Sản vật chợ quê ngày Tết

(Baohatinh.vn) - Thời gian đang nhích dần về những ngày cuối năm, cùng với không khí hối hả chạy đua cho kịp với thời vụ xuống giống, người nông dân đang chuẩn bị những sản vật để hòa chung niềm vui chợ tết.

san vat cho que ngay tet

Chợ quê ngày Tết không chỉ có sức cuốn hút với người lớn mà cả đám trẻ con cũng náo nức vô cùng.

Mớ rau, đàn vật nuôi hay cây trái trong vườn - những sản phẩm chắt chiu từ bàn tay cần cù và những giọt mồ hôi, hôm nay được bày bán trong những phiên chợ cuối năm sẽ mang đến cho họ cái tết đủ đầy hơn.

Ngày nào cũng vậy, có chút thời gian rảnh rỗi là bà Vũ Thị Lý ở thôn 9, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) lại ra chăm bón, che chắn cho giàn trầu không. Những mắt lá xanh biếc lấp lánh dưới làn mưa phùn lất phất đang hứa hẹn nguồn thu nhập không nhỏ. Bà cho biết: “Tết năm trước bị sương muối, năm nay thời tiết thuận lợi hơn nhưng tôi cũng không lơ là trong việc chăm sóc, che chắn với hy vọng có thêm nguồn thu nhập. Cùng với trầu không, ít trăm bó lá dong, dăm buồng chuối trong vườn cũng cho tôi có nguồn thu kha khá để sắm tết”.

Làm lụng vất vả quanh năm, ai cũng mong có được cái tết no đủ, sum vầy. Nhưng với không ít người nông dân, đó là cả một vấn đề. Thế nên, niềm hy vọng vào ngày tết được các mẹ, các chị gửi trọn vào những tháng ngày cần mẫn chăm thêm đàn gà, đàn lợn. Chị Nguyễn Thị Lục (xóm Sơn Phú, xã Mai Phụ, Lộc Hà) cho biết: “Dăm sào ruộng cộng với công thợ hồ của chồng chỉ đủ để trang trải cuộc sống thường ngày. Vì thế, năm nào tôi cũng lo nhân giống và chăm sóc đàn gà, con lợn để kịp bán vào dịp tết. Mấy ngày gần đây, tìm hiểu thị trường, giá lợn thịt vẫn đang cầm chừng nhưng giá gà đã nhích lên, tôi rất mừng”.

san vat cho que ngay tet

Những sản vật “cây nhà lá vườn” đã giúp người nông dân có thêm nguồn thu trong dịp tết.

Mỗi vùng miền một đặc thù, một hoàn cảnh, nhưng với những người nông dân, họ đều có một sự mong đợi chung vào những phiên chợ cuối năm. Cẩn thận bắt sâu, vun xới cho những luống bắp cải, su hào, ông Nguyễn Văn Lân (xóm Thọ, xã Thạch Liên, Thạch Hà) cho biết: “Đầu tư quy trình rau an toàn rất tốn kém và mất nhiều công sức, thế nhưng, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và quan trọng hơn là giá cả cũng tương xứng nên chúng tôi luôn tuân thủ quy trình sản xuất. Hiện tại, giá su hào 15 ngàn đồng/kg, bắp cải 10 ngàn đồng/bắp nhưng đến thời điểm áp tết như năm ngoái, giá cả có khi tăng vọt lên gấp đôi nên người nông dân chúng tôi luôn hy vọng và ấp ủ một nỗi chờ mong vào những phiên chợ cận kề ngày tết”.

Với bà con vùng sơn cước, sản vật mà họ mang đến chợ quê là những nải chuối, buồng cau, trái cam căng mọng được chăm sóc kỹ càng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp tết. Ông Nguyễn Thân ở vựa cam Sơn Mai (Hương Sơn) cho biết: “Giữ cam, chờ tết để đón giá, chúng tôi đã sử dụng nhiều biện pháp trong việc chăm sóc, hạn chế tối đa những rủi ro để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần xa. Với chúng tôi đó là nguồn thu lớn, là niềm vui của cả gia đình mỗi dịp tết đến, xuân về”.

Qua những câu chuyện kể, trong không khí đã bắt đầu nhộn nhịp và sôi động ở những phiên chợ quê ngày cuối năm, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của cuộc sống người dân trên mỗi vùng quê. Và, với những người nông dân, thói quen cất dành những sản vật do chính tay họ làm ra để phục vụ thị trường tết đã góp thêm những gia vị đặc biệt để ngày tết thêm đậm đà, ấm áp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast