tốt các nội dung công việc có liên quan và phải chú ý xử lý các kiến nghị đề xuất của cơ sở, nếu quá thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh giải quyết. Sở Tài chính soát xét tiến độ giải ngân và việc phân bố kinh phí thực hiện…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast