Liên kết chăn nuôi vừa và nhỏ, nâng cao giá trị sản xuất

(Baohatinh.vn) - Là “điểm sáng” trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững, các mô hình sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp (DN) - nông dân với quy mô vừa và nhỏ mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận nhiều hơn với hình thức sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, sự thành công của quy mô liên kết này đòi hỏi khá cao tính chuyên nghiệp từ người dân, sự mặn mà đầu tư của DN và cả những hỗ trợ đắc lực của chính quyền các cấp.

Lắm cơ hội…

Trong thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh ta vừa qua, các mô hình liên kết chăn nuôi theo quy mô lớn đạt nhiều kết quả khả quan, hình thành những trang trại, cơ sở chăn nuôi cho thu nhập cao.

Mô hình liên kết chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Phạm Thị Ngọc Hoa (xã Hương Minh - Vũ Quang) được Công ty cổ phần CP Việt Nam cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng.
Mô hình liên kết chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Phạm Thị Ngọc Hoa (xã Hương Minh - Vũ Quang) được Công ty cổ phần CP Việt Nam cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, quy mô liên kết này chỉ mới tập trung phát triển về “điểm”, hướng về số ít nông dân có điều kiện sản xuất lớn, trong khi đó, hơn 60% hộ dân hiện nay đang tổ chức chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ lại chưa phát huy hết tiềm năng. Hơn nữa, sản xuất quy mô vừa và nhỏ không mất nhiều thời gian, công sức, có thể là việc làm thêm cho bà con nhưng lại có thu nhập ổn định. Theo hạch toán với quy mô 20 con/lứa, mỗi năm 3 lứa thì lợi nhuận mỗi hộ thu được gần 19 triệu đồng/năm, chưa kể tận dụng nguồn khí đốt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cộng với đó, mỗi hộ nuôi từ 20 con trở lên được hỗ trợ 10 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua con giống, các điều kiện về thú y được đảm bảo, đầu ra ổn định theo thỏa thuận...

Phía đối tác là DN đủ điều kiện tham gia liên kết được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về lãi suất, đào tạo lao động, thuế, ứng dụng KHCN; nếu khai thác hết tiềm năng của 60% hộ đang sản xuất nhỏ lẻ sẽ mở ra cơ hội thu mua sản phẩm đồng nhất, lâu dài, đảm bảo chất lượng, tạo sự chủ động về nguồn nguyên liệu trong sản xuất nội địa và xuất khẩu… Vậy nên, các chủ trương, chính sách khuyến khích đẩy mạnh xây dựng liên kết quy mô vừa và nhỏ theo hướng ổn định, đảm bảo vệ sinh môi trường và hướng lợi ích trực tiếp đến trên 60% hộ sản xuất nhỏ lẻ trong toàn tỉnh đang được triển khai nhằm tạo đà cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện nay, mô hình liên kết chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ tại Vũ Quang đã bắt đầu triển khai với 1 tổ hợp tác gồm 7 hộ tham gia theo hình thức nuôi gia công, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Anh Lê Hồng Việt (thôn Hợp Thắng - xã Hương Minh) chia sẻ: “Trước khi tham gia tổ hợp tác, gia đình tôi năm nào cũng chăn nuôi lợn với số lượng trên dưới 10 con. Tuy nhiên, do thị trường bấp bênh, dịch bệnh khó kiểm soát nên lời lãi không ăn thua. Được liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra nên mặc dù chỉ thu lợi nhuận từ tiền công chăm sóc nhưng gia đình chúng tôi xác định đây là hướng làm ăn hiệu quả và lâu dài nên đã đăng ký tham gia liên kết với 30 con lợn thịt”.

Cũng như anh Việt, 6 thành viên của tổ hợp tác này vừa mới hoàn thành phần xây dựng chuồng trại và thả lứa giống đầu tiên. Chúng tôi đến đúng vào ngày chị Phạm Thị Ngọc Hoa (thôn Đồng Minh - xã Hương Minh) được nhận giống từ Công ty CP Việt Nam. Chị Hoa phấn khởi cho biết: “Nếu những năm trước đây, tôi phải lặn lội khắp nơi để tìm được nguồn giống như ý thì giờ đã được công ty chở đến tận nơi, chất lượng con giống bảo đảm hơn, lại được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xây chuồng trại, hầm biogas hợp vệ sinh, được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nên chúng tôi rất phấn khởi và cũng xác định sản xuất trách nhiệm hơn chứ không “được chăng hay chớ” như trước”.

… Nhiều khó khăn

Chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún là hình thức chăn nuôi truyền thống của bà con nên để thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa là vấn đề khá khó khăn. Trước đây, hình thức liên kết chăn nuôi vừa và nhỏ đã được thực hiện qua một số chương trình chuyển đổi nghề nhưng chỉ dừng lại ở việc cung ứng đầu vào (hỗ trợ xây chuồng trại, mua thức ăn, giới thiệu con giống…), còn đầu ra chưa được thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh - đơn vị trực tiếp thực hiện chương trình, cho biết: “Một trong những nguyên nhân hạn chế hiệu quả của các chương trình là ý thức người dân. Tâm lý chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thiếu khoa học nên chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật theo cam kết, do đó, khả năng cung cấp sản phẩm chưa ổn định ảnh hưởng đến việc giới thiệu đầu ra”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những khó khăn của nông dân khi tiếp cận với kiểu liên kết sản xuất nhỏ này như nguồn vốn xây dựng ban đầu quá lớn so với điều kiện, trong khi khả năng tiếp cận với ngân hàng còn hạn chế, số tiền lãi bằng hoặc ít hơn so với kiểu chăn nuôi nông hộ trước đây… Vậy nên, để người dân tiếp cận nhiều hơn với sản xuất hàng hóa, chính quyền các cấp cần sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, đồng thời tích cực tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức và quan trọng là có chính sách hỗ trợ hợp lý hơn.

“DN phải thật sự tâm huyết với nông nghiệp, với bà con nông dân Hà Tĩnh thì mới dám tham gia vào kiểu liên kết quy mô nhỏ như hiện nay” - đó là lời chia sẻ của anh Phạm Thành Long - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Long. Cũng theo anh Long, khi DN liên kết với quy mô sản xuất nhỏ sẽ gặp hạn chế vì hiệu quả kinh tế không cao, đầu tư nhỏ giọt, trong khi đối tượng tiếp nhận lại tiềm ẩn nhiều rủi ro… Để thu hút nhiều DN “mặn mà” với quy mô liên kết mới này, nên tăng cường sự chia sẻ của chính quyền về nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ kèm theo và đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của các hộ liên kết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast