Ruộng bỏ hoang vì dự án gây ngập úng!

(Baohatinh.vn) - Nhiều hộ dân xã Tân Lộc (Lộc Hà) phản ánh, chỉ vì dự án kênh thoát nước Bầu Nẩy mà gần 3 năm nay, cứ vào vụ tháng 10, người dân trong xã lại phải ngậm ngùi để hoang 170 ha đất ruộng.

Năm 2010, huyện Lộc Hà triển khai dự án kênh mương tiêu thoát nước cho vùng Bầu Nẩy (xã Hồng Lộc). Đây là công trình có vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, con kênh này sẽ chảy qua xã Tân Lộc, đổ ra kênh Hồng Tân rồi chảy về bara Đò Điệm nhằm tiêu úng cho xã Hồng Lộc vào mùa lũ. Tuy nhiên, điều “trái khoáy” là, dòng kênh tiêu úng cho xã Hồng Lộc lại đang gây ngập úng cho xã Tân Lộc.

Dòng kênh Bầu Nẩy đang khiến cho ruộng đồng của bà con nông dân xã Tân Lộc bị bỏ hoang vì ngập úng.
Dòng kênh Bầu Nẩy đang khiến cho ruộng đồng của bà con nông dân xã Tân Lộc bị bỏ hoang vì ngập úng.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào thời điểm này, hầu hết ruộng đồng của bà con nằm gần khu vực có dòng kênh chảy qua cỏ dại mọc um tùm. Dự án kênh Bầu Nẩy chảy qua xã Tân Lộc với chiều dài hơn 1 km. Kim Tân, Tân Thành, Tây Hồ là các thôn chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó nặng nề nhất là ruộng đồng của bà con thôn Kim Tân đều bị ngập nặng.

Theo số liệu từ UBND xã Tân Lộc, đã có hơn 170 ha đất canh tác của người dân bị ngập úng phải bỏ hoang ở vụ tháng 10 từ khoảng 3 năm nay.

Anh Nguyễn Văn Đông (thôn Kim Tân) có 6 sào đất thì 3 sào nằm gần khu vực kênh Bầu Nẩy, cứ vào vụ tháng 10 là lại ngập úng. Ruộng đồng bỏ hoang, không thể canh tác, vợ chồng anh phải dắt díu nhau ra Hà Nội giúp việc để kiếm thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Kim Tân) cho biết: “Hễ mưa là ngập! Nhà chị làm 8 sào mà phải bỏ hoang đến 4 sào từ gần 3 năm nay rồi”.

Chị Thanh giải thích, trước đây chưa làm kênh Bầu Nẩy thì nước từ xã Hồng Lộc đổ về chảy tràn khắp nơi nên không gây ngập úng. Tuy nhiên, sau khi làm kênh, nước nhóm về một dòng với lưu lượng lớn, khi chảy qua thôn Kim Tân, nước tràn qua các cửa xả và thân kênh khiến cho ruộng vườn bị ngập, không thể sản xuất.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Mạnh Trung - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết: “Gần 3 năm nay, bà con các vùng Kim Tân, Tân Thành, Tây Hồ chỉ sản xuất được một vụ, còn vụ tháng 10 không thể sản xuất vì bị ngập úng. Trước đây, khi dự án kênh mương Bầu Nẩy được triển khai, người dân và chính quyền xã đã đề nghị có phương án thi công thích hợp để tránh ngập úng, hạn chế tối đa thiệt hại đến sản xuất. Và thực tế là sau khi đưa vào vận hành, có 170 ha bị ngập úng”.

Cũng theo ông Trung, ngoài gây ngập úng thì tuyến kênh còn khiến cho con đường dọc bờ kênh bị thu hẹp. Năm 2009, cùng với chủ trương chuyển đổi ruộng đất, chính quyền xã đã vận động nhân dân đắp con đường rộng 3m giúp bà con thuận tiện đi lại và vận chuyển lúa. Tuy nhiên, khi dự án triển khai thì mương đã “ăn đường”, nay đường chỉ còn lại khoảng 1,7m, khiến việc đi lại sản xuất của bà con vô cùng khó khăn.

Đi dọc tuyến kênh thoát nước Bầu Nẩy đoạn chảy qua xã Tân Lộc có khá nhiều cống thông vào ruộng của bà con, nhưng lại không có hệ thống cánh đóng mở nên không thể điều tiết nước. Mặt khác, do mương sâu hơn ruộng từ 50-80 cm nên khi mưa xuống, nước đổ từ Bầu Nẩy về khiến cho ruộng bị ngập nặng, nhưng khi nước rút thì rút kiệt khô, không còn nước để sản xuất.

Lý giải về nguyên nhân gây ngập úng nặng, ông Trần Văn Nghĩa - Phó phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho rằng: Việc ngập úng trước đây cũng đã có nhưng ít hơn, rút mau hơn, thời gian gần đây mới trở nên nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân do hiện nay đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Khánh Môn (TP Hà Tĩnh) chưa lắp đặt hệ thống cánh đóng, mở ở các cống khiến nước từ kênh tràn qua ruộng. Phần nữa, do toàn bộ nước lũ chỉ tiêu thoát qua cống Cầu Trù rồi chảy ra bara Đò Điệm, nhưng cống thủy lợi này xây dựng đã lâu, xuống cấp trầm trọng, cùng với đó là sự bồi lắng mạnh của dòng sông khiến cho khả năng tiêu úng yếu. Hiện huyện Lộc Hà đang có hướng thử nghiệm làm lúa chét để thích nghi với lũ, đồng thời tiến hành cải tạo ruộng đất để hình thành các mô hình sản xuất phù hợp như cá, vịt.

Cũng theo ông Hoàng Mạnh Trung, hiện nay, người dân và chính quyền chỉ mong dự án nhanh chóng hoàn thành để người dân đi lại thuận tiện, đồng thời mong đơn vị thi công lắp đặt hệ thống cánh đóng, mở ở các cống nằm dọc ruộng để điều tiết nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast