Những triệu phú nông dân ở Kỳ Anh

Được tiếp sức từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, nhiều nông dân Kỳ Anh vốn chỉ quen với đồng ruộng, chân lấm tay bùn đã nhanh nhạy trong tiếp cận tiến bộ KHKT và nguồn vốn ưu đãi để đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế gia đình, trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi.

Gia đình chị Sử Thị Vỹ ở Kỳ Giang trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò lai sind.
Gia đình chị Sử Thị Vỹ ở Kỳ Giang trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò lai sind.

Sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Ngọc Tấn (thôn Tạ Tấn, xã Kỳ Tân) nối nghiệp cha ông tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Dù rất chăm chỉ nhưng đồng ruộng bạc màu, việc canh tác chẳng thu được bao nhiêu trong khi phí sinh hoạt của gia đình ngày càng cao. Năm 2006, anh Tấn quyết định thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tại khu vực Cồn Kho. Được tạo điều kiện cấp đất trong vòng 50 năm, nhưng do ban đầu ít vốn nên anh Tấn kiên trì với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Trên khu vực rừng rộng 37 ha, anh nuôi bò và trồng lạc. Khi địa phương triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, anh được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất của huyện. Từ số tiền này, anh Tấn đầu tư mua máy móc để xây dựng cơ sở thu mua, chế biến lạc và chăn nuôi bò với số lượng trên 30 con. Ngoài ra, anh còn tập trung trồng keo, sắn, lạc. Đặc biệt, từ năm 2011, anh trồng 4 ha chuối tiêu hồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Với gần 300 triệu đồng tiền lãi/năm, mô hình của anh Tấn trở thành điển hình cấp tỉnh về làm kinh tế giỏi.

Tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai của địa phương, từ năm 1993, ông Nguyễn Đức Hồng (thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong) bắt đầu nhận 27 ha đất để trồng rừng và ươm cây lâm nghiệp, vừa phục vụ cho gia đình, vừa cung cấp cây giống cho bà con. Mỗi năm, trên diện tích 5 ha, ông Hồng ươm từ 150-200 vạn cây theo hình thức gieo hạt.

Năm 2010, sau khi tham quan nhiều mô hình ở các địa phương và được tập huấn kiến thức, ông chuyển sang ươm cây hom. Rút ngắn được thời gian sinh trưởng, cây giống lại có chất lượng nên mô hình của ông ngày càng thu hút đông đảo khách hàng, thu nhập trên 450 triệu đồng/năm. Điều mà ông Hồng tâm đắc nhất không chỉ bởi thu nhập được nâng cao, mà ông đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động trên địa bàn.

Anh Tấn, ông Hồng chỉ là 2 trong số hàng trăm cá nhân điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện Kỳ Anh. Từ khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn huyện có 642 mô hình sản xuất lớn, nhỏ. 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện có 196 mô hình được hưởng chính sách theo Quyết định (QĐ) 24, 11 của UBND tỉnh và QĐ 01 của UBND huyện với số tiền 3.225 triệu đồng.

Thực hiện QĐ 26, 03 của UBND tỉnh, 9 tháng đầu năm, toàn huyện có thêm 442 hộ và 5 HTX vay vốn tại các tổ chức tín dụng với số tiền 43.227 triệu đồng. Theo đó, huyện đã xây mới, nhân rộng thêm 201 mô hình, trong đó có 59 mô hình cấp tỉnh, huyện (doanh thu 200-800 triệu đồng/năm), 143 mô hình cấp xã (doanh thu trên 40 triệu đồng/năm).

Ông Lê Quang Vị - Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc khẳng định: “Nhiều điển hình làm kinh tế giỏi đã làm thay đổi tư duy của người nông dân, chính điều đó là cơ sở để cấp ủy Đảng, chính quyền mạnh dạn trong việc đưa ra các chủ trương, đặt ra mục tiêu về phát triển kinh tế của địa phương”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast