Nhiều thách thức trong sản xuất vụ hè thu 2014 (Bài 3): Nỗi lo hạn hán

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang trải qua những ngày nắng nóng cực độ với nền nhiệt liên tục ở mức cao 37-400C. Theo dự báo, năm nay, nắng nóng đến sớm, số đợt nắng nóng gay gắt kéo dài hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Trong khi đó, lượng mưa 3 tháng đầu năm trên địa bàn chỉ đạt 50-80% cùng kỳ năm 2013, làm gia tăng nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn đe dọa vụ sản xuất hè thu…

>>Bài 2: Cảnh báo tùy tiện sử dụng giống

Nỗi lo từ các hồ, đập nhỏ…

Hai giờ chiều, dưới cái nắng như thiêu, như đốt, cán bộ, công nhân Trạm Thượng Tuy kênh N2 (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) vẫn miệt mài nạo vét lòng kênh, tạo thông thoáng để chuẩn bị cho mùa cấp nước vụ sản xuất khó khăn nhất năm.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày qua, để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho vụ hè thu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã lên phương án tưới tiết kiệm cho hồ Kẻ Gỗ
Trước tình hình nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày qua, để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho vụ hè thu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã lên phương án tưới tiết kiệm cho hồ Kẻ Gỗ

Gương mặt nhễ nhại mồ hôi, anh Hà Huy Thảo - Trạm trưởng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của công ty, chúng tôi tổ chức lao động theo định kỳ hai lần mỗi tuần để nạo vét lòng kênh, thu gom rác thải và phát quang cỏ dại làm tắc nghẽn dòng chảy… Bên cạnh đó, trạm còn tranh thủ thời gian làm thêm ngày, thêm giờ, nhằm chủ động đối phó với tình hình hạn hán có thể xẩy ra”. Trong thời gian này, công ty cũng đang sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục trên 3 hệ thống thủy lợi chính: Kẻ Gỗ, Hương Khê, Sông Rác và đầu tư thêm bơm chống hạn, phục vụ tưới ổn định trong quá trình cấp nước hè thu.

Tuy nhiên, với diễn biến nắng nóng như hiện nay thì khô kiệt là điều có thể tiên lượng được. Ông Nguyễn Duy Hoàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, mực nước hồ Kẻ Gỗ đạt 27,7m, Sông Rác 20,79m và Thượng Tuy 21,98m. Mực nước này được đánh giá là cao hơn cùng kỳ năm 2013 và có khả năng đủ tưới cho vụ hè thu. Đáng lo ngại lại rơi vào các hồ nhỏ và đập dâng, nhất là các công trình ở Hương Khê và Kỳ Anh. Để đối phó với tình hình hạn hán, công ty đã đưa ra các phương án chống hạn cụ thể cho từng vùng nhằm tận dụng tối đa nguồn nước từ các hồ chứa, đập dâng. Bên cạnh đó, dự phòng bơm hỗ trợ nguồn từ trục tiêu, sông nước hoặc dựa vào nguồn nước hồi quy”.

Theo dõi của Chi cục Thủy lợi, ngoài những điểm hạn thường xuyên do nằm cuối kênh tưới, vùng “tử địa” thì năm nay sẽ phát sinh một số vùng hạn do công trình hồ đập đang xây dựng, sửa chữa dang dở. Đặc biệt là ở Hương Khê, chưa qua vụ xuân mà trên địa bàn đã có 14 hồ nhỏ cạn đáy; 4 hồ ở Nghi Xuân gần như bất lực với nguồn nước tưới nếu không có mưa tiểu mãn. Cùng với nỗi lo thiếu nước thì tình hình xâm nhập mặn cũng “căng như dây đàn”. Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Đến thời điểm này, xâm nhập mặn ở hai điểm “nóng” là cống Trung Lương và vùng Xuân Hồng, Xuân Lam (Nghi Xuân) chưa đáng ngại, nhưng nếu nắng nóng kéo dài, khả năng nhiễm mặn rất cao, khó tạo nguồn cho hệ thống sông Nghèn từ cống Trung Lương và gây cháy hạn vùng Xuân Lam, Xuân Hồng vì cống không thể mở tưới”. Trong trường hợp này, công ty sẽ lấy nước từ trạm bơm Linh Cảm đổ về các trục tiêu bơm tạo nguồn về các vùng hạn.

Có điều, ở thời điểm phần lớn các trà lúa xuân bước vào thời kỳ chín rộ thì rải rác không ít vùng mới chạm đích trổ bông. Vì thế, đáng lẽ, các công ty thủy nông có thể đóng nước, tiết kiệm cho vụ sản xuất tới thì lại phải dâng nước đầy kênh để phục vụ cho “lốm đốm” vài miếng ruộng “chậm chân”. Sự thiếu đồng bộ về thời vụ, cơ cấu trà giống là một trong những nguyên nhân gây lãng phí nguồn nước tưới thủy lợi.

Tăng diện tích hè thu - nguy cơ hạn hán nhãn tiền…

Năm nay, mưa tiểu mãn không xuất hiện. Dẫu vậy, so với năm 2013, kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2014 vẫn đạt 44.352 ha (tăng hơn 3.000 ha). Trong khi đó, lúa mùa “cắt giảm” chỉ cơ cấu hơn 1.500 ha (năm 2013 hơn 2.000 ha). Nguyên nhân chính được xác định là các địa phương đã chuyển vùng canh tác lúa mùa sang sản xuất hè thu, nhất là ở một số địa phương: Hương Sơn (tăng 400 ha), Hương Khê (400 ha), Can Lộc (300 ha) và Nghi Xuân (300 ha)…

Công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh sữa chữa hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu
Công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh sữa chữa hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu

Ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Diện tích sản xuất hè thu tăng cao nhất từ trước tới nay. Hiện, ngành đã tiến hành rà soát, cân đối khả năng nguồn nước thực tế của các hồ, đập để xây dựng kế hoạch tưới và chuyển nước tạo nguồn cho vùng hạn nhằm phân phối, điều tiết nước hợp lý. Song, trong bối cảnh khô hạn như năm nay thì đối với những vùng lâu nay không cơ cấu chắc chắn sẽ không có nước sản xuất”.

Cơ cấu cây trồng hợp lý trở thành “quy tắc vàng” để giành thắng lợi trong sản xuất. Huống hồ, mấy năm nay, tỉnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa “cây màu xuống ruộng hè thu”, giảm diện tích sản xuất lúa. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch đắp bờ giữ nước tại chân ruộng, nạo vét kênh mương nội đồng và chủ động các trạm bơm dã chiến, sẵn sàng cho “cuộc chiến” với hạn hán.

Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTN: Thu hoạch lúa xuân đến đâu, triển khai hè thu đến đó

Hiện nay, các trà lúa xuân đã chín đều, Sở NN&PTNT cử cán bộ bám sát đồng ruộng, đôn đốc các địa phương tập trung tối đa ngày công, lao động, cùng giúp nhau thu hoạch nhanh, gọn. Theo đó, phối hợp với các công ty thủy lợi cân đối nguồn nước, mở nước phục vụ bà con sản xuất hè thu với phương châm giải phóng đồng ruộng đến đâu thì huy động máy móc làm đất hè thu đến đó. Cùng với những giải pháp “lấy nước điều hành thời vụ”, ngành cũng đã khuyến cáo các địa phương chỉ đạo bắc mạ đúng lịch, xuống giống hè thu đồng loạt, kết thúc trước ngày 10/6 nhằm đảm bảo lúa hè thu an toàn với bão lũ cuối vụ.

Về công tác quản lý nhà nước, ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu giống của tỉnh; lấy mẫu kiểm tra chất lượng các lô giống, vật tư, phân bón về trên địa bàn, nhằm đảm bảo cung ứng nguồn giống và vật tư nông nghiệp chất lượng phục vụ bà con nông dân. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn quy trình, giám sát việc sản xuất tất cả các loại giống trên địa bàn, nhất là các giống khảo nghiệm, sản xuất thử.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast