Nuôi đặc sản cua đồng, nông dân Hà Tĩnh “bỏ túi” 50-60 triệu đồng mỗi vụ

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 1 năm triển khai, dự án "Nuôi cua đồng thương phẩm” thí điểm tại xã Xuân Liên (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) đã mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân ở các vùng nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh

Nuôi đặc sản cua đồng, nông dân Hà Tĩnh “bỏ túi” 50-60 triệu đồng mỗi vụ

Cua đồng thương phẩm là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Không chỉ là món ăn dân dã, cua đồng còn được coi là món đặc sản có mặt nhiều ở các nhà hàng, khách sạn trong cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, nhiều năm lại nay, do người dân sử dụng quá nhiều chế phẩm hoá học trong trồng trọt nên sản lượng cua đồng trong tự nhiên sụt giảm mạnh.

Bởi vậy, tháng 11/2018, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân đã triển khai dự án “Nuôi cua đồng thương phẩm” tại khu đất của bà Phan Thị Châu (cạnh chân đập Đồng Bản, xã Xuân Liên) với tổng số vốn đầu tư trên 892 triệu đồng.

Trong đó, bà Phan Thị Châu đầu tư 492 triệu đồng, số tiền còn lại 400 triệu đồng do ngân sách khoa học hỗ trợ các hạng mục như: Tập huấn kỹ thuật, con giống, thức ăn hỗn hợp, máy móc thiết bị...

Nuôi đặc sản cua đồng, nông dân Hà Tĩnh “bỏ túi” 50-60 triệu đồng mỗi vụ

Cua giống được thả xuống ao đất, ao trồng cỏ hoặc kè bằng bờ xi măng...

Đây cũng là dự án đầu tiên được triển khai tại tỉnh Hà Tĩnh nhằm hoàn thiện quy trình nuôi cua phù hợp để phổ biến và nhân rộng tại các khu vực nông thôn. Dự án còn làm phong phú, đa dạng các đối tượng nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát triển một loại thủy sản có giá trị kinh tế, cung cấp thêm một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Nuôi đặc sản cua đồng, nông dân Hà Tĩnh “bỏ túi” 50-60 triệu đồng mỗi vụ

...có phủ bèo lục bình để tránh cua bò ra ngoài.

Sau khi hoàn thành xây dựng 5 hồ nuôi cua đồng với tổng diện tích 6.000 m2, từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2019, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân đã tiến hành thả 2 vụ cua giống, mỗi vụ 1,2 tấn. Sau 2 lần thu hoạch, sản lượng cua thu được tại các hồ nuôi thử nghiệm lần lượt là 2,8 tấn (tháng 6/2019) và 2,85 tấn (12/2019).

Theo tính toán của Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân Nguyễn Đức Khánh: “Vốn đầu tư mỗi vụ dao động từ 100 - 120 triệu đồng/5 ao nuôi. Với giá bán cua đồng thương phẩm dao động từ 90.000 - 110.000 đồng/kg sẽ thu được từ 270 - 300 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí, mỗi vụ cho thu lãi 50 - 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ năm thứ 2 trở về sau, lợi nhuận cứ thế tăng dần theo từng năm và có thể lên đến trên 100 triệu đồng (do không tính chi phí khấu hao kinh phí đầu tư, tài sản, máy móc thiết bị...”.

Nuôi đặc sản cua đồng, nông dân Hà Tĩnh “bỏ túi” 50-60 triệu đồng mỗi vụ

Nuôi cua đồng không cần nhiều nhân công, với 5 ao nuôi chỉ cần 1 lao động.

Nuôi cua không tốn nhiều vốn, không tốn công chăm sóc. Trong khi đó, đây là loài dễ tính, dễ nuôi, ít dịch bệnh; thức ăn đơn giản và có thể tự chế như: Cám gạo, cám ngô, bột cá, mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 lần.

Vì vậy, nuôi cua đồng không cần nhiều nhân công, 5 ao nuôi chỉ cần 1 lao động là đủ. Kỹ thuật nuôi cũng khá đơn giản, cua có thể được nuôi trong ao đất, ao trồng cỏ hoặc kè bằng bờ xi măng đều cho hiệu quả như nhau.

Tuy nhiên, tất cả các ao nuôi trước khi thả cua giống phải xử lý bằng vôi bột để giải quyết chất phèn. Trong giai đoạn cua lột xác nên thả ống tre để làm chỗ cho cua trú ngụ, tránh tình trạng con này ăn xác con kia.

Nuôi đặc sản cua đồng, nông dân Hà Tĩnh “bỏ túi” 50-60 triệu đồng mỗi vụ

Nuôi cua đồng thương phẩm cho giá trị kinh tế cao. Vì vậy, ngoài 5 ao nuôi hiện có, sắp tới bà Châu tiếp tục nhân rộng.

Nguồn cua giống rất dồi dào được nhập về từ Hà Nội (thông qua đơn vị trung gian là Công ty CP Giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An) và giao hàng đến tận ao nuôi với mức giá dao động từ 80 - 100 ngàn đồng/kg.

"Cùng với đó, khoảng tháng 11 hàng năm, người dân ở các địa phương trồng lúa có thể tham gia bắt cua giống, bởi đây là thời kỳ cua mẹ sinh sản dày đặc nên người trồng phải bắt hết cua con nếu không lúa sẽ bị cắn hết” - bà Phan Thị Châu cho hay.

Người dân không phải lo “đầu ra” sản phẩm vì không chỉ thịt chắc hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn mà quan trọng là người tiêu dùng không lo cua bị nhiễm các loại hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Sự thành công của dự án thí điểm sẽ mở ra hướng làm giàu bền vững cho bà con nông dân trên địa bàn Hà Tĩnh. Bà Phan Thị Châu khẳng định: Nuôi cua đồng thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, tôi sẽ “bắt tay” với một doanh nghiệp có tầm cỡ để tiếp tục đầu tư rất lớn để mở rộng mô hình nuôi”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast