Nắng to lại lo... rừng cháy!

(Baohatinh.vn) - “Không phải năm nay mà năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng nóng là bọn em lo ngay ngáy rừng trồng bị bén lửa. Dầu canh ngày, gác đêm cũng không thể nói rằng rừng được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Nếu người dân không có ý thức làm chủ thì những hiểm họa khôn lường có thể xảy ra”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn - Nguyễn Văn Thành bộc bạch.

Hương Sơn có diện tích rừng trồng hơn 10.700 ha, hầu hết là rừng thông đã được trồng từ những thập kỷ trước. Đây là loài cây có nhiều lá khô phủ gốc, thân tích nhựa lớn, chỉ một mồi lửa nhỏ có thể lan nhanh ra cả khu rừng. Đã thế, xứ sở này lại là “thủ đô” của gió lào khô nóng, một thách thức lớn đối với công tác bảo vệ rừng.

Nắng to lại lo... rừng cháy! ảnh 1

Chòi canh lửa PCCCR ở địa bàn xã Sơn Phúc (Hương Sơn).

Là đơn vị vừa làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, vừa làm chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, ngay từ đầu năm, công tác tham mưu của Hạt Kiểm lâm Hương Sơn đã góp phần rất lớn trong chiến lược phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng.

Ông Võ Văn Phúc - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Rút kinh nghiệm từ nhiều năm, công tác PCCCR ngày càng được cụ thể hóa trong phương pháp chỉ đạo, từ huyện tới xã, từ xã tới thôn. Ngoài quán triệt sâu sắc Chỉ thị 11 của UBND tỉnh, ngày 12/5/2015, UBND huyện tiếp tục ra Chỉ thị số 15 gửi cơ sở nhằm giúp cán bộ lãnh đạo xã chỉ đạo đúng theo tinh thần của cấp trên. Một “mệnh lệnh” đã được ban hành trong các cuộc họp về công tác PCCCR: “Nếu xã, thôn nào để xảy ra cháy rừng, trước hết, cán bộ xã, thôn đó phải chịu trách nhiệm. Tùy mức độ thiệt hại sẽ có biện pháp xử lý kỷ luật cán bộ ở từng cấp”.

Những ngày nắng nóng, dường như cán bộ cơ sở trên địa bàn huyện không ai đứng ngoài cuộc. Đi từ những vùng dân gần cánh rừng trồng tại các xã vùng thượng như Sơn Diệm, Sơn Giang đến các xã miền hạ Sơn Lễ, Sơn An, Sơn Tiến... ở xã nào, thôn nào cũng thấy khẩu hiệu, biểu ngữ. Dãy núi Nầm sau một thời gian dài được bảo vệ tốt, giờ thông lại lên xanh. Hàng ngày, loa phóng thanh xã đều đặn cập nhật tình hình nắng nóng, đồng thời, khuyến cáo mọi người đề cao cảnh giác, cấm mọi hành vi xâm hại rừng.

Hạt Kiểm lâm Hương Sơn đã chủ động phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện phổ biến những nội dung cấp bách, tuyên truyền kịp thời những nhân tố điển hình, đồng thời nhắc nhở, phê bình một số người lơ là, chủ quan trong công tác PCCCR. Để chủ động khi cháy lớn xẩy ra, Hương Sơn đã thành lập ban chỉ đạo thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức xây dựng một đội quân cơ động mạnh gồm 245 người.

Một ngày nắng gắt, tôi theo chân anh Hà Huy Phong, cán bộ Hạt Kiểm lâm tới chòi canh lửa, nơi anh cùng đồng nghiệp ngày đêm lên “đài quan sát” phát hiện “giặc” lửa. Chòi canh đặt tại xã Sơn Phúc, được kết cấu bằng khung nhôm không han gỉ, tuy đã hơn 10 năm nay nhưng vẫn rất kiên cố. Phong chia sẻ: “Ở Hương Sơn hiện có 2 chòi canh lửa. Riêng chòi này làm nhiệm vụ quan sát diện tích rừng trồng lớn nhất. Vì vậy, những lúc thời tiết diễn biến phức tạp, kiểm lâm và lực lượng phòng hộ sông Ngàn Phố thay phiên nhau túc trực 24/24h”. Đứng trên đỉnh chòi đưa ống nhòm quan sát thấy rõ từng cánh rừng khu vực miền hạ Hương Sơn. Mùa nắng, không chỉ người quan sát ít ngủ mà cán bộ hạt kiểm lâm đêm cũng ngủ muộn hơn, ngày dậy sớm hơn. “Một đêm thấy rừng bình yên là ngày mai thành niềm vui của mỗi người”.

Hạt trưởng Nguyễn Văn Thành nói: “Mùa nắng, không chỉ anh em trong hạt mà cán bộ lãnh đạo chi cục cũng lo. Cách đây 3 ngày, anh Nguyễn Hữu Lợi - Chi cục trưởng lên thị sát. Mặc dầu đã nhắc nhở kỹ những vấn đề cán bộ, nhân viên cần làm ngay, nhưng khi về cơ quan, 11h đêm, anh ấy còn gọi điện nhắc phải thực hiện triệt để, thường xuyên việc kiểm tra dân vào rừng và nghiêm cấm đốt thực bì trong thời điểm này”.

Chủ động trước diễn biến thời tiết, ngay sau Tết Nguyên đán 2015, hạt đã tổ chức tu sửa 9 km, làm mới 1 km đường băng cản lửa; chỉ đạo các chủ rừng tu sửa 30 km đường băng cản lửa; tu sửa, xây dựng 50 biển tường, biển cấm lửa; vệ sinh, xử lý hàng trăm ha thực bì an toàn. Vào mùa nắng nóng, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện phục vụ công tác ứng cứu gồm 9 máy thổi gió, 2 máy cắt thực bì, 3 cưa xăng, 130 dao phát, 30 bàn dập lửa.

Anh Thành chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là đảm bảo sự ôn hòa, đoàn kết, không để xẩy ra hiềm khích, đố kỵ, hoặc bất cẩn khi sử dụng lửa. Còn chuyện trẻ em đốt ong, người lớn đi săn rùa nhiều năm nay không xẩy ra. Họ đã nhận thức được trách nhiệm của mình. Riêng tại Hương Sơn, các trường rất có ý thức tuyên truyền về bảo vệ rừng và môi trường cho học sinh. Hàng ngàn em đã ký và thực hiện đúng cam kết”.

Tôi nhìn rừng Hương Sơn trong màu nắng vẫn xanh ngút ngàn, lẫn trong màu xanh ấy là giọt mồ hôi của cán bộ kiểm lâm, những người đang tích cực giữ rừng và cả ý thức bảo vệ rừng của người dân.

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast