Sản xuất theo chuỗi giá trị - nét mới của CIDA

(Baohatinh.vn) - Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước cũng như Hà Tĩnh đã được xây dựng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững cho từng vùng sản xuất, xuyên suốt chuỗi giá trị từ khâu giống đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết các bên tham gia.

Theo định hướng này, dự án Phát triển nông nghiệp (CIDA) Hà Tĩnh đã rà soát và điều chỉnh các hoạt động trong thời gian còn lại (2014-2016) nhằm tạo ra các mô hình liên kết sản xuất - thị trường đối với 5 sản phẩm chủ lực: lúa, chè, rau - củ - quả, lợn và bò.

Sản xuất theo chuỗi giá trị - nét mới của CIDA ảnh 1

Sản phẩm chè ở Kỳ Thượng (Kỳ Anh) là một trong những mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi có quy mô lớn. Ảnh: T.L.

Mục đích ở cuối kỳ dự án (2016) là nâng cao sản lượng và tính cạnh tranh của 5 mặt hàng trên thông qua việc tạo ra mô hình tập thể sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn, liên kết với thị trường; tổng kết và đưa ra quy trình khuyến nghị mở rộng. Mô hình sản phẩm lúa được thực hiện ở các xã: Đức Thủy, Đức Long, Đức An, Đức Tùng, Bùi Xá (Đức Thọ); chè ở Kỳ Thượng (Kỳ Anh); rau - củ - quả (Thạch Kênh); lợn (Thạch Long); bò (Phù Việt, Thạch Sơn, Thạch Thanh - Thạch Hà) và Kỳ Tây, Kỳ Lâm (Kỳ Anh).

Chuỗi cần được hiểu linh hoạt ứng với tình hình thực tế địa phương. Về lý thuyết, chuỗi giá trị đi từ khâu đầu sản xuất đến khi sản phẩm lên bàn ăn. Nhưng thực tế, khi thị trường chưa phát triển mạnh thì mô hình chuỗi có thể chỉ đi đến một phân khúc nào đó (chuỗi chưa hoàn chỉnh). Chẳng hạn: nuôi bò nái chỉ đến lúc bán bê (sau đó nuôi tiếp bò nái hay bò thịt thì không kết nối được); nuôi bò hay vỗ béo chỉ đến lúc bán bò thịt hơi (sau đó bán xẻ thịt, không kết nối được). Song, nếu lò mổ đi vào hoạt động, phân phối đến chợ, siêu thị hay khu đô thị đông đúc thì chuỗi sẽ hoàn chỉnh trong tương lai. Sản xuất theo tín hiệu thị trường, đáp ứng yêu cầu của người tiêu thụ về lượng và chất, đem lại giá trị gia tăng, lợi nhuận cho nông dân, người chế biến và doanh nghiệp cao hơn là sản xuất nhỏ lẻ, quy trình tùy tiện...

Tinh thần chung của dự án là hỗ trợ cả nông hộ trong tổ hợp tác/HTX sản xuất; các hộ sơ chế, chế biến, thu mua và doanh nghiệp tham gia mô hình chuỗi, tức là xuyên suốt một chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Việc hỗ trợ dành cho các khâu then chốt, nút thắt “nhạy cảm”, nếu không tháo gỡ thì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Đương nhiên, phải ưu tiên hạng mục chưa có nguồn nào hỗ trợ và cân đối với nguồn lực có thể có của dự án. Chính vì vậy, phải dựa trên điều tra cơ bản, tham vấn người dân và doanh nghiệp; mới bảo đảm hỗ trợ đúng mục đích, công bằng và hiệu quả.

Các bên tham gia nhiều thành phần mới thành chuỗi. Nhà nước hỗ trợ thông qua các hoạt động dự án và chương trình nông thôn mới; nhà khoa học hiện diện ở các khâu: giống, quy trình kỹ thuật, tập huấn…; nhà nông liên kết trong các tổ hợp tác, HTX của mình; nhà băng thông qua kênh tín dụng mà dự án này góp thêm và hội phụ nữ giúp giải ngân; các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Trong phân khúc sản xuất, cần lưu ý động viên tối đa sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ để bảo đảm họ tham gia và hưởng lợi bình đẳng cùng với các thành phần khác. Đây là cơ hội giúp họ hội nhập sâu vào phát triển nông nghiệp định hướng thị trường.

Thực hiện hoạt động này đối diện với nhiều thách thức: địa bàn dự án là vùng nghèo, sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ lực có tính thương mại hóa không lớn, người dân chưa quen với sản xuất theo định hướng thị trường. Tính đa dạng của thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình làm cho mỗi địa phương có một ưu thế, việc liên kết thành cánh đồng quy mô lớn, vùng chăn nuôi tập trung là không dễ.

Đặc biệt, khi đưa chăn nuôi hộ lên quy mô lớn hơn, phải giải quyết vấn đề môi trường trong khu dân cư. Phương thức sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ còn mới mẻ; chưa có những điển hình liên kết bền vững để củng cố niềm tin của cả hai phía: người dân và doanh nghiệp. Cách làm mới này đòi hỏi những cơ chế hỗ trợ thích hợp mà dự án phải vừa làm, vừa đề xuất xây dựng. Năng lực đầu tư của các hộ nghèo, xã nghèo thấp; vốn đối ứng và vốn tự có là một trở ngại cho việc tham gia sản xuất thương phẩm định hướng thị trường. Với cơ chế hỗ trợ hiện hành, hộ nghèo sẽ ít có cơ hội mở rộng sản xuất. Chẳng hạn, khi một hộ nuôi 4-5 con bò, hay vài chục con lợn thì vốn đầu tư ban đầu không nhỏ, vì vậy, để họ tham gia thì cơ chế hỗ trợ phải đổi mới.

Tăng cường hiệu quả đầu tư vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đem lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân - những người hưởng lợi trực tiếp và cuối cùng của hoạt động hỗ trợ - mục tiêu cuối cùng của dự án đồng thời là mục đích dài hạn của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình nông thôn mới và các chính sách liên quan khác. Chính vì vậy, dự án CIDA đang tập trung tối đa nỗ lực để đạt mục tiêu này.

(Cố vấn trưởng kỹ thuật quốc tế dự án CIDA)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast