Liên kết sản xuất để vụ đông thành vụ chính (bài 2): Tìm hướng đi bền vững

(Baohatinh.vn) - Khi đã ký hợp đồng với doanh nghiệp (DN) về bao tiêu sản phẩm, người nông dân buộc phải tuân thủ đúng quy trình, thời vụ và cung ứng đủ số lượng vào cuối vụ. Thế mới sinh ra chuyện, người sản xuất nếu liên kết thì lo sản phẩm, không liên kết thì bấp bênh, còn nhà tiêu thụ cũng ngay ngáy “vỡ kế hoạch” vì hạ tầng chưa theo kịp quy mô. Thậm chí, một số địa phương đành bỏ lỡ cơ hội vì nhu cầu của DN không phù hợp với tập quán địa phương...

Bài 1: Doanh nghiệp, nông dân cùng có lợi

“Nghẽn” trong mối quan hệ liên kết…

Trong số các địa phương liên kết sản xuất ngô nguyên liệu với Công ty TNHH MTV Giống và Vật tư nông nghiệp Mitraco, không phải nơi nào DN cũng gặp thuận lợi. Huyện Thạch Hà chủ trương liên kết sản xuất ngô nguyên liệu với công ty tại 3 xã Phù Việt, Thạch Tân và Thạch Long. Mỗi xã quy hoạch 30 ha, các vùng sản xuất sẽ được công ty cung ứng giống và bao tiêu trọn vẹn sản phẩm đầu vào. Thế nhưng, những xã được “chọn mặt gửi vàng” chưa từng có tập quán làm vụ đông (nhất là ngô). Không đáp ứng về quy mô, nhà đầu tư - Nhà nước - người sản xuất chẳng thể gặp nhau trong ý tưởng, cuối cùng, kế hoạch bị “vỡ” ngay thời điểm cận kề xuống giống.

Liên kết sản xuất để vụ đông thành vụ chính (bài 2): Tìm hướng đi bền vững ảnh 1
Tham gia mô hình liên kết, nông dân sẽ được doanh nghiệp cung ứng toàn bộ giống và phân bón. Ảnh: Minh Lý

Ngay cả ở Can Lộc, không ít bà con nông dân cũng đang lưỡng lự trước quyết định liên kết. Ông Nguyễn Đức Thục - Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống và Vật tư nông nghiệp Mitraco chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên công ty thực hiện liên kết sản xuất trên quy mô lớn. Trong khi đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản của Công ty và nhà máy thức ăn gia súc chưa đủ công suất. Hiện, chúng tôi đã lắp đặt thêm hệ thống sấy nhưng nếu thời tiết bất thuận thì cũng khó lòng đáp ứng vào thời điểm thu hoạch tập trung. Vì thế, công ty giãn thời vụ xuống giống nhằm giảm áp lực cho thu hoạch và bảo quản sản phẩm”.

Nói về sản xuất vụ đông nói chung và ngô nói riêng thì Hương Sơn dẫn đầu cả về diện tích lẫn sản lượng. Thế nhưng, trong chuỗi liên kết này, quê hương của những sản phẩm vụ đông lại nằm ngoài cuộc. Chính lãnh đạo Công ty TNHH MTV Giống và Vật tư nông nghiệp Mitraco cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi không “mời gọi” được vùng nguyên liệu rộng lớn này tham gia chuỗi của mình. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn - Nguyễn Văn Hải cho rằng: “Nguyên nhân chính là người sản xuất không có nhu cầu liên kết. Mỗi năm, huyện có khoảng 100.000 con gia súc, với 2.000-2.500 ha ngô thì chỉ đủ phục vụ nhu cầu trong gia đình. Người dân thậm chí còn phải đặt mua ở vùng khác vào những thời điểm bất lợi, mất mùa”. Khi nhu cầu an sinh còn chưa đủ thì liên kết hàng hóa là điều xa xỉ đối bà con vùng núi này.

Để liên kết bền vững…

Liên kết sản xuất muốn bền vững, ngoài việc nông sản có được thị trường tiêu thụ với giá cả ổn định, còn phải chứng minh được bài toán lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất. Muốn vậy, rất cần những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo về kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thực tế sử dụng giống ngô trong mô hình liên kết chưa có sự đột phá so với trước đây. Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống & Vật tư nông nghiệp Mitraco, việc tăng năng suất sẽ dựa vào quá trình tuân thủ quy trình sản xuất theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn, với sự đầu tư đầy đủ về lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sự đổi mới trong ý thức thâm canh của người sản xuất.

Một thực tế cần quan tâm nữa là lâu nay chúng ta mới chỉ xây dựng được mối quan hệ liên kết ngang giữa nông dân - nông dân, tức là cùng “góp gạo thổi cơm chung”, sản xuất ra sản phẩm mà thị trường cần. Nhưng trong đó, của nhà nào nhà nấy làm, cho nên số hộ tham gia lên đến hàng trăm. Diện tích, sản phẩm manh mún khiến việc xây dựng mối quan hệ liên kết mới giữa nông dân - DN trở nên lỏng lẻo. Bày tỏ ái ngại về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thục cho hay: “Mặc dù có quy trình “cứng” nhưng người dân mỗi người mỗi cách, sản phẩm chắc chắn khó đồng đều trong khi nguyên liệu lại đòi hỏi cao về chất lượng. Đó là chưa kể, lâu nay, việc đầu tư sản xuất chuyên canh ngô không mấy được quan tâm, tỷ lệ cơ giới hóa thấp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch và bảo quản”. Bài học chưa hề cũ, cuối vụ sản xuất, nông dân nói đạt chuẩn, DN bảo không, tranh chấp lợi ích phát sinh, hàng chục mô hình liên kết đã vỡ lở trong sự nuối tiếc. Hoặc, nông dân vì lợi ích trước mắt tự “xé rào” bán sản phẩm ra ngoài…

Để hạn chế tình trạng này, trước hết, chính quyền không thể “vắng mặt” trong chuỗi liên kết, trở thành người bảo hộ cho mối quan hệ này. Và tất nhiên, mỗi DN trước khi thực hiện liên kết, phải chuẩn bị cơ bản điều kiện cần và đủ, nhất là phương án bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để bảo vệ lợi ích của người nông dân. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong các vùng nguyên liệu để làm đầu mối tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm cho DN. Quan trọng nhất là ngoài việc đầu tư đầu vào, đảm bảo đầu ra, một trong những điểm mấu chốt là thay đổi vị thế của nông dân theo hướng họ là người chủ động xây dựng và bảo vệ mối quan hệ liên kết và có thể quyết định giá, thời điểm bán nhằm tạo ra liên kết bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast