Nông dân hăng hái làm giàu, xây dựng nông thôn mới

Sự “thay da, đổi thịt” tại các vùng quê hôm nay đều mang dấu ấn của người nông dân vượt khó vươn lên làm giàu, chung tay xây dựng nông thôn mới. Những mô hình đều là nhân tố điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương đổi mới.

Thi đua làm giàu

Chị Phạm Thị Nhơn ở vùng biển bãi ngang xã Thạch Kim (Lộc Hà) là một “bông hoa” ở giữa vườn hoa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng của tỉnh. Cơ sở chế biến thủy hải sản của chị có quy mô khá hoành tráng với hàng chục lao động đang miệt mài trên dây chuyền chế biến hiện đại.

Mô hình tổng hợp cho hiệu quả cao của chị Ân ở xã Đức Lĩnh (Vũ Quang)
Mô hình tổng hợp cho hiệu quả cao của chị Ân ở xã Đức Lĩnh (Vũ Quang)

Chị Nhơn tâm sự: “Xuất phát từ hộ nông dân nghèo, chồng là bộ đội phục viên trở về sức khỏe không còn khả năng lao động, tôi phải chạy vạy từng bữa ăn cho gia đình. Không cam phận với cái đói, cái nghèo đeo bám, tôi bàn với chồng vay vốn kinh doanh hàng hải sản quy mô nhỏ, lấy ngắn nuôi dài. Nhờ sự thông minh, nhanh nhạy của chồng trong hoạch toán kinh tế, nên việc kinh doanh của gia đình ngày càng ổn định và phát triển. Từ những đồng vốn tích lũy và vay mượn, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến hải sản (chế biến từ cá tươi thành cá bột), đồng thời xây dựng thêm 3 nhà kho hơn 300 m2 để dự trữ nguyên liệu. Hiện, tổng nguồn vốn gia đình chị có được trên dưới 20 tỷ đồng , lãi ròng hơn 900 triệu đồng/năm.

"Cơ sở của chị luôn giải quyết việc làm cho 10-15 lao động thường xuyên và 30-50 lao động thời vụ với mức lượng 3 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chị sẽ nâng cấp và đưa vào sử dụng dây chuyền chế biến cá tươi thành tinh bột khô với công suất 2.200 tấn bột cá và mở rộng kho chứa hàng đông lạnh để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến", chị Nhơn cho biết thêm.

Chia tay với chị Nhơn chúng tôi ngược lên miền sơn cước đến với mô hình trang trại tổng hợp của hộ nông dân Trần Thị Ân ở xóm Tân Hưng, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang). Tham quan trang trại mới thấy bạt ngàn cây trái xum xuê, hàng trăm con lợn trong chuồng chuẩn bị xuất chuồng, nhưng đàn cá quẩy đuôi dưới nước, mới khâm phục ý chí quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương của gia đình chị.

Xuất phát từ hai bàn tay trắng nhưng hai vợ chồng chị luôn ấp ủ “đổi đời” bằng chính công sức của mình. Trước đây, cũng như bao hộ khác, gia đình chị chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Quyết không để nguồn tài nguyên đất đồi bị lãng phí hai vợ chồng mạnh dạn vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật xây dựng trang trại tổng hợp từ quy mô nhỏ dần dần mở rộng ra. Đến nay, trang trại của chị có tổng diện tích 27,7 ha, trong đó 3ha diện tích trồng cây ăn quả , gần 1ha chăn nuôi 300 con lợn và 0,5 ha đào ao thả cá, số diện tích còn lại trồng keo.

Chị Ân cho biết: Tính trung bình mỗi tháng gia đình tôi bao tiêu, xuất hơn 6 tấn thịt lợn hơi, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng. Với hơn 1500 cây ăn quả các loại mỗi năm cũng thu về xấp xỉ 250 triệu đồng. Đi cùng với chăn nuôi và trồng cây ăn quả gia đình tôi còn mở các đại lý thức ăn chăn nuôi cấp 2 phục vụ các hộ dân trong huyện. Nếu chưa tính 24ha diện tích trồng keo thì mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 750 triệu đồng… Thật xứng đáng, năm 2011 trạng trại của chị được cấp giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư mở rộng quy mô và nhiều năm liền gia đình chị được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Không kể hết được những “tấm gương” sáng vượt khó đi lên của những hộ nông dân với tinh thần bền bỉ, sáng tạo, nhạy bén trong cơ chế thị trường vươn lên làm giàu bằng chính bản thân cho gia đình và xã hội. Thật ấn tượng khi nhìn vào con số trong 5 năm qua đã có 110.500 hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 6,7%. Riêng năm 2012 có tới 67.095 hộ đăng ký. Phải khẳng định rằng phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh ta là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng nông thôn mới.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Về xã Thái Yên (Đức Thọ) được đi trên những còn đường bê tông phẳng lỳ, thoáng đãng không còn chật hẹp như trước. Con đường chính vào xã được mở rộng thành 6 -7 m, những con đường nhỏ hai xe tránh nhau còn khó nay đã thông thoáng, bà con đi lại thuận lợi hơn nhiều. Thái Yên đã được khoác lên mình một bộ cánh mới, thật đẹp chính là nhờ sự chung tay xây dựng nông thôn mới của hàng trăm hội viên nông dân nơi đây.

Nông dân xã Ân Phú (Vũ Quang) hiến đất và làm đường giao thông nông thôn mới
Nông dân xã Ân Phú (Vũ Quang) hiến đất và làm đường giao thông nông thôn mới

Năm 2011, Thái Yên được nhà nước đầu tư dự án làm đường bê tông từ Quốc lộ 8A vào trung tâm xã dài 6,6 km. Để dự án triển khai đảm bảo đúng quy trình, tiến độ đề ra thì địa phương phải tiến hành tự giải tỏa 10.096 m2 đất nông nghiệp, 4,900 m2 đất ở và nhiều công trình, tài sản khác… Kinh phí đền bù của dự án không có, ngân sách địa phương lại hạn hẹp, vậy làm thế nào để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đảm bảo đúng thời gian theo quy định. Đây là câu hỏi khó nhất của chính quyền địa phương trong thời điểm đó.

Công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, tự giải tỏa các công trình thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triểu khai sâu rộng. Và thật bất ngờ, 64 gia đình hội viên nông dân đã hiến 10.096 m2 đất nông nghiệp , 185 hộ gia đình hội viên hiến 4.900 m2 đất vườn và các công trình khác…

Ông Nguyễn Hữu Niêm, một hội viên ở thôn Bình Định cho biết: Sau khi nghe chủ trương của xã về việc hiến đất làm đường, gia đình tôi đồng ý ngay với quan niệm vì lợi ích chung mình phải chịu thiệt một tí nhưng đổi lại đẹp làng, đẹp xóm. Ngay sau đó, gia đình tôi đã tự tháo giỡ nhà ngói xây tường 3 gian, ky ốt bán hàng, một số công trình phụ và 77 m2 đất vườn ở và bờ rào có tổng trị giá đầu tư xây dựng 350 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều gia đình hội viên, các dòng họ Nguyễn Thị Tuyết thôn, Nguyễn Đăng Thế, Nguyễn Thị Thu, dòng họ Phan Đăng, Phan Công… cũng tiên trong phong trào hiến đất, hiến công trình làm đường tại đây.

Đưa vườn ra đồng là một trong những tiêu chí đặt ra cho chương trình xây dựng nông thôn mới..Với tập quán truyền thống định canh, định cự của bà con nông dân nên rất khó thực hiện nếu không nhận được sự đồng tình, hướng ứng. Vậy mà ở Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) trong 2 năm vừa qua có 23 hộ tự nguyện chuyển vườn ra đồng, xa khu vực dân cư để sản xuất, kinh doanh.

Ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm Lạc chia sẻ kinh nghiệm: Nhờ công tác tuyên truyền vận động, tham quan học hỏi , giải quyết kịp thời các chính sách của nhà nước cho các hộ tham gia nên đã mang lại hiệu quả cao. Nhiều hội viên nông dân không ngần ngại đưa vườn ra đồng cách làng 2- 3km như anh Võ Xuân Chiến - ở thôn Yên Lạc, anh Võ Kim Duy - ở thôn Lạc Thọ…. Đến nay, 23 hộ nông dân đã đi vào sản xuất ổn định , nhiều hộ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi trang trại, rau màu các loại…

Phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới còn xuất hiện nhiều mô hình, nhiều tấm gương tiêu biểu khác như: mô hình xử lý rác hữu cơ ở Thiên Lộc (Can Lộc), chuyển đổi nghề vùng tái định cư ở Kỳ Long (Kỳ Anh), xây dựng xã không ma túy ở xã Thuận Lộc (Thị xã Hồng Lĩnh), chỉnh trang vườn hộ ở Hương Trà ( Hương Khê) … Còn nhiều hội viên nông dân ở Thạch Hà tự nguyện hiến đất, tài sản để xây dựng cơ sở hạ tầng….

Bà con nông dân hôm nay không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn góp công, góp của xây dựng nông thôn mới tạo sức lan tỏa trong toàn tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast