Sống lại những “tấc vàng”

Năm 2005, dự án hỗ trợ nuôi trồng thủy sản biển và nước lợ mang tên SUMA của Đan Mạch đầu tư vào xã Thạch Bàn (Thạch Hà) thất bại, bỏ trắng một diện tích làm muối không nhỏ. Sau nhiều năm trăn trở, những người nông dân khát khao làm giàu đã phát triển thành công nghề nuôi cá chẽm, thức dậy tiềm năng hàng chục ha ao hồ bị bỏ hoang.

Nông dân dám nghĩ, dám làm

Sau nhiều năm lăn lộn vất vả trên đất khách, anh Nguyễn Phi Thắng trở về quê hương với ý chí làm giàu từ hàng chục ha ao hồ mặt nước của địa phương được dự án SUMA quy hoạch và xây dựng đang bị bỏ hoang. Cuối năm 2011, ngay sau khi trở về, anh đã rà soát lại diện tích và mặt bằng hệ thống hồ nuôi; ra các tỉnh phía Bắc tìm chuyên gia nuôi trồng thủy sản về tận nơi khảo sát toàn bộ các chỉ số kỹ thuật về nuôi cá chẽm và cá hồng mỹ thương phẩm.

Mô hình nuôi cá chẽm bằng lồng của hộ anh Nguyễn Văn Hà (xóm Mai Lâm, xã Mai Phụ - Lộc Hà) cho thu nhập cao. Ảnh: Ngô Tuấn
Mô hình nuôi cá chẽm bằng lồng của hộ anh Nguyễn Văn Hà (xóm Mai Lâm, xã Mai Phụ - Lộc Hà) cho thu nhập cao. Ảnh: Ngô Tuấn

Được chuyên gia khuyến cáo các điều kiện về đất đai và nguồn nước đều phù hợp với nuôi cá chẽm và cá hồng mỹ, anh Thắng bắt tay ngay vào quá trình đăng ký mượn diện tích hồ nuôi và tiến hành nâng cấp, cải tạo, mua sắm máy móc, thiết bị; kêu gọi một số hộ dân thành lập tổ hợp cùng góp vốn đầu tư.

Khoảng giữa năm 2012, tổ hợp tác thả lứa cá đầu tiên và cho kết quả khả quan. Cuối năm 2012, HTX Diêm Hải ra đời với 11 xã viên; tiến hành thả nuôi 3 vạn con cá chẽm và 5 ngàn con cá hồng mỹ trên 20 ao hồ với diện tích 6,5 ha. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, HTX có doanh thu xấp xỉ 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận gần 300 triệu đồng.

Cùng với HTX Diêm Hải, còn có 5 hộ nữa của xã Thạch Bàn cũng đang tham gia thả nuôi cá chẽm và cá hồng mỹ trên diện tích ao của dự án SUMA. Được sự hỗ trợ tận tình của HTX, các mô hình sản xuất hộ cá thể này cũng đã có thu nhập cao.

Chị Hồ Thị Hòa - xã viên HTX Diêm Hải cho biết: “Tham gia mô hình nuôi cá theo sự hướng dẫn của HTX, lúc đầu tôi cũng rất lo. Mới nuôi, lo cá không phát triển tốt. Đến kỳ xuất bán lại lo thị trường. Nhưng từ ngày thu hoạch đến nay, sản phẩm được nhà hàng đến mua tận nơi. Sau gần 1 năm nuôi, gia đình tôi đã thu lãi 150 triệu đồng”.

Chính quyền vào cuộc

Ông Nguyễn Văn Ý - Trưởng ban Địa chính - Xây dựng NTM xã Thạch Bàn cho biết, sự nỗ lực của các thành viên HTX Diêm Hải, đã thực sự làm hồi sinh khu ao hồ của địa phương nhiều năm bị lãng quên. Mặc dù vậy, HTX đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt của cấp ủy, chính quyền các cấp để vượt qua những khó khăn bước đầu, phát triển bền vững. Hiện nay, chính quyền xã đang tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để đưa mô hình HTX Diêm Hải cũng như các mô hình nuôi cá chẽm và cá hồng mỹ trở thành một trong những “đòn bẩy” để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Đối với huyện Thạch Hà, thành công bước đầu của mô hình nuôi cá chẽm và cá hồng mỹ của HTX Diêm Hải và các hộ cá thể còn là yếu tố quan trọng góp phần vực dậy phong trào phát triển sản xuất, GQVL, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân ở các xã vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Ông Bùi Quốc Sơn - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao KHCN huyện Thạch Hà cho biết: “Qua khảo sát, theo dõi quá trình sản xuất cho thấy, cá chẽm, cá hồng mỹ và một số loài thủy sản khác thích nghi tốt với điều kiện đất đai và nguồn nước của xã Thạch Bàn. Vì vậy, bên cạnh tạo mọi điều kiện để địa phương tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình, thời gian tới, huyện sẽ tiến hành khảo sát ở một số địa phương vùng dự án. Nếu có điều kiện tương đồng như ở Thạch Bàn thì sẽ triển khai xây dựng mô hình nuôi cá chẽm, cá hồng mỹ và một số đối tượng nuôi phù hợp, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao đời sống của nhân dân”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast